Một học sinh lớp 2 đã từng kể với tôi: Cô giáo bắt con phải để cho bạn coi bài. Khi kiểm tra, cô cho mở sách ra chép thoải mái nhưng nếu thấy ai đi ngang qua, phải gập sách lại, ngồi ngay ngắn mà làm bài! Kể lại chuyện này với một người bạn là giáo viên tiểu học, bạn tôi chua chát nói: chiến dịch "một kèm một" mà! Thấy tôi chưa hiểu, bạn lại giải thích thêm: "Trong lớp, giáo viên chủ nhiệm thường hay xếp một học sinh giỏi ngồi cạnh một học sinh yếu để tụi nó "học hỏi" lẫn nhau để cùng… "tiến bộ". Giáo viên, nhờ thế mà cũng đỡ vất vả.
Đến chơi nhà một người bạn, tôi thấy chị đang dùng bàn ủi, ủi cho thật phẳng mấy quyển vở của con trai. Thấy tôi, chị liền trút ngay nỗi bực tức: "Tại sao cô giáo không rèn cho các cháu ý thức giữ gìn "vở sạch, chữ đẹp" bắt đầu từ khi cháu mới bước chân đến lớp mà phải đợi đến khi trường kiểm tra mới bắt các cháu (mà cũng là bắt phụ huynh các cháu) phải làm cái việc hình thức này?
Lần khác, lại được nghe một phụ huynh kể: cháu tôi viết chữ rất đẹp, được nhà trường chọn vở để gởi đi dự thi "viết chữ đẹp". Lẽ ra, cô giáo chỉ cần mượn vở đã học, đã viết của cháu đem dự thi là đủ. Thế nhưng không, cô yêu cầu phụ huynh hàng ngày chở con xuống nhà cô để ngồi chép lại quyển vở mà cháu đã học. Lấy làm lạ và thương con phải vất vả với việc không đâu, ba cháu thoái thác, tôi rất bận, không có thời gian đưa đón con giữa buổi mỗi ngày. Những tưởng cô giáo sẽ bỏ cuộc. Vậy mà không, hàng ngày cô vẫn kiên nhẫn đến tận nhà chở cháu tôi về nhà mình ngồi chép vở rồi lại chở cháu về. Vậy, điều gì đã khiến cô giáo phải nhọc công đến vậy?
Những biểu hiện của căn bệnh thành tích trong giáo dục, đang hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là mọi giáo viên đều chạy theo thành tích. Tôi cũng đã gặp nhiều giáo viên đã tranh thủ đến sớm 15 phút đầu giờ để ôn bài cho số học sinh còn yếu hay cố gắng dạy thêm giờ để kiên nhẫn ngồi kèm cho học sinh sửa từng nét chữ chưa chuẩn. Việc giáo viên buộc phải chạy theo thành tích, ngoài một số cá nhân yếu, kém, chây lười, phải thấy rằng đa số giáo viên đang phải chịu sức ép rất lớn từ những chỉ tiêu thi đua đầy bất cập, được áp đặt từ trên xuống. Và việc chạy theo thành tích như là một phản ứng "tự vệ" tiêu cực.
|