Hôm nay (14-12), Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X khai mạc. Ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu HĐND nghe và xem xét nhiều báo cáo, đề án, tờ trình quan trọng, trong đó đáng chú ý là báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2006 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2007 của UBND tỉnh.
|
Năm 2006, nông nghiệp tỉnh Bình Định phát triển tương đối toàn diện. Trong ảnh: Thu hoạch vụ hè thu. Ảnh: Duy Quyên
|
Năm 2006 sắp trôi qua, dẫu tỉnh Bình Định phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; giá cả nhiều vật tư, hàng hóa tăng cao cộng với những rào cản mới trong thương mại quốc tế… song nhờ sự nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ của các ngành, các cấp, của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã giúp cho nền kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực.
Đáng mừng là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm địa phương) đạt mức cao nhất trong hơn 5 năm qua: tăng 11,96%, cao hơn tốc độ tăng năm trước là 0,86%. Trong đó nông, lâm, thủy sản tăng 8,21%; công nghiệp và xây dựng tăng 17,94%; dịch vụ tăng 12,32%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ (nông, lâm, thủy sản: 36,7%; công nghiệp và xây dựng: 28%; dịch vụ 35,3%).
Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện; công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá
Trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, năm 2006, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp toàn diện cả trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; thực hiện các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Trong năm, đã hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản gắn với việc xây dựng và điều chỉnh quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng đề án chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ ăn chắc ở những nơi có điều kiện, chuyển đổi diện tích lúa bấp bênh sang cây trồng cạn, đầu tư áp dụng rộng rãi giống cây trồng có chất lượng và hiệu quả cao… Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; xây dựng và triển khai đề án kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở. Thực hiện đề án sắp xếp các lâm trường quốc doanh.
Năm 2006 công nghiệp của tỉnh phát triển trong điều kiện có nhiều khó khăn do các doanh nghiệp mới chưa hoạt động ổn định; các khu, cụm công nghiệp phát triển chậm; một số ngành sản xuất tăng trưởng thiếu ổn định. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp; tháo gỡ khó khăn để giúp các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị. Định hướng ngành chế biến các sản phẩm gỗ, cồn, đá… chuyển đổi đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và khả năng nguồn nguyên liệu.
Do nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: gỗ tinh chế, dăm bạch đàn, bia, thép tròn, thức ăn gia súc, quần áo may sẵn, giày dép, đá các loại, dứa và rau quả xuất khẩu, cồn… thực hiện không đạt mức kế hoạch đề ra nên có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu của năm. Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát triển. So với năm 2005, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp là 17,53%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) tăng 18,44%; trong đó khu vực nhà nước tăng 2,5%; khu vực ngoài nhà nước tăng 27,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 112,7%.
Các khu, cụm công nghiệp được tiếp tục thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư…
Xây dựng cơ bản và huy động vốn cho đầu tư đạt khá
Năm 2006, tổng các nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 5.100 tỉ đồng, tăng 6,7% so với năm trước trong đó vốn nhà nước chiếm 50,5%; vốn ngoài quốc doanh chiếm gần 49% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 1%. Nguồn vốn ODA trong năm đã thu hút thêm 4 dự án, nâng số dự án đang triển khai lên 12 dự án với tổng vốn 102,6 triệu USD. Các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm của tỉnh tiếp tục được chỉ đạo đẩy mạnh thi công theo kế hoạch đồng thời chất lượng công trình cũng được tăng cường giám sát. Đáng kể là một số công trình quan trọng như: đường Gò Găng - Cát Tiến, đường Vân Canh - Mục Thịnh, cảng Quân sự Thị Nại và đặc biệt là công trình cầu Thị Nại được khánh thành đúng tiến độ vào ngày 12-12 vừa qua.
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, tỉnh đã tổ chức quán triệt và thực hiện Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và các nghị định quy định chi tiết của Chính phủ; công tác giám sát kiểm tra tiến độ thi công được tăng cường. Các quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn đến năm 2010; quy hoạch chung thị trấn Bình Định và thị trấn Bồng Sơn theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV, đề án xây dựng đường phía tây tỉnh cũng đã được hoàn tất.
Thu hút đầu tư và xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2006. UBND tỉnh cũng đã tập trung sức chỉ đạo công tác quy hoạch chi tiết các khu chức năng; xây dựng chính sách và đẩy mạnh triển khai công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Hàng loạt đợt xúc tiến, mời gọi đầu tư trong nước và nước ngoài, tuyên truyền, quảng bá về Khu kinh tế Nhơn Hội đã được tiến hành. Tỉnh đã tạo các điều kiện thuận lợi, thực hiện công tác giao mặt bằng, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ khởi công 7 dự án trong Khu kinh tế Nhơn Hội cùng với việc tổ chức khánh thành cầu Thị Nại.
Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển, mở rộng hợp tác với các tỉnh Nam Lào
Không kể nhiều doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi đã hoạt động có hiệu quả hơn, thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tiếp tục phát triển mạnh. Trong năm có thêm 500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, tăng 30% so với năm trước, với tổng số vốn đăng ký là 1.900 tỉ đồng; trong đó có khoảng 25% doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được đăng ký trong năm đã nâng tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lên 23 dự án gồm 18 doanh nghiệp, 1 công ty hợp doanh và 4 chi nhánh sản xuất, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 106 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2005. Đối với thành phần kinh tế hợp tác xã, sau khi triển khai các chủ trương củng cố theo Luật Hợp tác xã đã có 85% số hợp tác xã làm ăn có lãi.
Đáng chú ý trên lĩnh vực hợp tác phát triển là việc thỏa thuận hợp tác với các tỉnh trong nước và các tỉnh Nam Lào. Đề án đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh Nam Lào đến năm 2010 với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh trên 12 tỉ đồng, ngoài phần vốn đầu tư của các doanh nghiệp.
Ngoài những thành tựu đáng mừng trong công cuộc phát triển kinh tế, năm 2006, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội của tỉnh Bình Định cũng có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định, nhiều vùng được cải thiện; bình quân thu nhập đầu người tăng khá. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, năm 2006, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, tỉnh Bình Định vẫn còn nhiều khuyết điểm yếu kém mà đáng kể là tốc độ tăng GDP của các ngành công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Tỉnh vẫn chưa có giải pháp mạnh về đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Việc chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hút và triển khai đầu tư ở một số khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp chậm đã làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công nghiệp…
Trên lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ các vùng chế biến còn lúng túng nên kết quả đạt thấp. Về thủy sản, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, sản xuất nuôi trồng, chế biến thiếu đồng bộ và bền vững…
Hy vọng, tất cả những khuyết điểm, yếu kém trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2006 được chỉ ra từ kỳ họp này sẽ được các đại biểu tích cực thảo luận, tìm giải pháp khắc phục để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2007.
|