Trong dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, Hội đồng đặc xá của tỉnh đã đề nghị lên Chủ tịch nước xem xét đặc xá (ĐX) cho 20 đối tượng đang cải tạo tốt ở Trại tạm giam. Vậy, yêu cầu xem xét, đề nghị ĐX cần những yếu tố gì và giúp họ hòa nhập cộng đồng như thế nào ? Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Trí - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về vấn đề này.
* Thưa Phó Viện trưởng, những năm qua tình hình công tác ĐX ở Bình Định được tiến hành như thế nào?
- Gần 3 năm qua (2004-2006), tỉnh Bình Định đã tiến hành 5 đợt ĐX, trong đó 2 năm trước đã ĐX xong 4 đợt cho 130 phạm nhân. Riêng năm 2006, Hội đồng ĐX của tỉnh đã tiến hành xem xét, đề nghị ĐX 20 phạm nhân trong đợt Quốc khánh (2-9), được Hội đồng ĐX T.Ư. chấp nhận, đang trình Chủ tịch nước phê chuẩn. Tỉ lệ được xem xét ĐX ở Bình Định rất cao, chẳng hạn năm 2004 - 2005 có 296 phạm nhân cải tạo ở Trại tạm giam, nhưng danh sách đề nghị ĐX 131 người, chiếm gần một nửa. Lần này, có 31 phạm nhân đang cải tạo trong tỉnh, nhưng đã trình xét ĐX 20 người, gần 2/3 tổng số.
ĐX là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện tính nhân đạo, nghĩa đồng bào, kêu gọi mọi người cùng đùm bọc, tha thứ để người lầm lỗi có cơ hội hối cải và tiến bộ; khuyến khích người trong trại giam cố gắng cải tạo tốt để sớm được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước. Mặt khác, ĐX còn có ý nghĩa về lợi ích kinh tế, cụ thể trong 130 phạm nhân cải tạo tại Trại tạm giam Công an tỉnh được đặc xá năm 2004-2005, trước khi ĐX còn phải thi hành án dân sự hơn 1,8 tỉ đồng, nhưng khi có chính sách ĐX gia đình số phạm nhân này đã tự nguyện thi hành hơn 880 triệu đồng, khắc phục hậu quả đáng kể cho người bị hại, nên việc xem xét đề nghị ĐX phải công bằng, chặt chẽ.
* Còn việc quản lý, tiếp tục giáo dục và tạo điều kiện giúp đỡ người lầm lỗi sau khi cải tạo được ĐX hòa nhập lại với cộng đồng?
- Tâm lý nhiều người mới cải tạo về thường rất mặc cảm với những người chung quanh, họ cần có sự cảm thông, động viên, tiếp nhận và giúp đỡ. Do đó, ngoài việc đăng ký hộ khẩu, cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, cấp đất sản xuất, vận động tham gia các phong trào của địa phương, những người có hoàn cảnh khó khăn cần tạo điều kiện để vay vốn; liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh kêu gọi sự ủng hộ tạo việc làm; giới thiệu học nghề phổ thông... Đặc biệt là nhiều người không nghề nghiệp, trình độ học vấn thấp, cơ hội kiếm việc làm rất khó khăn, nên cần phải có cơ chế, chính sách đào tạo nghề trong cơ sở cải tạo, giáo dục để khi trở về họ có nghề, có việc làm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
* Xin cảm ơn Phó Viện trưởng!
|