Vừa qua, cùng với cả nước, Sở GD-ĐT tỉnh đã tổ chức cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Vậy căn bệnh nan y này đã trầm trọng ở mức nào? Chữa được nó khó hay dễ? Dưới đây là ý kiến của một số cán bộ quản lý giáo dục.
|
Lãnh đạo các phòng giáo dục ký cam kết "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".
|
Ông Phan Ngọc Bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trân (Hoài Nhơn):
Ai là người hưởng lợi từ những tiêu cực trong thi cử nếu không phải là những người có chức, có quyền? Vì lợi ích cục bộ và cá nhân, họ đã tạo ra "sức ép" buộc ngành giáo dục phải nói dối, phải tạo ra những thành tích giả. Bởi vậy, theo tôi, chống tiêu cực trong thi cử cũng như chống tham nhũng vậy, phải chống từ trên xuống dưới, bởi "thượng bất chính hạ tắc loạn". Chuyện tiêu cực trong thi cử tồn tại từ 30 năm trước, ai cũng biết cả, nhưng nói có ai nghe đâu. Hễ địa phương có chất lượng giáo dục, thi cử thấp là lãnh đạo ngành giáo dục bị "hăm he" nên nhiều người phải nhắm mắt cho qua...
Bây giờ mới "nói không với tiêu cực…" thì hơi muộn, nhưng có nói vẫn hơn không. Còn chống như thế nào, theo tôi phải thay đổi được nhận thức của các cấp lãnh đạo, từ trên xuống dưới. Bây giờ mà vẫn còn cái kiểu lý luận: "Cho nó đậu hết đi, học sinh cấp 1, cấp 2 đẩy ra ngoài đường, biết làm cái gì.…" là không được. Chống tiêu cực phải chống từ cơ chế, phải rũ bỏ được cơ chế "xin- cho" trong ngành giáo dục. Người đứng đầu ngành phải có được cái quyền tự chủ trong điều hành ngân sách... Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục mà chỉ chống trong ngành không thì không ăn thua. Bởi sinh mệnh chính trị của thầy, cô giáo nằm trong tay những người có chức, có quyền.
Ông Nguyễn Thái Quang, Hiệu trưởng Trường THPT bán công Xuân Diệu (Tuy Phước)
Biểu hiện của căn bệnh thành tích thể hiện ở việc đề ra những chỉ tiêu - bộ giao xuống sở, sở giao xuống trường, trường giao cho giáo viên thực hiện… một cách cứng nhắc, không dựa trên thực tế của từng trường nên đã tạo điều kiện cho các cấp chạy theo chỉ tiêu như: phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, THPT; ở tiểu học học sinh không được ở lại lớp… tất dẫn đến chuyện học sinh không học vẫn được lên lớp. Mà đã không chịu học ở lớp dưới sẽ bị mất gốc ở lớp trên và cứ thế tụt dần. Học sinh không có kiến thức nhưng để các em đậu, đỗ cho đạt chỉ tiêu buộc các trường phải nói dối, làm dối, tạo nên những sản phẩm giả cho xã hội, còn chất lượng giáo dục thực sự thì ngày càng xuống thấp. Tiêu cực trong giáo dục hiện nay, theo tôi, chính là những kiểu chạy theo thành tích như vậy.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT, phòng giáo dục và các trường trực thuộc cam kết với Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Dương và Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà: "Không chấp nhận, không tiếp tay cho gian lận thi cử, không chấp nhận bệnh thành tích trong đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo, đánh giá ngành giáo dục các huyện, thành phố và đánh giá giáo viên, học sinh. Các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Bình Định "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" ". |
Để chống tiêu cực trong giáo dục, Sở GD-ĐT đã có lộ trình, nhưng cần phải cụ thể hơn. Còn ở góc độ nhà trường, trước hết, bước vào năm học này, chúng tôi sẽ tuyên truyền thật sâu rộng trong học sinh, phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương về cuộc vận động này để tạo được sự đồng thuận trong quá trình tổ chức thực hiện. Đối với trường THPT Xuân Diệu, lâu nay chúng tôi vẫn chủ trương tổ chức dạy- học, kiểm tra nghiêm túc. Năm học này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt hơn để tập cho học sinh tính tự lực, tránh gian dối, qua đó, đánh giá được thực chất chất lượng học tập của các em. Kiên quyết thực hiện, học sinh nào không học được phải cho lưu ban để các em có ý thức hơn trong học tập. Về tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp, trường sẽ thực hiện tốt các yêu cầu của ngành, không để tồn tại những hiện tượng phụ huynh học sinh chăm lo, đón tiếp giám thị… tạo nên kết quả thi cử không đúng thực chất. Giáo viên nghiêm túc thực hiện "dạy thực- học thực" và trường sẽ quản lý chặt chẽ, tránh việc giáo viên lợi dụng việc thắt chặt kỷ cương trong dạy và học, thi cử để tạo ra những tiêu cực khác như dạy thêm, học thêm… Giáo dục là ngành rộng và phức tạp, do đó, chúng tôi xác định, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, không chỉ ngày một ngày hai và khi đã làm phải làm đồng bộ, quản lý chặt chẽ, nếu không sẽ nảy sinh ra những vấn đề không lường trước được.
Ông Phạm Quảng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Mây (TP Quy Nhơn)
Ra chỉ tiêu không sai nhưng quan trọng là cách thực hiện chỉ tiêu như thế nào, có thực chất, có tiêu cực hay không? Năm học 2002- 2003, tôi về làm hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Mây, tỷ lệ xếp loại học lực học sinh của trường thấp hơn so với kết quả của những năm trước đó. Lãnh đạo địa phương và phụ huynh học sinh có đặt dấu hỏi với trường, tại sao lại vậy? Có vị phụ huynh còn tỏ ra rất bức xúc: tại sao lớp 1, 2, 3 con tôi đạt học sinh giỏi mà lên lớp 4 chỉ được xếp loại trung bình? Nhưng sau khi nghe tôi giải thích về cách đánh giá, xếp loại theo đúng yêu cầu của quy chế và chất lượng thực của học sinh, họ đã chấp nhận. Trường tiểu học Ngô Mây năm học vừa qua chỉ có 8/ 256 học sinh lớp 4 được xếp loại học lực giỏi và cũng là trường duy nhất của TP Quy Nhơn có 1 học sinh không đủ điều kiện để công nhận tốt nghiệp… Tuy nhiên, chúng tôi tự hào vì thầy và trò đã làm việc hết mình và phòng giáo dục đã công nhận kết quả phấn đấu của trường chúng tôi.
Theo tôi, bản thân chỉ tiêu không tiêu cực nhưng không nên thực hiện chỉ tiêu một cách máy móc, thiếu khoa học, không bằng mọi giá để đạt cho được chỉ tiêu… và điều này, phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh của người thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Ngành giáo dục cần tổ chức triển khai và thực hiện một cách cụ thể, khả thi cuộc vận động "nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", coi đây là khâu đột phá của năm học 2006-2007. Để cuộc vận động đạt hiệu quả cao, các cấp quản lý giáo dục trong tỉnh phải khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo cũng như lương tâm nghề nghiệp của mỗi thầy, cô giáo, khơi dậy ý thức vươn lên của mỗi học sinh và trách nhiệm của xã hội đối với giáo dục. Đi đôi với cuộc vận động, Sở và các phòng giáo dục cần phải tăng cường đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, công tác thanh tra, cải tiến mạnh mẽ việc tổ chức dạy- học, thi cử. | |