Nhốt “nham nhở” vào web
8:31', 29/12/ 2006 (GMT+7)

Sự ra đời của trang web: www.khoancatbetong.net (giới thiệu miễn phí số điện thoại quảng cáo khoan cắt bê tông (KCBT) và các dịch vụ khác như: sửa nhà, chống thấm, thông bể phốt, khoan giếng…) đã tạo nên hiệu ứng tích cực đối với xã hội. Một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng đã có những giải pháp kiên quyết với nạn quảng cáo bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị, đặc biệt là “nhốt” các loại quảng cáo này lên web. Còn với thành phố Quy Nhơn vấn đề này vẫn chưa có “động tĩnh” gì. Phải chăng, chúng ta đang thờ ơ trước những bức xúc của người dân và bộ mặt ngày càng xấu đi của đô thị?

 

Giao diện trang web www.khoancatbetong.net. Ảnh: P.H.A

 

* Những bức tường nham nhở

Một lần đến chơi nhà bác Phiên, một cán bộ hưu trí ở phường Lê Lợi, nhìn thấy mảng tường trước nhà sơn chi chít những số điện thoại KCBT, chúng tôi đùa: “Bức tường đẹp thế kia mà bác cho người ta quảng cáo KCBT thì… uổng quá!”. Được lời như cởi tấm lòng, bác Phiên bày tỏ những bức xúc lâu nay của mình: “Bực mình nhưng không làm được gì, chú ạ. Chỗ tường quảng cáo ấy tôi cũng đã bôi xóa nhiều lần. Mình xoá hôm trước hôm sau họ lại sơn tiếp. Cứ theo cái điệp khúc bôi-xoá, bôi-xóa mình càng mệt mà bức tường trông càng nham nhở. Thôi kệ, họ muốn làm gì thì làm”. Chị Mị, nhà số 24- Lê Thánh Tôn cũng có nỗi ấm ức giống như bác Phiên khi mặt tiền căn nhà của mình trở thành “nạn nhân” của quảng cáo KCBT. Chị lắc đầu, than thở: “Nhìn thấy ngứa mắt quá nhưng đành chịu!”.

Không riêng gì tường nhà mặt tiền mà các bức tường nhà trong hẻm cũng không thoát khỏi sự “đeo bám” của quảng cáo KCBT. Nhà anh Phương nằm trong một con hẻm trên đường Hai Bà Trưng vừa mới quét sơn chiều hôm trước, sáng hôm sau đã thấy chình ình dòng quảng cáo KCBT. Ở đâu có tường, ở đó có quảng cáo KCBT- điều này gần như trở thành chân lý! Quảng cáo KCBT ngự trị khắp nơi. Cơ quan chức năng thì im lặng. “Nạn nhân” của quảng cáo KCBT thì loay hoay tự giải quyết. Người tỉ mẩn thì xoá đi sơn lại, người thì bỏ công rình bắt cho bằng được những người chuyên đi sơn quảng cáo KCBT để lần sau họ không dám sơn nữa (nhưng tất cả gần như không có hiệu quả). Thậm chí, bực quá thì gọi điện thoại mắng vài câu cho bõ tức. Riết rồi, đâu vẫn hoàn đó. Người dân đành chấp nhận “sống chung” với ấm ức vì quảng cáo KCBT. Trong khi đó, bộ mặt đô thị ngày càng bôi bẩn, nhếch nhác!

* Lối đi đã mở, nhưng...

Tháng 6-2006, kỹ sư xây dựng Trần Hoàng Việt cho ra đời trang web: www.khoancatbetong.net với mục đích giới thiệu các số điện thoại KCBT. Người cần KCBT chỉ việc truy cập vào trang web trên là có thể có trong tay số điện thoại của dịch vụ KCBT. Các số điện thoại quảng cáo KCBT được giới thiệu trên trang web này hoàn toàn miễn phí! Những người quan tâm đến bộ mặt đô thị gần như “thở phào nhẹ nhõm” trước ý tưởng “nhốt” quảng cáo KCBT  lên… web.

Trong một lần lướt net gần đây, chúng tôi “ghé thăm” trang www.khoancatbetong.net. Điểm qua danh mục các tỉnh thành giới thiệu KCBT chưa thấy có Bình Định. Điều này có nghĩa là các số điện thoại quảng cáo KCBT ở Quy Nhơn vẫn nằm ngoài vùng “phủ lưới” của www.khoancatbetong.net .

Nhờ sự giới thiệu của một người bạn làm trong lĩnh vực xây dựng, chúng tôi tiếp cận được với Hải, chủ nhân số điện thoại quảng cáo KCBT 0914.422… thường thấy trên phố. Ban đầu, Hải tiếp chuyện có vẻ dè dặt. Nhưng sau khi biết được mục đích cuộc nói chuyện cũng như quan niệm của chúng tôi về nghề KCBT, anh ta có vẻ thân thiện hơn. Hải cho biết, hiện ở Quy Nhơn có 3 nhóm hành nghề KCBT. Hải và một người bạn cùng ở huyện Quảng Xương- Thanh Hóa lập thành một nhóm. Khi có người cần KCBT gọi điện thoại đến, nhóm của Hải sẽ đến tận nơi xem qua công việc sau đó thoả thuận giá cả. Công việc chủ yếu tập trung trong mùa nắng, còn mùa mưa thì ngồi… uống cà phê dài dài! Thực ra, KCBT cũng là một nghề chính đáng, đáp ứng được nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của nhân dân. Cái dở của KCBT là việc quảng cáo bừa bãi gây phản cảm, làm mất mỹ quan đô thị. Đề cập đến chuyện quảng cáo bừa bãi, Hải thừa nhận: “Bọn em cũng biết làm thế là không đúng nhưng cũng vì sinh kế cả thôi. Quảng cáo trên báo thì không đủ tiền và chắc chắn cũng không hiệu quả bằng việc đi sơn phết như hiện nay”. Khi nghe chúng tôi giới thiệu về trang web cho phép quảng cáo miễn phí các số điện thoại KCBT, Hải ngạc nhiên: “Thế à ?” và anh ta ghi chép tỉ mỉ cách thức tự “nhốt” mình lên web. Tuy nhiên, Hải cũng tỏ vẻ băn khoăn: “Liệu những người cần KCBT có lên web tìm chúng tôi ?”.

Ngày nay, internet không xa lạ gì với mọi người. Nhưng để người cần KCBT và người hành nghề KCBT “gặp nhau” trên web không phải là chuyện ngẫu nhiên hay dễ dàng nếu chúng ta không có một giải pháp…

 

Một trong những nạn nhân của quảng cáo KCBT. Ảnh: P.H.A

 

* Kinh nghiệm từ các tỉnh bạn

Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là Đà Nẵng đã “vào cuộc” chống nạn quảng cáo KCBT và các loại quảng cáo, rao vặt trên đường phố. Xử phạt thật nặng đối với những người đi sơn quảng cáo KCBT, ngưng hợp đồng đối với các số điện thoại phục vụ cho việc quảng cáo KCBT. Các cơ quan, đơn vị và nhân dân cùng tham gia vào việc xóa những mẩu quảng cáo KCBT, rao vặt sai quy định trên đường phố, đồng thời tuyên truyền giới thiệu các trang thông tin lệ phí thấp hoặc miễn phí để các chủ dịch vụ có thể liên hệ sử dụng… Tất cả mọi nỗ lực vì bộ mặt văn minh của đô thị.

“Nhốt” quảng cáo KCBT và các loại hình quảng cáo dán tường lên web là một giải pháp hay. Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, kiên quyết và đồng bộ. Thiết nghĩ, từ kinh nghiệm của các tỉnh bạn, chúng ta cũng có thể giữ cho mình một bộ mặt đô thị xanh-sạch-đẹp.

  • Phạm Hoài An
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngừng thi công công trình hạ tầng phục vụ du lịch tại cụm di tích Tháp Bánh Ít  (28/12/2006)
Đầu tư 4 tỷ đồng mua sắm thiết bị đào tạo nghề  (28/12/2006)
AIA Việt Nam hỗ trợ tiểu thương chợ Lớn Quy Nhơn  (28/12/2006)
Thêm 35 người khuyết tật được dạy nghề may và in lụa  (28/12/2006)
34 doanh nghiệp nợ hơn 8,5 tỉ đồng BHXH và BHYT  (28/12/2006)
Tạo mọi điều kiện tốt nhất để tiểu thương đến chợ  (28/12/2006)
Vụ cháy chợ Lớn được bổ sung vào nội dung kỳ họp  (28/12/2006)
Nhiều mô hình mới hoạt động hiệu quả  (27/12/2006)
Nhà trường đã có nhiều giải pháp để đào tạo công nhân chất lượng cao  (27/12/2006)
Cơ quan BHXH không có cơ sở để thanh toán các dịch vụ kỹ thuật nằm ngoài danh mục  (27/12/2006)
TP Quy Nhơn phát động ủng hộ đồng bào bị hỏa hoạn  (27/12/2006)
Không thanh toán bảo hiểm y tế một loại thuốc kháng sinh được sử dụng tại BVĐK tỉnh  (27/12/2006)
Unilever Việt Nam hỗ trợ 151 triệu đồng cho tiểu thương chợ Lớn Quy Nhơn  (26/12/2006)
Hơn 50% số cơ sở dạy nghề công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ  (26/12/2006)
Hỗ trợ máy điện thoại cho các tiểu thương chợ Lớn Quy Nhơn  (26/12/2006)