|
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Tâm: “Ai trả tiền bồi dưỡng cho dạy phụ đạo học sinh ngồi nhầm lớp?”. Ảnh: Q.K |
Gần trọn một ngày thứ ba của Kỳ họp, chương trình đã dành cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn vẫn chưa đủ. 9 giám đốc các sở, ngành trả lời chất vấn với gần 30 câu hỏi trực tiếp được đặt ra ngay tại phiên họp khiến hội trường luôn “nóng” và đây được coi là một trong những kỳ họp có phiên chất vấn sôi nổi nhất.
Như thường lệ, Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thành Tiên là người đầu tiên giải trình các chất vấn của đại biểu bằng văn bản. Ngoài các câu hỏi có sự chuẩn bị trước như tình trạng hoạt động của Nhà máy chế biến thức ăn gia súc; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất vào năm 2007; kế hoạch phát triển vùng rau quả phục vụ chế biến xuất khẩu…; vấn đề khai thác rừng keo ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn với quy định để lại 10% cho ngân sách huyện và vấn đề giao đất của xã Bình Tân cũng ở huyện Tây Sơn cho Lâm trường Sông Kôn được “xoay” khá nhiều.
Vấn đề rừng keo ở Bình Thành, theo ông Võ Thành Tiên, việc xử lý để lại 15% đối với rừng trồng đến tuổi khai thác và 10% đối với rừng trồng chưa đến tuổi khai thác là đúng quy định nhà nước đã ban hành. Tuy nhiên theo đại biểu Huỳnh Văn Tân, thì Nhà nước cho dân thuê đất 30 năm nhưng dân mới chỉ khai thác mới 7-8 năm đã bị thu hồi nên để người dân được khai thác và hưởng 100% huê lợi là hợp lý hợp tình. Ý kiến này đã được Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Dương chủ tọa kỳ họp, lưu ý để Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết. Còn vấn đề đất ở xã Bình Tân được giao cho Lâm trường Sông Kôn nếu khai thác không hiệu quả, Sở NN&PTNT phải tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi giao lại cho dân.
Với Giám đốc Sở Thủy sản Trần Thị Thu Hà, phần trả lời chất vấn có vẻ nhẹ nhàng khi các câu hỏi chất vấn khá đơn giản: Vì sao việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tiến hành chậm và những biện pháp cụ thể để hạn chế dịch bệnh tôm. Với câu hỏi thứ nhất bà Hà cho rằng do những phát sinh tự phát tại vùng nuôi đặt ra những vấn đề cần phải kiểm tra, hoàn chỉnh lại từ các cơ quan chức năng như: điều tra lại vấn đề giải quyết môi trường; điều tra và nắm bắt tình hình các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng diện tích nuôi trồng hiện có so với dự án thuê đất; kiểm tra tình hình vay vốn… nên sở còn đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến của các cơ quan chức năng và địa phương để hoàn chỉnh trình UBND tỉnh. Một số giải pháp hạn chế dịch bệnh tôm mà bà Hà đưa ra là: ban hành sớm lịch thời vụ nuôi tôm năm 2007; quản lý chặt việc nuôi tôm tự phát; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm thân thiện với môi trường…
Các chất vấn với Giám đốc Sở Công nghiệp Nguyễn Kim Phương phần lớn đều đã được làm rõ trong các buổi thảo luận tổ như: Vì sao giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 tăng thấp hơn so với kế hoạch; cơ sở nào để đưa ra chỉ tiêu năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 25%; vì sao chương trình phát triển làng nghề chậm, hiệu quả thấp? Đối với nhà máy chế biến dứa, trước mắt không phát triển thêm vùng nguyên liệu và chuyển sang chế biến rau quả. Còn nhà máy mì sẽ tiếp tục quy hoạch vùng nguyên liệu và xử lý tốt vấn đề môi trường.
Cũng giống như nhiều kỳ họp trước, vấn đề bức xúc của phiên chất vấn vẫn là đất đai và môi trường. Giám đốc Sở TN-MT Trần Thái Nga vừa nhậm chức vài tháng đã phải đối mặt trước nhiều vấn đề nóng bỏng về nạn lấn chiếm đất đai xây nhà trái phép cũng như những bức xúc về môi trường do khai thác tài nguyên, phát triển sản xuất gây ra. Có đến 7 đại biểu chất vấn trực tiếp Giám đốc Sở TN-MT, đông nhất trong số các sở, ngành được chất vấn.
Vấn đề xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi của Nhà máy Xi măng Diêu Trì thải ra, được ông Nga trả lời đã thanh tra, kiểm tra nhiều lần, thậm chí đã xử phạt hơn 4,2 triệu đồng và đề nghị nghiên cứu có phương án di dời song nhà máy vẫn chưa có giải pháp khả thi. Sắp tới Sở TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Tuy Phước kiểm tra, giám sát việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và xây dựng phương án di dời nhà máy.
Đại biểu Mai Thanh Thắng phản ứng cho rằng trả lời như thế chưa thỏa đáng bởi Sở TN-MT phải nói được là chừng nào di dời; từ nay đến ngày di dời sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm như thế nào. Tuy nhiên, ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà cho rằng việc di dời nhà máy này thì “phải có đền bù, hỗ trợ” và đây là điều không dễ. Cũng trả lời ý kiến của đại biểu Mai Thanh Thắng về giải pháp khắc phục tình trạng lấn chiếm đất đai xây nhà trái phép, ông Trần Thái Nga cho rằng trong năm 2007, Sở TN-MT cho khảo sát tình hình lấn chiếm, phân loại đối tượng, phân loại nguyên nhân và phân cấp giải quyết. Khi ông Nga nói “cố gắng giải quyết cơ bản tình trạng lấn chiếm đất trái phép trong năm 2007”, nhiều đại biểu đã tỏ ra thiếu tin. Đại biểu Trần Hữu Hạnh “vặn” lại: “Liệu cuối năm 2007 có giải quyết nổi không?” Các vấn đề về nhà ở cho người nghèo, về hệ thống xử lý nước thải ở Khu công nghiệp Phú Tài, về đất cho 11 hộ dân sống dưới gầm cầu Diêu Trì… được ông Trần Thái Nga trả lời tương đối thỏa đáng.
Với Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Văn Quý, lần trả lời chất vấn này được đánh giá là cầu thị và xác đáng. Vấn đề bức xúc mà theo Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà coi là số một trong các bức xúc xã hội là việc học sinh “ngồi nhầm lớp”. Qua cuộc khảo sát chất lượng học sinh tại một số huyện, ông Quý đã có cơ sở để thừa nhận tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp là một thực tế đau lòng; khẳng định nguyên nhân của việc ngồi nhầm lớp là do bệnh thành tích; nhiều thầy cô chưa làm hết trách nhiệm. Và Sở đã đưa ra nhiều giải pháp xác đáng trong đó có việc phân loại để phụ đạo cho học sinh.
Khi nghe đại biểu Nguyễn Thị Tố Tâm chất vấn ai sẽ trả tiền bồi dưỡng cho giáo viên dạy phụ đạo, ông Quý đã thẳng thắn: “Chúng ta đã gây ra hậu quả này thì phải chịu. Mỗi giáo viên phải làm hết sức mình để có những sản phẩm thực rồi xã hội sẽ ghi nhận. Nếu mỗi giáo viên làm hết trách nhiệm của mình, dạy thực học thực thì sẽ chẳng còn thời gian đâu để dạy thêm”.
Trả lời chất vấn về các vấn đề được đại biểu đặt ra, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cang xác định đến ngày 27-2-2007 sẽ khánh thành, đưa vào hoạt động Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong. Giám đốc Cang cũng nêu một loạt giải pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện.
Các giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, Sở GT-VT, Bảo hiểm Xã hội Bình Định và Công an tỉnh cũng đã lần lượt trả lời chất vấn.
Các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2007:
Tổng sản phẩm địa phương (GDP) tăng 12,5%. Trong đó, nông, lâm, thủy sản tăng 3,5% (riêng nông nghiệp tăng 2,7%); công nghiệp, xây dựng tăng 25,2% (riêng công nghiệp tăng 24,5%); dịch vụ tăng 13,6%.
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế: phấn đấu tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp- công nghiệp và xây dựng- dịch vụ trong GDP đạt tương ứng: 33,5%-31%-35,5%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,2% (trong đó, nông nghiệp tăng 3,4%), sản lượng lương thực có hạt 551.000 tấn, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 25%, tổng kim ngạch xuất khẩu 280 triệu USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 11.500 tỉ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh dự kiến huy động 5.970 tỉ đồng, đạt 42% GDP; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 1.622 tỉ đồng, trong đó thu nội địa 1.290 tỉ đồng.
Các chỉ tiêu xã hội và môi trường:
Tỷ suất sinh giảm 0,06%; tạo chỗ làm việc mới cho 24.000 người (trong đó xuất khẩu 1.000 người); tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 29%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,6%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 85%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 23%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%. |
|