Sau diễn văn khai mạc kỳ họp của ông Nguyễn Xuân Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các báo cáo, tờ trình lần lượt được trình bày như dự kiến. 9 giờ, ngay sau giờ giải lao buổi sáng, ông Vũ Khoan, đặc phái viên Chính phủ (nguyên Phó Thủ tướng) đã có cuộc nói chuyện với các đại biểu xung quanh vấn đề Việt Nam hội nhập.
|
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Q.K
|
Ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X diễn ra nghiêm túc với sự có mặt gần như đầy đủ các đại biểu cũng như lãnh đạo các sở, ngành được mời dự. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2006 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2007 được ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày ngắn gọn. Báo cáo đã đánh giá những mặt ưu điểm chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006; thẳng thắn nêu những mặt khuyết điểm, tồn tại và chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại là do: “năng lực chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của lãnh đạo một số ngành và địa phương yếu, thiếu năng động sáng tạo. Ý thức trách nhiệm chưa được đề cao. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thiếu đồng bộ, còn đùn đẩy trách nhiệm, gây trì trệ, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là khó khăn về nguyên liệu, vốn, thị trường tiêu thụ, thương hiệu hàng hóa. Một số chương trình dự án khi lập thủ tục đầu tư chưa đánh giá hết khó khăn, phức tạp nên khi tổ chức thực hiện gặp vướng mắc, gây bị động lúng túng trong xử lý đã tác đông xấu đến sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.”
Sau báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Vĩnh Sáu, Giám đốc Sở Tài chính được ủy quyền trình bày Báo cáo tình hình thực hiện thu chi ngân sách năm 2006 và dự toán ngân sách 2007; Tờ trình về phê duyệt quyết toán ngân sách địa phương năm 2005; Tờ trình về việc ban hành tỉ lệ phần trăm để tính tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh.
Cuối buổi sáng ông Vũ Khoan, đặc phái viên Chính phủ (nguyên Phó Thủ tướng) đã có cuộc nói chuyện 2 giờ đồng hồ với các đại biểu xung quanh vấn đề Việt Nam hội nhập, đặc biệt là tiến trình hội nhập WTO. Cuộc trò chuyện diễn ra trong không khí lạc quan và cởi mở xung quanh các vấn đề thế nào là hội nhập, vì sao Việt Nam chủ động chọn con đường hội nhập, hội nhập theo quan điểm nào, những vấn đề Việt Nam cam kết và hệ quả của những cam kết… Các đại biểu HĐND đã chăm chú lắng nghe với tinh thần hết sức lạc quan trước vị thế mới của đất nước.
Buổi chiều các báo cáo, tờ trình tiếp tục được trình bày với nội dung được rút gọn hơn.
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2006 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2007 và Tờ trình về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển năm 2007 được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư trình bày.
Báo cáo cho biết: Năm 2006 tỉnh đã huy động vốn đầu tư trên địa bàn 5.100 tỉ đồng, đạt 41,6% trên GDP và tổng vốn đầu tư năm 2007 ước 5.970 tỉ đồng, tăng 17,1% so năm 2006, đạt 42% trên GDP năm 2007.
Ông Trần Thái Nga, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền tiếp tục trình bày Tờ trình về việc xin chủ trương tạm giao đất cho Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội và Báo cáo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010 của tỉnh. Ông Lê Văn Tô, Trưởng ban Ban Dân tộc được ủy quyền đọc Tờ trình về việc thông qua phương án thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển hàng hóa phục vụ miền núi năm 2007. Theo đó, năm 2007 tổng kinh phí dành cho trợ giá, trợ cước là 3.650 triệu đồng. Mặt hàng được trợ giá, trợ cước vận chuyển gồm: giống cây trồng (lúa cấp 1, bắp lai, đậu xanh); công trộn muối I-ốt và bao bì PE đựng muối loại từ 200g đến 2kg. Mặt hàng được trợ cước vận chuyển gồm: phân bón, dầu hỏa, giống thủy sản. Mặt hàng cấp không thu tiền là giấy vở học sinh.
Ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền đọc Tờ trình về kế hoạch xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010.
Cũng trong chiều hôm qua, các báo cáo về công tác ngành tòa án 2006 và nhiệm vụ 2007; công tác kiểm sát năm 2006 và nhiệm vụ 2007; báo cáo đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh năm 2006… cũng đã được trình bày xong.
Hôm nay, kỳ họp dành cả ngày cho các đại biểu thảo luận ở 4 tổ.
Vấn đề của kỳ họp:
Phát triển xã hội hóa dạy nghề
Một trong những nội dung được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm tại Kỳ họp thứ 8 này là Kế hoạch phát triển xã hội hóa (XHH) dạy nghề của tỉnh đến năm 2010 nhằm vào mục tiêu đến thời điểm này, tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 50% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, hiện trên địa bàn tỉnh có 18 cơ sở dạy nghề, trong đó có 4 trường dạy nghề, 2 trung tâm dạy nghề, 10 trung tâm khác có hoạt động dạy nghề và 2 lớp dạy nghề. Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 16 doanh nghiệp tư nhân và 914 hộ cá thể sản xuất kinh doanh có dạy nghề cho lao động bằng nguồn kinh phí của đơn vị. Công tác dạy nghề trong thời gian qua đã phát triển cả về quy mô, số lượng, cơ sở dạy nghề và phương thức dạy nghề theo xu hướng XHH.
Nhiều doanh nghiệp và hộ cá thể đã tổ chức dạy nghề cho lao động tại cơ sở sản xuất. Các cơ sở dạy nghề công lập ngoài việc thực hiện chỉ tiêu dạy nghề được ngân sách đảm bảo còn tổ chức dạy nghề cho người lao động bằng nguồn học phí do người học đóng góp, nhờ vậy số người học nghề theo diện XHH ngày càng tăng. Nếu như năm 2001, số lao động được đào tạo và bồi dưỡng nghề là 10.890, trong đó số học nghề ở diện XHH là 2.000, chiếm 18% tổng chỉ tiêu thì đến năm 2005 số lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề là 22.000 và số người học nghề theo diện XHH đã lên tới 8.763, chiếm 39,8% tổng chỉ tiêu đào tạo năm. Công bằng mà nói, 5 năm qua, công tác dạy nghề đã đáp ứng một phần nhu cầu nhân lực cho phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên nhìn chung, vấn đề phát triển cơ sở dạy nghề theo xu hướng XHH còn chậm, việc dạy nghề theo XHH chủ yếu là do các doanh nghiệp và các hộ SXKD thực hiện. Chất lượng đào tạo nghề còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của SXKD và phát triển KT-XH của tỉnh. Các nghề đào tạo chủ yếu là nghề phổ thông, chưa chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật; nghề đào tạo chưa gắn với thị trường. Cơ sở vật chất và trang thiết bị ở các trung tâm dạy nghề còn thiếu thốn, lạc hậu. Một bộ phận giáo viên hạn chế về kỹ năng sư phạm, chưa được đào tạo bài bản…
Trước tình hình ấy, để đạt mục tiêu 50% lao động được đào tạo và bồi dưỡng nghề vào năm 2010; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 45%; tỷ lệ học sinh học nghề ngoài công lập là 60%; Kế hoạch phát triển XHH dạy nghề của tỉnh đến năm 2010 đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Giải pháp đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về XHH dạy nghề, từ đó huy động tốt các nguồn lực xã hội tham gia phát triển sự nghiệp dạy nghề. Phát triển cơ sở dạy nghề và hình thức dạy nghề theo XHH bằng việc chuyển một số trung tâm dạy nghề công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ… Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích và phát triển XHH dạy nghề. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề. Đặc biệt hằng năm tỉnh dành một tỷ lệ chi ngân sách để phát triển sự nghiệp dạy nghề và hỗ trợ phát triển XHH dạy nghề, ưu tiên đầu tư vào những nghề mũi nhọn, nghề đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao. Dự kiến nhu cầu kinh phí cho đào tạo nghề đến năm 2010 là 265 tỉ đồng trong đó kinh phí cho phát triển XHH dạy nghề là 55 tỉ đồng từ các nguồn: ngân sách hỗ trợ (13 tỉ), huy động từ doanh nghiệp và hộ các thể SXKD (22 tỉ), nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (10 tỉ), học phí (10 tỉ).
|
|