Đã hơn một ngày trôi qua, người dân TP Quy Nhơn vẫn chưa hết bàng hoàng khi nói về vụ hỏa hoạn tại chợ Lớn Quy Nhơn, xảy ra lúc 19 giờ 45 phút ngày 16-12, kéo dài hơn 12 giờ trưa ngày hôm sau.
|
Chợ Lớn Quy Nhơn chìm trong biển lửa
|
Hỏa họan đã thiêu rụi hầu như toàn bộ hàng hóa của 910 hộ đang kinh doanh tại đây (trong đó có 667 hộ kinh doanh lớn). Nhiều tiểu thương coi như trắng tay. Ước tính tổng thiệt hại của vụ cháy khoảng 150 tỉ đồng. Giặc lửa còn khiến hàng ngàn lao động sống nhờ vào khu chợ này giờ đây đang mất việc.
Vụ cháy kinh hoàng
Theo một số người dân có mặt tại hiện trường, ngọn lửa phát ra từ các lô hàng ở phía đường Tăng Bạt Hổ, sau đó lan ra khá rộng. Ít phút sau, 8 xe chữa cháy và 45 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC được điều đến hiện trường. Tiếp đó, 21 xe chở nước của Công ty Xăng dầu Bình Định, 4 xe bồn của Công ty Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị, 2 xe của quân đội, một xe chữa lửa của Công ty TNHH Duyên Hải, 1 xe chữa lửa của sân bay Phù Cát đã tập trung đến hỗ trợ.
Toàn bộ lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh, hàng trăm cảnh sát trật tự Công an TP Quy Nhơn và dân phòng các phường được điều động làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự và bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân tại khu vực cháy. Đám cháy đã gây sự hiếu kỳ cho hàng chục nghìn người từ các nẻo đường đổ về xem, làm cho lực lượng chữa cháy càng thêm vướng víu.
|
Ngỗn ngang trước Chợ Lớn Quy Nhơn - ảnh Đào Tiến Đạt
|
Mặc dù lực lượng PCCC có mặt kịp thời, nhưng ngọn lửa đã bùng phát rất nhanh trong điều kiện gió thổi quá mạnh. Đám cháy đã lan rộng toàn bộ gần 50 ki-ốt lớn và hàng trăm quày hàng nhỏ phía đường Tăng Bạt Hổ (ba tầng) rồi chuyển hướng sang phía đường 31 tháng 3.
Đến 0 giờ ngày 17-12, ngọn lửa đã len lỏi vào tất cả các ngóc ngách của khu chợ. Khu trung tâm chợ (lộ thiên) gồm các mặt hàng thực phẩm, bao bì, nhựa và các mặt hàng dễ cháy khác bốc cháy dữ dội. Toàn bộ chợ Quy Nhơn chìm trong biển lửa. Những hàng trái cây, rau quả nằm sát vỉa hè bên ngoài chợ cũng bị lửa thiêu cháy đen, hàng hóa trong chợ chỉ còn là những đống tro. Nhiều khối bê tông bị nứt nẻ do bị “nung” trong nhiều giờ, các cửa kính bị vỡ tung, cửa sắt bị biến dạng.
Chị Nguyễn Thị Điểu, chủ một sạp hàng quần áo may sẵn có trị giá trên 500 triệu đồng, bức xúc: "Theo tôi, vụ cháy này không đáng xảy ra lớn, nếu lực lượng bảo vệ chợ làm tốt công tác chữa cháy ban đầu một cách có trách nhiệm. Khi mọi người phát hiện và hô hoán cháy chợ, không tìm thấy lực lượng bảo vệ ở đâu cả. Hàng chục người dân, dùng thau, xô đựng nước để khống chế đám cháy nhỏ không được. Mãi đến 15 phút sau, tôi thấy một nhân viên bảo vệ cầm một bình chữa lửa chạy đến và cũng chỉ phun ra một làn hơi rồi tịt luôn. Đến khi có 2 xe chữa lửa chạy đến phía đường Tăng Bạt Hổ thì một xe có nước và một xe không. Đã vậy, trong quá trình chữa lửa không có kết quả, lại có một xe chữa lửa chết máy, báo hại người dân phải đẩy chạy để tránh đường. Tôi thấy việc phòng cháy và chữa cháy ở chợ này có lẽ chẳng được quan tâm!".
Anh Hoàng Công Khanh, có quày hàng áo quần may sẵn trị giá khoảng 1 tỉ đồng bên mặt đường 31 tháng 3, đã bị cháy toàn bộ, phẫn nộ nói: "Lực lượng chữa cháy không tiếp cận được ngọn lửa, cứ đứng bên ngoài xa lắc thổi những vòi nước yếu ớt vào, chẳng tác dụng gì hết. Tại sao lực lượng chữa cháy không khoanh vùng đám cháy, nếu cần phá, chặt đứt một phần chợ để cách ly đám cháy. Tôi thấy lực lượng chữa cháy thừa nhiệt tình nhưng thiếu chuyên nghiệp".
Đến 9 giờ 10 phút ngày 17-12 đám cháy được dập tắt hoàn toàn sau hơn 12 giờ đồng hồ điên cuồng thiêu rụi những gì có thể. Thực chất, cũng chẳng còn gì để cháy.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng Công an TP Quy Nhơn, cho biết: “Vụ cháy sẽ được các cơ chức năng điều tra làm rõ. Theo một số người dân trông thấy thì nguyên nhân gây cháy là do chập điện. Nhưng thực hư thế nào thì phải chờ kết luận điều tra cụ thể”.
Nhiều tiểu thương trắng tay
|
Nhiều tiểu thương thất thần sau khi mất hết tài sản |
Sau một đêm thức trắng dõi theo diễn biến của ngọn lửa, chị Hồ Thị Mỹ Lệ với khuôn mặt mệt mỏi, thất thần nhưng mắt vẫn không rời khỏi khu vực tầng 2 của chợ phía đường Phan Bội Châu, nơi chị có 2 sạp quần áo. Chị Lệ nghẹn ngào: “Hai sạp quần áo của tui vừa được tập kết về để bán trong dịp Noel và Tết âm lịch trị giá gần 500 triệu đồng, trong đó có 300 triệu đồng là tiền vay ngân hàng. Số hàng trên, tui chưa bán được bao nhiêu, giờ biết lấy gì mà trả nợ đây?”. Cùng cảnh ngộ, bà Trần Thị Mộng, có 3 sạp hàng kinh doanh bao bì trong chợ, phía gần đường Trần Quý Cáp, cho hay: “Tui đã buôn bán ở đây hơn 15 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy vụ cháy nào kinh hoàng như vậy. Chỉ trong 1 đêm, số hàng hóa trị giá trên 300 triệu đồng của tui coi như thành tro hết”.
Hai chị em ruột của chị Hà Thị Thu An và Hà Thị Thu Lệ có 2 sạp mỹ phẩm kề nhau phía mặt đường Tăng Bạt Hổ, trị giá mỗi sạp gần 800 triệu đồng, đã đau đớn nhìn cơ nghiệp của mình chìm trong biển lửa. Chị An chỉ tay về phía đám cháy thốt lên: "Chúng tôi đã sai lầm khi gửi gắm tất cả miếng cơm, manh áo của gia đình chúng tôi cho những người vô trách nhiệm. Ban quản lý chợ Quy Nhơn đã thu không sót một loại phí nào của chúng tôi, nhưng họ rất vô trách nhiệm trong công tác phòng cháy, công tác bảo vệ, đồng thời họ cũng bán cả vỉa hè, lối đi nên khi hỏa hoạn các phương tiện chữa cháy không vào được. Sự sụp đổ này biết chừng nào chúng tôi mới gượng lại được!".
|
Trung tâm Chợ Lớn giờ chỉ là một đống đổ nát
|
Thiệt hại lớn nhất trong vụ cháy này có lẽ là Công ty TNHH may Trường Thành nằm tại tầng 3 với diện tích 2.400 mét vuông, hoạt động đã 11 năm nay. Lúc xảy ra vụ cháy có 164 công nhân may đang tăng ca để kịp giao hàng. Khi phát hiện ngọn lửa bùng lên, lực lượng bảo vệ đã cắt điện trong khu vực chợ, vì vậy các công nhân này đã không thể sơ tán tài sản của công ty ra ngoài, toàn bộ 174 máy may cùng 18.000 sản phẩm quần dài trẻ em vừa đóng gói để giao cho khách hàng vào ngày 18-12 đã bị ngọn lửa thiêu rụi. Tuy nhiên, có 12.000m vải vừa mới nhập kho may mắn không bị cháy. Theo ông Vũ Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH may Trường Thành, vụ cháy đã gây thiệt hại cho công ty khoảng trên 4 tỉ đồng. Sau khi biết thông tin về vụ cháy, ngay sáng ngày 17-12, các khách hàng của công ty Trường Thành đã có mặt ở Quy Nhơn, đòi lại số vải đã giao cho công ty để gia công. Hiện 200 công nhân của công ty đang bị thất nghiệp.
Những giải pháp trước mắt
Ông Võ Vinh Quang, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: "Sáng 17-12, dưới sự chủ trì cuộc họp khẩn cấp của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện, UBND TP Quy Nhơn và các ban ngành liên quan triển khai ngay công tác khắc phục thiệt hại vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn. Trước mắt UBND thành phố trích ngân sách hỗ trợ tạm thời cho các hộ kinh doanh nhỏ 1 triệu đồng và 2 triệu đồng cho các hộ kinh doanh lớn. Đồng thời, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con tiểu thương kê khai giá trị tài sản bị thiệt hại, nguồn vốn kinh doanh của các hộ, để từ đó có sơ sở giúp đỡ, hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau hỏa hoạn. UBND thành phố sẽ cho kiểm định lại mức độ hư hỏng kết cấu của chợ để có phương án sửa chữa hoặc xây dựng mới, kịp thời bố trí cho các hộ vào buôn bán trở lại. Hiện nay, với một lượng lớn tiểu thương như vậy, chúng tôi chưa thể bố trí địa điểm tạm thời để các hộ tiếp tục kinh doanh”.
Theo ông Ngô Ngọc Tạ, Phó chi cục trưởng Chi cục thuế Quy Nhơn, các tiểu thương chợ Lớn có quy mô buôn bán khá lớn, mỗi năm đóng thuế khoảng 3,4 tỉ đồng, chỉ đứng sau các phường: Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo. Hiện các tiểu thương còn nợ 248 triệu đồng trong năm 2006. Chi cục thuế sẽ kiến nghị các cấp cho miễn, giảm thuế đối với những hộ bị thiệt hại nặng do hỏa hoạn.
Trong buổi họp HĐND sáng ngày 17-12 (kỳ họp thứ 8, khóa X), các đại biểu đã quyên góp cứu trợ những nạn nhân trong vụ hỏa hoạn chợ Lớn Quy Nhơn và Mặt trận TQVN tỉnh cũng sẽ kêu gọi nhân dân toàn tỉnh chung tay giúp đỡ người bị hỏa hoạn.
- Đầu năm 1974, Chợ Quy Nhơn bị hỏa hoạn thiêu rụi, chính quyền cho xây chợ tạm trên nền chợ cũ.
- Tháng 1-1983, UBND TP Quy Nhơn - có sự đóng góp của tiểu thương, đã cho xây dựng dãy chợ 2 tầng phía đường 31-3. Đến tháng 9-1985, UBND tỉnh đầu tư xây dựng khu chợ 3 tầng như hiện nay. Chợ mới được xây dựng trên nền chợ cũ, diện tích xây dựng là 9.121m2, diện tích kinh doanh 9.206 m2, khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 3-2-1986.
- Chợ Lớn Quy Nhơn là trung tâm bán sỉ lẻ lớn nhất tỉnh Bình Định.
Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu trong chợ là hàng mỹ phẩm, mỹ nghệ, tạp hóa, quần áo may sẵn, hàng thời trang, điện máy, đồ nhựa, thực phẩm, bao bì. Phần lớn các quày, các ki-ốt bán hàng đều ngăn, che chắn, bảo vệ bằng gỗ, nhựa…. | |