Bảo tàng Quang Trung (BTQT) hiện đang khẩn trương chuẩn bị về nhiều mặt để phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định 2007, kết hợp với việc phát triển du lịch (DL). PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Đình Ký - Giám đốc BTQT về vấn đề này.
|
Du khách tham quan BTQT. Ảnh: N.V
|
* Để tích cực đóng góp vào chương trình phát triển du lịch của tỉnh, BTQT đã có những hoạt động như thế nào ?
- BTQT có nhiệm vụ quản lý di tích, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, bảo tàng, trưng bày, giới thiệu về phong trào Tây Sơn và nhà Tây Sơn, đứng đầu là người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ngoài công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa (DSVH) của nhà Tây Sơn, chúng tôi còn có nhiệm vụ phục dựng tất cả những gì thuộc về DSVH Tây Sơn, khẳng định sức sống của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc. Sự trưởng thành của BTQT trong thời gian qua, cũng như sự phát triển trong tương lai là nhờ ở sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, của nhân dân Bình Định nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Trên quan điểm làm tốt công tác bảo tồn, bảo tàng gắn với việc phát triển DL, thời gian qua BTQT đã được trùng tu, tôn tạo, xứng đáng với tầm vóc người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ. Việc trưng bày, giới thiệu các hiện vật đã tạo được ấn tượng đậm nét đối với khách hành hương cũng như khách tham quan. Ngoài ra, BTQT còn xây dựng thành công các chương trình: nhạc võ Tây Sơn, âm nhạc và múa Tây Nguyên, võ thuật Tây Sơn - Bình Định... thường xuyên biểu diễn phục vụ khách tham quan, tổ chức quầy bán hàng lưu niệm... Từ đầu năm đến nay, đã có trên 40.000 du khách (chỉ tính khách có mua vé) tham quan BTQT, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2005.
* Nhằm góp phần cho thành công của Festival Tây Sơn - Bình Định 2007, BTQT đang chuẩn bị những gì, thưa ông ?
- BTQT hiện đã được mở rộng với tổng diện tích 9 ha, chia thành 2 khu, khu di tích và khu hành chính. Tại khu di tích, chúng tôi đang hoàn chỉnh việc trưng bày ở điện thờ Tây Sơn tam kiệt, trong năm 2007 sẽ hoàn chỉnh mảng trưng bày của nhà bảo tàng. Ở khu hành chính, hiện nay đã được UBND TP. Hà Nội xây tặng một khu nhà tiếp khách, UBND TP. Hồ Chí Minh xây tặng một khu nhà làm việc. Đồng thời, chúng tôi đang xây dựng vườn hoa, quảng trường. UBND tỉnh và Sở Văn hóa cũng đã cho phép xây dựng tại đây một nhà hàng 400 chỗ (kinh phí đầu tư sẽ được xã hội hóa) phục vụ đặc sản ẩm thực Bình Định, Tây Sơn, gắn với việc xây dựng thương hiệu “Quang Trung tửu” từ loại rượu gạo truyền thống ở Tây Sơn. Ngoài ra, khu trưng bày văn hóa Tây Nguyên (nhà rông) và khu trưng bày văn hóa Bình Định (nhà lá mái) cũng sẽ được xây dựng. Chúng tôi sẽ xây dựng đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh chuyên nghiệp; tăng cường các quầy hàng, mặt hàng lưu niệm để phục vụ khách DL tốt hơn nữa.
Về mảng di tích, bến Trường Trầu trên sông Côn sẽ được phục dựng; nhà thờ Bùi Thị Xuân, từ đường Võ Văn Dũng cũng sẽ được xây dựng mới ở một vị trí khác với nơi cũ, và sẽ được đưa vào phục vụ tham quan, DL. Tại khu quản lý, bảo tồn di tích, sẽ xây dựng cụm tượng hoặc vườn tượng các tướng lĩnh Tây Sơn, tượng công chúa Ngọc Hân, cải tạo lại tượng Tây Sơn tam kiệt... Công việc thì rất nhiều, chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số nét cơ bản như vậy.
* Vâng, công việc rất nhiều, nhưng liệu thời gian có quá gấp gáp, và còn kinh phí đầu tư ?
- Với việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ DL, chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh đầu tư và kêu gọi xã hội hóa, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân. Còn các hoạt động phục vụ công tác bảo tồn, bảo tàng thì thuộc về kinh phí nhà nước. Cái khó của chúng tôi hiện nay là nhân lực quá ít, khó đảm đương hết khối lượng công việc khá lớn. Dự kiến đến quý I-2007 chúng tôi sẽ hoàn thành những phần việc cơ bản và cần thiết nhất để kịp thời phục vụ Festival Tây Sơn - Bình Định.
* Xin cảm ơn ông.
|