Để mở rộng hành lang cho chiến dịch xuân Mậu Thân (1967- 1968), Ban chỉ đạo Khu Đông chủ trương đánh quận lỵ Tuy Phước và chào mừng ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1967).
Quận lỵ Tuy Phước ở ngay trụ sở UBND huyện Tuy Phước hiện nay. Lúc ấy địch đóng một đại đội bảo an, bốn góc có lô cốt kiên cố, nhà tên quận trưởng ở hướng tây nam, hướng tây bắc có trại giam của địch nhốt trên 300 cán bộ, nhân dân hoạt động cách mạng.
|
Cầu Thị Nại. Ảnh: Đào Tiến Đạt
|
Ban chỉ đạo Khu Đông giao cho đơn vị đặc công tỉnh và bộ phận đặc công nữ của huyện, khoảng 40 đồng chí đánh điểm này.
Bộ đội ta trú quân từ núi Đen, đông đầm Thị Nại, nhờ thuyền dân vượt đầm, rồi qua cánh đồng trống bùn lầy của xã Phước Sơn, vượt núi Kỳ Sơn ẩn mình trong các khe đá ở phía tây núi thuộc xã Phước Nghĩa.
Ngay trong đêm đó, đồng chí Lâm Văn Tương cùng hai chiến sĩ đi kiểm tra lại mục tiêu, mở cửa vào trong ở góc đông nam quan sát. Tình hình không có gì thay đổi. Tương cho hai chiến sĩ về báo cáo còn anh ở lại ngâm mình dưới nước để giữ cửa mở.
Sẩm tối ngày 21-12, trời mưa tầm tã đường trơn và lún, với kỹ thuật điêu luyện, cả đội hình đơn vị đến vị trí tập kết cuối cùng, bắt liên lạc với đồng chí Tương, lần lượt đưa đội hình vào bên trong.
Đúng 0h2 phút ngày 22-12 lệnh tấn công bằng quả B40 phá lô cốt đầu cầu. Tương dẫn đầu mũi đánh vào nhà tên quận trưởng. Hắn vừa chạy ra khỏi cửa thì bị Tương quét loạt tiểu liên ngã ngay trước cửa. Các hướng khác đồng loạt tấn công. Khi Lâm Văn Tương ném quả thủ pháo vào ổ đề kháng của địch thì không may trúng đạn của bọn tàn quân, đã hy sinh.
Đúng 2h ngày 22-12, chỉ huy trận đánh ra lệnh rút quân về mé tây núi Kỳ Sơn, ẩn mình trong các kẽ đá.
Quân Nam Triều Tiên đổ dày trên núi lùng sục hòng tiêu diệt bộ đội cách mạng, song vô hiệu.
Lúc ấy các chiến sĩ và cán bộ cách mạng đều ao ước “giá như có chiếc cầu để rút nhanh qua khỏi đầm Thị Nại về căn cứ núi Đen”. Ước mơ đó 39 năm sau mới thành hiện thực: Cầu Thị Nại đã được xây dựng và khánh thành.
|