Gia nhập WTO, nguồn vốn, công nghệ sẽ đổ vào Việt Nam, tạo thêm nhiều chỗ làm mới, đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao mới đáp ứng được nhu cầu. Trường Công nhân kỹ thuật (CNKT) Quy Nhơn, một trong những địa chỉ đào tạo công nhân chủ lực của tỉnh, sẽ làm gì để đáp ứng yêu cầu đó. Ông Ngô Xuân Thủy, Phó hiệu trưởng trường CNKT Quy Nhơn, đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.
|
Từ năm 2007, học viên của Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn sẽ được tiếp cận với nhiều thiết bị hiện đại. Ảnh: N.P
|
* Theo ông, thị trường lao động Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng sau khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ chuyển biến như thế nào?
- Việt Nam gia nhập WTO không chỉ tác động mạnh mẽ đến những nhà hoạch định chính sách mà tác động trực tiếp đến cả doanh nghiệp và người lao động. Khả năng thích ứng với môi trường hội nhập sẽ quyết định sự tồn tại của bản thân từng doanh nghiệp, từng người lao động. Việc mở rộng thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài sẽ làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, dẫn đến thay đổi cơ cấu việc làm và cơ cấu lao động. Hiện nay, thị trường lao động có sự dịch chuyển lớn về lao động giữa các khu vực kinh tế, giữa các địa phương, giữa các ngành nghề và giữa các doanh nghiệp. Chả thế mà lao động cả nước đang dồn về các khu công nghiệp, khu đô thị như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... Lao động từ khu vực nhà nước chuyển sang khu vực ngoài quốc doanh, từ nông thôn chuyển ra thành thị...
Còn ở Bình Định, mặc dù lao động không tập trung nhiều như ở các tỉnh, thành phố lớn, nhưng chỉ riêng KCN Phú Tài đã có trên 20 ngàn lao động, chưa kể một số cụm tiểu thủ công nghiệp khác. Trong tương lai không xa, khi KKT Nhơn Hội hình thành, lượng lao động lớn sẽ đổ về đây. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch lao động cũng là quá trình diễn ra sự chọn lọc: lao động tay nghề kém, trình độ thấp sẽ không thể kiếm được việc làm tốt, lương cao; thậm chí lao động không có tay nghề sẽ bị đào thải.
Một trong những thế mạnh của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng là giá nhân công rẻ. Song, nếu chỉ dừng lại ở đó sẽ không thể biến thế mạnh thành cơ hội vì nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đang cạnh tranh bằng yếu tố này. Ngoài ra, yếu tố giá nhân công rẻ chỉ có lợi thế đối với những ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản- những ngành kinh tế “lấy công làm lời”- chứ không là lợi thế đối với những ngành kinh tế sử dụng công nghệ cao hoặc sử dụng nhiều vốn. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo kỹ thuật thực hành trình độ cao.
* Trong điều kiện trang thiết bị dạy và học nghề lạc hậu, Trường CNKT Quy Nhơn đã làm gì để “cập nhật công nghệ” cho học sinh trước tình hình trang thiết bị luôn thay đổi theo hướng hiện đại?
- Không riêng gì Trường CNKT Quy Nhơn mà hầu như các trường dạy nghề trên cả nước đều đi sau doanh nghiệp 10-15 năm về thiết bị công nghệ. Nguồn vốn để trang bị những thiết bị hiện đại cho việc dạy học phụ thuộc vào Nhà nước, nên khi mua trang thiết bị về thì đã lạc hậu. Trong khi đó, sự hỗ trợ giữa các doanh nghiệp và nhà trường hầu như không có. Ở nhiều nước phát triển, các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc học nghề của công nhân, họ sẵn sàng mua trang thiết bị mới lắp đặt tại các trường cho công nhân của mình thực hành.
So với những thiết bị hiện có của các doanh nghiệp đang hoạt động ở Bình Định, thì học viên học nghề ở trường sau khi ra trường hầu hết đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên để khắc phục những hạn chế về thiết bị lạc hậu, cứ mỗi năm, sau khi kết thúc đợt thực tập, nhà trường sẽ nghe học viên phản ánh những vướng mắc gặp phải trong thực tế. Từ đó, nhà trường sẽ đưa vào giảng dạy thêm những chương trình không có trong giáo trình. Hàng năm, nhà trường thường xuyên mở các lớp bổ sung kiến thức, công nghệ mới cho những công nhân từng học ở trường để họ luôn luôn bắt kịp với những trang thiết bị mới, hiện đại.
* Còn về lâu dài, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO và KKT Nhơn Hội đang hình thành cần những công nhân có tay nghề cao, nhà trường đã có kế hoạch gì để nâng cao chất lượng đào tạo?
- Nhà trường cũng đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo. Trong năm 2007, tất cả học viên của trường sẽ được tiếp xúc và làm quen dần với những trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh khóa công nhân có tay nghề cao, với số lượng 150 học viên.
Yếu tố quyết định để học viên ra trường có tay nghề cao là phải tiếp xúc với những trang thiết bị hiện đại và đội ngũ giáo viên luôn cập nhật những kiến thức mới nhất. Hiện nhà trường đã đầu tư 3,5 tỉ đồng mua thiết bị hàn công nghệ cao và các máy công cụ vạn năng. Trong năm 2007, tiếp tục đầu tư 4 tỉ đồng mua thiết bị cho ngành điện- công nghiệp và sửa chữa ô tô… Ngoài ra, đội ngũ giáo viên của trường cũng đã được đi học tập ở nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc. Mỗi năm có từ 5-8 giáo viên được đến các nhà máy, xí nghiệp lớn của Hàn Quốc để cập nhật những công nghệ mới nhất về giảng dạy cho học viên. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tăng cường cho học viên học môn Anh văn chuyên ngành về kỹ thuật. Khi học viên ra trường đi làm, tiếp xúc với những trang thiết bị có hướng dẫn bằng tiếng Anh thì không phải bỡ ngỡ.
Nhà trường cũng đã đặt mối quan hệ với Nhật Bản, trong thời gian tới sẽ đưa các giáo viên của trường đến Nhật để học tập các công nghệ hiện đại về truyền đạt lại cho học viên. Đến lúc đó, học viên của nhà trường khi ra trường sẽ tiếp cận nhanh với những trang thiết bị mới, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
* Xin cảm ơn ông!
|