Gặp những phạm nhân ở Trại Kim Sơn
7:51', 25/8/ 2006 (GMT+7)

Trong số những phạm nhân đang cải tạo tại Trại Kim Sơn có rất nhiều người ở Bình Định. Tôi đã gặp họ trong giai đoạn khởi tố điều tra hoặc trong giai đoạn truy tố, xét xử. Giờ đây, trong môi trường cải tạo cuộc đời để hướng thiện, tất cả họ đều hối tiếc và cả sự sám hối về những tội lỗi đã gây ra.

 

Các phạm nhân tích cực lao động để cải tạo tốt. Trong ảnh: Lao động bóc vỏ hạt điều.

 

Tại đội chế biến hạt điều, trong số phạm nhân đang miệt mài bóc vỏ, tôi nhận ra ngay Trần Trọng Bình, trú ở KV 10, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn và anh cũng không quên tôi. Trông anh bây giờ rắn chắc hơn 3 năm trước khi đứng trước tòa. Anh kể: “Đến giờ này em cũng không lý giải vì sao mình lại tiếp tay cùng vợ làm cái việc điên rồ như thế. Nếu mình có trách nhiệm hơn thì đâu đến nỗi như bây giờ”. Hơn 3 năm trước Bình cùng vợ là Trần Thị Mười dựng lên màn kịch buôn bán thuốc tây, vàng và đô la để huy động vốn của những người dân ở TP Quy Nhơn. Rồi cả hai cùng tuyên bố vỡ nợ và cùng đến cơ quan công an chịu tội để tránh sự truy sát của các con nợ. Món tiền 1,7 tỉ đồng huy động được đánh đổi bằng 13 năm tù, còn vợ Bình mang mức án tù chung thân đang thụ hình tại Trại Gia Trung. Ở đây, ngoài giờ lao động, Bình nhớ da diết đứa con 6 tuổi thiếu thốn tình cảm của cha mẹ đang ở với bà nội. Nhiều khi nó len vào giấc ngủ, khiến anh chỉ biết tự trách mình và cố gắng cải tạo tốt để mong giảm thời gian chấp hành án.

Rời đội chế biến hạt điều, tôi cùng thượng úy Nguyễn Đình Hảo đến đội sản xuất nông nghiệp. Vụ này được mùa nên sân phơi đầy ắp lúa. Phạm nhân ai làm việc nấy, người chất rơm, người trở lúa cho khô đều. Ở đây tôi dễ dàng nhận ra Phạm Văn Sáu bởi cái đầu hói tóc, đang cần mẫn trở những hạt lúa phơi ngoài sân. Ông ta nguyên là giám đốc Công ty vàng bạc, đá quý Bình Định. Đơn vị bị giải thể, ông về nhà cùng vợ là Tô Thị Tuyết lập công ty tạo tư cách pháp nhân rồi lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng mua bán hóa đơn khống, “móc ruột” của Nhà nước 1,5 tỉ đồng. Mức án 7 năm tù, còn vợ 12 năm, số tiền cũng đã hoàn đủ cho Nhà nước, giờ đây ông chỉ tập trung cho nhiệm vụ cải tạo. Niềm vui đối với ông bây giờ là 2 đứa con đã thành đạt. Đứa lớn vừa tốt nghiệp cử nhân Anh văn, còn đứa nữa đang học năm thứ nhất đại học kiến trúc. Trông ông hơi đen nhưng chắc khỏe vì ở trại ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, lao động có giờ giấc. Ông khoe vụ trước đội vượt 15 tấn lúa, vụ này chắc khá hơn. Số dư này trại trích cho đội nên anh em rất phấn khởi lao động và chấp hành nội quy để sớm được giảm án.

 

Ngoài giờ lao động, các phạm nhân còn đọc báo để nâng cao nhận thức.

 

Cùng đội với Phạm Văn Sáu là Ngô Văn Phong ở xã Tây Giang, Tây Sơn, bị mức án 18 năm tù về 2 tội cướp tài sản và giết người khi chưa tròn 18 tuổi. Tháng 6-1982 gây án tại địa phương rồi trốn vào Đồng Nai. 20 năm trời trốn tránh pháp luật, Phong đã có cơ ngơi trang trại hàng tỉ đồng và có gia đình nhưng lúc nào cũng bị ám ảnh bởi tội lỗi. Bây giờ thì anh đã an lòng khi người vợ đã không mặc cảm vì thân phận, vẫn giữ trọn đạo làm dâu, làm vợ, con cái trưởng thành và đạt kết quả tốt trong học tập. 2 đứa lớn là giáo viên cấp 2, đứa út học lớp 10 và vừa đoạt giải ba trong kỳ thi Olympic Toán toàn quốc. Anh thổ lộ: “Vợ con lúc nào cũng mòn mỏi chờ mong ngày về nên cách tốt nhất là tôi an tâm cải tạo để mong có ngày giảm án”. Cũng ở đội này, tôi gặp Phạm Đăng Khôi bị mức án 19 năm tù về tội giết người trong vụ án Trương Thanh Sang đâm chết một học sinh ở Trường THPT Trưng Vương. Qua báo Bình Định, Khôi biết ngày Sang thực thi bản án tử hình trùng với cái ngày hắn ra đầu thú. Khôi buồn cho bạn nhưng thừa hiểu đó là sự trừng phạt tất yếu của pháp luật dành cho kẻ không còn tính người. Còn Khôi vì sống buông thả nên mới chập chững vào đời Khôi đã phải đánh đổi tuổi xuân của mình ở trại giam. Bây giờ Khôi chỉ mong cải tạo thật tốt để sớm trở về với gia đình.

Những phạm nhân khác như Trà Văn Cang ở thị trấn Bình Định, An Nhơn; Trần Như Quốc Bửu ở Cát Trinh, Phù Cát cùng bị 13 năm tù về tội giết người cũng muốn gởi lời nhắn nhủ đến với mọi người hãy biết kiềm chế bản thân, đừng để con ma men dẫn lối đưa đường, đến khi hối hận thì đã muộn màng.

Tất cả những phạm nhân mà tôi đã gặp tuy chưa đủ điều kiện để xét đặc xá trong dịp Quốc khánh 2-9 sắp đến nhưng họ luôn có tâm trạng lạc quan và an tâm cải tạo. Bởi môi trường cải tạo ở đây luôn ấm áp tình người, phạm nhân được hưởng mọi chế độ ưu đãi của Nhà nước dành cho họ. Tất cả họ đều nỗ lực phấn đấu để hoàn lương và mong đợi ngày về để hòa nhập với gia đình và cộng đồng xã hội.

  • Tấn Tài
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vân Canh: 117 học sinh được nhận học bổng của Tổ chức Đông Tây hội ngộ  (24/08/2006)
Khu Đông Tuy Phước: Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt đã giảm  (24/08/2006)
Phi công dũng cảm cứu máy bay  (24/08/2006)
Công khai xin lỗi người bị oan sai  (24/08/2006)
Võ Xán, một nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo  (23/08/2006)
2 học sinh Bình Định được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình  (23/08/2006)
Cần giúp đỡ người được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng  (23/08/2006)
254 trẻ em nghèo được nhận học bổng "Vượt khó học giỏi"  (23/08/2006)
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định  (23/08/2006)
Ngành Y tế: Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H5N1)  (22/08/2006)
Hoài Nhơn đón nhận Bằng Công nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Đồi 10  (22/08/2006)
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm việc với xã Bình Tân (Tây Sơn) và Canh Hòa (Vân Canh)  (22/08/2006)
Khởi công xây dựng tuyến đường từ thị trấn Vân Canh lên Canh Liên  (21/08/2006)
Xây dựng KKT Nhơn Hội tránh phá vỡ môi trường sinh thái  (21/08/2006)
Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thăm và làm việc tại Bình Định  (21/08/2006)