Bình Định - 9 năm kháng chiến chống Pháp
9:41', 19/12/ 2006 (GMT+7)

Cách mạng Tháng 8-1945 thành công. Ngày 2-9, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Nhưng thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững độc lập dân tộc, nhân dân ta chỉ có một con đường là cùng nhau đoàn kết đứng lên đánh giặc cứu nước, cứu nhà. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

 

Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến, cuối 1946. Ảnh: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

 

9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược, tỉnh Bình Định về cơ bản là vùng tự do của chiến trường khu V, thực thi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu phục vụ tiền tuyến; nâng cao cảnh giác, tăng cường quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng tự do.

Sau khi thiết lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta ra sức củng cố chính quyền, phát triển các đoàn thể cứu quốc, các lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực góp phần cứu trợ nhân dân các vùng bị nạn đói hoành hành do chế độ thực dân - phong kiến để lại; nhiệt liệt hưởng ứng có hiệu quả “Tuần lễ vàng”, Tuần lễ đồng” do Trung ương phát động nhằm khắc phục những khó khăn về tài chính quốc gia. Mặc dù có thời gian bị địch đánh phá rất ác liệt, nhưng nhân dân vẫn tích cực đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, khôi phục, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như dâu tằm, dệt vải, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu trang trải nhu cầu trong tỉnh và cung ứng kịp thời, đầy đủ cho chiến trường khu V. Vải xi ta, lụa An Thường, Phú Phong, giấy Việt Thắng... là những sản phẩm nổi tiếng ở khu V.

Đặc biệt, phong trào văn hóa, giáo dục, y tế phát triển mạnh. Toàn dân hăng hái tham gia bình dân học vụ, đến đầu năm 1949 thì toàn tỉnh thanh toán xong nạn mù chữ, kể cả đối với những cụ già 50-60 tuổi. Giáo dục phổ thông phát triển nhanh, mạnh và sâu rộng. Mỗi xã có một liên trường cấp I; mỗi huyện có từ 1 đến 3 trường cấp II; toàn tỉnh có 2 trường cấp III, 3 trường tư thục cấp II, III. Cuộc vận động xây dựng đời sống mới đạt kết quả đáng khích lệ. Toàn dân thực hiện “tam tinh, tứ diệt”, ăn sạch, ở sạch, uống sạch; ăn đũa hai đầu, uống nước đun sôi để nguội, nằm ngủ có màn...; các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, phù thủy, bói toán, cờ bạc, rượu chè, hút xách, đĩ điếm... được bài trừ tận gốc. Hầu như không còn nạn trộm cắp; tài sản cất giấu trong rừng, đêm ngủ không đóng cửa nhưng không hề xảy ra mất trộm.

Sau khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân tỉnh Bình Định tích cực thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, vườn không nhà trống ở các vùng đô thị; phá hoại những con đường lớn, đào hố ngang, hố dọc, chữ I, chữ T; rào làng chiến đấu, lập các tuyến phòng thủ, nhất là tại khu Tam Bình (huyện Bình Khê), các làng ven biển và thị xã Quy Nhơn. Các hình thức báo động có địch như treo bồ, đánh trống mõ liên hoàn được thực hiện có nền nếp. Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên đà thắng lợi và bước vào giai đoạn phản công, thì các tuyến đường sắt xuyên Việt, quốc lộ IA, các tỉnh lộ quan trọng đều được khôi phục nhanh chóng. Các đơn vị vận tải bằng ô tô, xe thồ, xe ngựa được thành lập, đặc biệt là sáng kiến làm cam-nhông-ray, đã đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường. Phong trào hậu phương thi đua với tiền tuyến dâng lên mạnh mẽ. Bộ đội cần thêm quân, thanh niên Bình Định, kể cả viên chức, học sinh trung học hăng hái lên đường nhập ngũ. Tiền tuyến cần súng đạn, quân lương, từng đoàn dân công Bình Định nối đuôi nhau ra hỏa tuyến không ngại gió mưa, giá rét và bom đạn quân thù. Trong chiến dịch đông xuân 1953- 1954, hậu phương Bình Định đã dốc nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến.

Nhân dân Bình Định cũng đã tận tình cưu mang, đùm bọc, lo công ăn, việc làm và việc học hành cho đồng bào, con em hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum tản cư lánh giặc đến sinh sống tại địa phương; hết lòng giúp đỡ, chi viện các tỉnh của hai nước bạn là Lào và Campuchia.

Đi đôi với xây dựng hậu phương vững mạnh, quân dân Bình Định cũng đã lập được nhiều chiến công oanh liệt: Tháng 7-1947, đánh bại cuộc càn quét của 1.500 quân Pháp lấn chiếm vùng tự do huyện Bình Khê. Tháng 10-1947, Ngô Mây ôm bom cảm tử tại Suối Vối, diệt 40 tên lính Âu Phi và hai xe địch, buộc quân địch đi càn phải rút lui về An Khê. Cuối tháng 7 đầu tháng 8-1948, bẻ gãy cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm của Pháp gồm hải lục, không quân nhảy dù xuống Phù Cát và đổ bộ lên Đề Gi - Phù Mỹ. Tháng 7-1948, đánh bại cuộc hành quân bằng tàu chiến của Pháp đổ bộ lên cửa biển Tam Quan, lấn chiếm vùng tự do Hoài Nhơn, diệt 200 tên địch, có nhiều sĩ quan. Đáng tự hào là quân dân ta đã vây hãm hơn 3 tháng (12-3 đến 18-6-1954) mấy binh đoàn quân Pháp tại Quy Nhơn, tiêu diệt và làm bị thương gần 6.700 tên địch, có hơn 300 tên chết vì hầm chông; vang dội nhất là trận tập kích nhà hát Trung Hoa diệt hơn 200 tên địch.

Quân dân Bình Định đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch đông - xuân 1953-1954, đưa đến chiến thắng lịch sử vang dội: Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

  • Hoài Nam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nâng cấp Di tích chiến thắng Đồi 10  (18/12/2006)
Nóng bỏng vấn đề đất đai và môi trường  (18/12/2006)
Nhiều vấn đề được “mổ xẻ”  (18/12/2006)
Thông qua 16 nghị quyết  (18/12/2006)
Đầu tư 3,7 tỉ đồng xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Ân Tường Tây  (17/12/2006)
Chợ Lớn Quy Nhơn bị lửa thiêu rụi   (16/12/2006)
Huyện An Nhơn: Họp mặt các vị chức sắc công giáo, tin lành nhân dịp lễ Giáng sinh  (15/12/2006)
Sẽ tổ chức Liên hoan Sinh vật cảnh lần thứ 5 trong dịp Festival Tây Sơn - Bình Định 2007  (15/12/2006)
Các báo cáo, tờ trình được trình bày súc tích  (15/12/2006)
Cứu hộ xà lan WM BENEFIT PLUS II  (14/12/2006)
Phát huy truyền thống địa phương, quyết tâm vượt qua khó khăn  (14/12/2006)
Ông Vũ Khoan thăm và làm việc tại Bình Định  (14/12/2006)
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2006 đạt mức cao nhất trong hơn 5 năm qua  (14/12/2006)
Sức lan tỏa của công tác khuyến học gia tộc  (13/12/2006)
Các phòng giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học nếu có bão  (13/12/2006)