Nâng tách trà bốc khói, anh Nguyễn Văn Tuấn (thôn Nhân Ân, Phước Thuận, Tuy Phước) giải thích: Dùng nước “khe” pha trà, nước trà có màu xanh đẹp, giữ hương vị thơm ngon. Còn nước máy ở đây thì làm cho trà có màu gạch, hương vị trà không trung thực lắm. Tuy nhiên, hiện nay cả thôn đã dùng nước máy, không còn dùng nước khe như trước. Người dân khu Đông Tuy Phước hầu như không còn lo khan hiếm nước sinh hoạt nữa.
|
Công nhân quản lý nước sạch huyện Tuy Phước đang làm việc tại Nhà máy nước xã Phước Sơn. Ảnh: Xuân Thức
|
* Nước khe Hội Lộc
Trước đây, người dân các xã ven đầm Thị Nại thường dùng nước khe lấy từ Hội Lộc (Nhơn Hội - TP Quy Nhơn). Để thấy tận mắt, tôi đã theo ghe chở nước khe sang Hội Lộc. Chiếc ghe máy nhỏ, lòng ghe lót bạt nylon thành một bể chứa khoảng 6m3 nước. Chiếc ghe vượt đầm Thị Nại, chừng 30 phút đến Hội Lộc, nơi có nguồn nước khe. Đó là một con lạch nhỏ, nơi tập hợp những mạch ngầm rỉ ra từ những bờ cát trải dài, rộng hàng ngàn ha của Nhơn Hội, chảy ra đầm Thị Nại. Cuối con lạch, người ta nối một ống nhựa ra đầm, đường kính chừng 20cm. Đường ống được đặt trên cái giá làm bằng những cây tre vững chắc. Ống nước chảy suốt đêm ngày, hầu như không lúc nào ngưng nghỉ. Ghe vào lấy nước chỉ cần cập mạn đường ống, đổ đầy nước, trả 4.000 - 5.000 đồng cho chủ đường ống. Khi ghe chở nước về, sẽ nối ống, bơm phân phối cho các hộ gia đình, hay hộ làm dịch vụ phân phối lại, giá 10.000 - 15.000 đồng/m3. Dịch vụ phân phối lại từ 500 - 1.000 đồng/đôi (40 lít) cho các khu dân cư, các nhà chòi ở các đìa tôm rải rác trong khu vực đầm.
Thấy được giá trị nước khe Nhơn Hội, trước đây, Sở Y tế Bình Định cũng đã có đề tài nghiên cứu, lấy mẫu phân tích. Kết quả cho thấy, nguồn nước khe ở đây rất dồi dào và trong lành, chỉ số về nước sinh hoạt ở mức lý tưởng, cho phép dùng làm nước uống cho con người.
Khổ nhất là mùa gió, bão, biển động, ghe không lấy được nước khe, người dân khu Đông phải đi xa hàng km để lấy nước về dùng. Còn mùa mưa thì phải hứng nước mưa, xây bể nước tích trữ dùng dần. Nước khe đắt tiền nên chỉ dùng để uống, nấu ăn là chính. Tắm giặt phải ra mương, ra ao. Mà nước ở đây cuối nguồn nên tích tụ nhiều chất bẩn: xác súc vật, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, đó là chưa kể thuốc trừ sâu, phân hóa học. Ông Lê Dương Trứ- Trưởng trạm Y tế Phước Thuận cho biết: “Trước năm 2004, dân ven đê khu Đông thường mắc bệnh về đường ruột, bệnh ngoài da. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh phụ khoa trên 60%. Hiện nay, các bệnh nói trên có giảm, 6 tháng đầu năm 2006 chỉ còn 40% chị em mắc bệnh phụ khoa”.
* Nước máy đã về
Hiện nay, nước sạch sinh hoạt đã được đưa về các xã ven đê khu Đông, người dân ở đây đỡ vất vả, nỗi lo thiếu nước sinh hoạt đã được giảm thiểu. Đường ống nước nối đến từng gia đình. Ông Nguyễn Tấn Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết, có 70% dân trong xã dùng nước máy từ Trung tâm cấp nước của huyện. 4 thôn ven đê khu Đông: Lộc Hạ, Nhân Ân, Quảng Vân, Tân Thuận đã có nước máy đến tận nhà dân. Hai thôn Phổ Trạch, Diêm Vân mới có đường ống chính. Cả xã có 10 chiếc ghe chuyên làm dịch vụ cung cấp nước khe trước đây, nay chỉ còn 3 chiếc. Theo ông Tôn Kỳ Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, xã có 5 thôn ven đê khu Đông, với 2.200 hộ, đã có 90% hộ sử dụng nước máy. Nhiều xóm, cụm dân cư rải rác, phải góp tiền chung nhau lắp một đường ống cấp nước để đỡ chi phí.
Theo số liệu của Trung tâm cấp nước sinh hoạt huyện Tuy Phước, các xã khu Đông của huyện (gồm 4 xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng) có khoảng 4.700 hộ (chiếm 60%) dân dùng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước của huyện. Nhiều nhất là ở 2 xã Phước Thuận, Phước Sơn - có khoảng 70% - 90% hộ dùng nước máy. Theo ông Nguyễn Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm cấp nước sinh hoạt huyện Tuy Phước: Khu Đông có 3 nhà máy cấp nước sinh hoạt, tổng công suất 2.700m3/ngày. Nước sau khi bơm từ giếng khoan, cho qua giàn phun mưa, lọc cát, đưa qua bể chứa rồi bơm vào hệ thống, đến người sử dụng. Trước mắt thu đủ bù chi nhưng chưa bù được khấu hao máy móc, thiết bị. Năm 2007, Trung tâm tiếp tục nâng công suất khai thác, lắp đường ống cung cấp cho khoảng 700 hộ ở Phước Hòa, Phước Thắng.
|