UBND tỉnh và TP Quy Nhơn đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm mặt bằng để bố trí cho các hộ bị thiệt hại trong vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn tái kinh doanh, các địa điểm để bà con có thể kinh doanh tạm đã được chọn, nhưng để có được một chỗ mua bán ổn định, các tiểu thương vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
|
Tiểu thương ngành hàng tươi sống buôn bán trên đường phố (ảnh chụp ngày 20-12)
|
* Có mặt bằng nhưng vẫn còn khó
Dù tài sản thiệt hại trong vụ cháy không đáng kể, nhưng đối với những người buôn thúng bán bưng, chạy ăn từng bữa thì nghỉ bán một ngày quả thật khó khăn. Vì vậy, ngay sau khi lực lượng bảo vệ hết phong tỏa các tuyến đường, nhiều hộ bán hàng tươi sống (thịt cá, rau quả) đã xuống lòng đường Lê Lợi, Phan Bội Châu, 31-3 để bán. Thấy nhu cầu cần chỗ ngồi bán tăng đột biến, một số thanh niên ở khu vực này đã trải chiếu ra giành chỗ, đòi tiền các hộ nếu muốn có mặt bằng kinh doanh. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng công an đã nhanh chóng xử lý số thanh niên này.
Còn với những người kinh doanh ngành hàng cố định thì tìm một chỗ để kinh doanh khó khăn hơn nhiều. Một ngày sau khi xảy ra vụ cháy, nhiều tiểu thương đã tự đi tìm địa điểm kinh doanh mới. Chỉ tính riêng Ban quản lý chợ Đầm đã nhận hơn 100 đơn đăng ký thuê sạp để buôn bán. Ông Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng Ban quản lý chợ Đầm, cho biết: “Ban đầu, số lượng tiểu thương đến nộp đơn rất đông, chúng tôi cũng đã bố trí 49 lô nhưng mới chỉ có vài hộ dọn hàng ra bán. Sau khi UBND tỉnh quyết định trưng dụng Trung tâm Hội chợ triển lãm để các hộ buôn bán tạm, nhiều người đã không đến chợ Đầm để nhận chỗ. Hiện nay, chợ còn 141 lô trống, nếu các tiểu thương có nhu cầu thì chúng tôi giải quyết ngay”.
Còn tại chợ Sân Bay tình hình lại khác, trong khi thấy nhiều tiểu thương đi thuê chỗ buôn bán, một số chủ kiốt, sạp hàng ở đây đã tự nâng giá rất cao so với thời điểm trước khi chợ Lớn Quy Nhơn bị cháy. Theo một chủ hộ kinh doanh trong kiốt ở gần cổng chợ Sân Bay, trước khi cháy chợ Lớn Quy Nhơn, giá sang nhượng mỗi kiốt ở chợ Sân Bay cao nhất chỉ khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi cháy chợ Lớn Quy Nhơn, giá sang nhượng kiốt ở đây tăng gấp đôi, thậm chí còn hơn nữa. Cụ thể, một tiểu thương kinh doanh bánh kẹo ở chợ Lớn Quy Nhơn vừa “bấm bụng” sang nhượng lại kiốt lô 34 chợ Sân Bay, với giá 70 triệu đồng (thời hạn sử dụng chỉ còn gần 10 năm). Chưa dừng lại ở đó, người vừa sang nhượng kiốt 34 chợ Sân Bay còn phải “gánh” thêm lượng hàng trong kiốt của chủ cũ không thuộc mặt hàng mình kinh doanh với giá 40 triệu đồng.
Nhiều tiểu thương hiện đang chờ để được bố trí vào bán trong Trung tâm Hội chợ triển lãm (TT HCTL). Mặt bằng TT HCTL có diện tích khoảng 2.900m2 (tính cả hành lang xung quanh) chỉ có thể chia ra khoảng 200 lô (mỗi lô từ 5-8m2). Ông Võ Vinh Quang, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho biết: “Trong vòng 2 ngày tới, chúng tôi sẽ tiến hành làm sơ đồ các lô, sạp, cho xây thêm khu vực vệ sinh... trong TT HCTL. Sau đó sẽ cho các hộ bốc thăm vị trí lô, sạp. Các lô trong TT HCTL được ưu tiên cho các hộ có thiệt hại lớn, buôn bán các mặt hàng không gây ô nhiễm môi trường như: vải sợi, quần áo, điện, điện tử… vào kinh doanh tạm thời. Vì đây là khu vực trung tâm TP nên không thể để các hộ tự ý che lều, bạt ngoài sân để kinh doanh gây mất mỹ quan”.
|
Kiốt lô 34 chợ Sân Bay vừa sang với giá 70 triệu đồng, cao hơn 40 triệu đồng so với trước khi cháy chợ Lớn Quy Nhơn. Ảnh: A.T
|
* Không thể sử dụng lại chợ cũ
Ngày 19-12, các cơ quan chức năng đã đưa ra kết quả báo cáo giám định chất lượng chợ Lớn Quy Nhơn sau khi bị cháy. Theo đó, hầu hết các hạng mục của chợ đã bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Vì vậy, không thể tận dụng bất kỳ khu vực nào của chợ để bố trí cho các hộ kinh doanh tạm như dự định ban đầu. Hiện lực lượng bảo vệ và Ban quản lý chợ tiếp tục cho các hộ lần lượt vào khu vực sạp của mình để xem và thu lượm những gì còn sót lại.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh và TP Quy Nhơn sẽ xem xét các phương án xây mới chợ Lớn Quy Nhơn trên nền cũ. Ông Võ Vinh Quang cho biết: “Sau khi nhận được sự tư vấn từ các đơn vị thiết kế, chúng tôi mới lựa chọn các phương án phù hợp với điều kiện của địa phương, nhiều khả năng, chợ mới sẽ quy mô hơn, theo hướng trở thành một trung tâm thương mại cao tầng. Phương thức xây dựng có thể là do kêu gọi các tổ chức, cá nhân đứng ra đảm nhận, sau đó họ sẽ cho các tiểu thương thuê lại mặt bằng để kinh doanh”.
Thời gian để hình thành nên một ngôi chợ mới chắc chắn sẽ mất khoảng một vài năm, vì vậy các tiểu thương bị thiệt hại trong vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nhưng dù sao, với những sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan, hy vọng các tiểu thương sẽ được ổn định công việc kinh doanh trong thời gian sớm nhất.
Danh sách các đơn vị, cá nhân ủng hộ đồng bào bị thiệt hại tại chợ Lớn Quy Nhơn (đến chiều ngày 20-12)
Đơn vị và cá nhân |
Số tiền (VND) |
Đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh K. X
CBNV Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh Bình Định
Nhà thuốc Thanh Sơn - 473 Trần Hưng Đạo - QN
DNTN Xuân Cảnh - 105 Nguyễn Thái Học - QN
CBNV Báo Thanh Niên - 248 Cống Quỳnh - TP.HCM
Ban Liên lạc Tù Chính trị tỉnh
Công ty TNHH đồ gỗ Viễn Thông
DNTN Thanh Danh - 106 Lê Lợi - Quy Nhơn (Thông qua Báo Thanh Niên)
Công ty cổ phần Giày An Phú
CBNV Sở Thương mại
Khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn
Công ty cổ phần dịch vụ Phát triển hạ tầng PBC
Bảo Việt Bình Định
Nhà máy Sữa Bình Định
Siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Bình Định
Cảng Quy Nhơn
Cộng: |
6.210.000
1.000.000
1.000.000
1.000.000
20.000.000
200.000
3.000.000
500.000
2.000.000
1.472.000
8.000.000
1.000.000
2.177.000
2.000.000
50.000.000
2.000.000
20.000.000
121.559.000 | |