Tôi đi ký bản sao
16:26', 31/8/ 2006 (GMT+7)

Từng nghe nhiều đến chuyện "phòng công chứng quá tải " nhưng tôi vẫn chưa hình dung nó ra thế nào. Mới đây khi phải túc trực gần 1 ngày tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1 (137 đường Lê Hồng Phong- TP Quy Nhơn) thì tôi đã biết...

 

Phòng Công chứng Nhà nước số 1 thường xuyên quá tải như thế này.

 

1.

Khoảng 2 giờ 30 phút chiều ngày 30-8, chúng tôi đến Phòng Công chứng Nhà nước 1 để ký bản sao một số giấy tờ cần thiết. Ngoài hành lang phòng công chứng, xe máy, xe đạp dăng kín cả lối vào. Tại phòng ký bản sao tầng 1, kẻ ngồi người đứng chật kín, căn phòng nóng hừng

hực, toát mồ hôi, ai nấy đều ngán ngẩm. Nhiều người không đủ sức chịu đựng đành phải bước ra ngoài, mặt mày rũ rượi vì mệt. Một thanh niên từ trong đám đông bước ra nói với người thân: “Nhân viên công chứng không tiếp nhận giấy tờ nữa. Sáng mai đi thật sớm may ra mới được việc, bây giờ họ đang giải quyết giấy tờ còn tồn đọng từ chiều hôm qua.” Nghe vậy tôi lặng lẽ ra về, hy vọng ngày hôm công việc sẽ “xuôi chèo mát mái”.

Sáng ngày 31-8, phòng công chứng mở sớm. 6 giờ 30 phút, khu vực này đã đông người ra vào, giấy tờ trên bàn đã được xếp thành đống cao. Hàng trăm người ngồi bó gối nhìn ra ngoài, thấy nhân viên phòng công chứng nhà nước số 1 bước vào, ai nấy đều đứng phắt dậy, dõi mắt nhìn theo.

Phía trong căn phòng, cán bộ phòng công chứng làm việc như một cái máy, người ký, người đóng dấu liên tục. Phía ngoài, hàng trăm người đang chờ đợi, nghe ngóng tên mình. Vì giấy tờ quá nhiều, nên khoảng hơn 7 giờ, phòng ký bản sao không còn tiếp nhận giấy tờ, những người đến trễ thất vọng gạt mồ hôi ra về.

Ông Nguyễn Sáu ở phường Bùi Thị Xuân cho biết: “Chiều hôm trước tôi đã nạp được giấy tờ, lấy được bản gốc nhưng chưa nhận được bản sao. Chị nhân viên bảo sáng mai bác đến sớm để nhận. Sáng nay, 6 giờ tôi đã có mặt, nhưng ngồi chờ mãi mà chưa thấy gọi tên mình. Mong sao, họ giải quyết sớm để còn đi làm việc khác”. Khoảng 9 giờ sáng, nhân viên phòng công chứng vẫn chưa giải quyết xong giấy tờ còn tồn đọng ngày trước, giấy tờ sáng hôm nay vẫn đang “ngủ yên”. Nghe đến tên mình, ông Sáu hô một tiếng “có” rõ to, khôn mặt ông tươi tắn hẳn lên. Chúng tôi cùng hàng trăm người khác vẫn kiên nhẫn đứng đợi. Anh Phúc, người ở phường Ngô Mây cười như mếu: “Ngày hôm qua đi ký giấy tờ cho con không được, bà xã cứ tưởng mình đi chơi, về đến nhà bã cứ la hoài. Nói người đông không chen vào được, bà không tin còn bảo mình nói láo. Bực mà vẫn phải nín vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”.

2.

Tình trạng quá tải ở Phòng Công chứng Nhà nước số 1 đã diễn ra ra nhiều năm qua, nhất là ở phòng ký bản sao số 1 tầng 1, nơi tiếp nhận các loại văn bằng, hồ sơ, học bạ....của học sinh, sinh viên. Hàng năm, khoảng thời gian từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 9, bình quân mỗi ngày có khoảng 400 người đến phòng công chứng nhà nước số 1 để ký bản sao giấy tờ, trong đó có giấy tờ liên quan đến học sinh, sinh viên chiếm tới 3/4 số việc. Lượng giấy tờ cần ký bản sao tồn đọng ngày hôm sau còn nhiều, nhân dân phải bỏ công chờ đợi.

Ông Võ Đình Thú, Trưởng phòng công chứng nhà nước số 1, thở dài: “Vài năm trở lại đây, lượng công việc ở phòng công chứng nhà nước số 1 năm sau cao hơn năm trước tới 20%. Nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém, phòng ốc quá chật hẹp, không thể dung nạp hết một lúc hàng trăm người có nhu cầu ký bản sao giấy tờ. Để công dân bên trong thì người đứng người ngồi, nóng nực, còn bên ngoài thì không có chỗ để xe... phải dựng tràn ra lòng đường... chúng tôi hết sức áy náy. Mà đã hết đâu, khối lượng công việc tăng lên đều đều nhưng người làm của phòng ít thì đâu có tăng. Chúng tôi liên tục đi sớm về muộn, ngày nghỉ cuối tuần vẫn phải làm việc hết công suất, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân”.

Những ngày này, Phòng Công chứng Nhà nước số 1 ưu tiên ký bản sao các loại giấy tờ cho học sinh sinh viên ra vào trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các em sớm tìm được việc làm, nhập học đúng quy định của nhà trường, các loại giấy tờ khác sẽ giải quyết sau. Ưu tiên giải quyết khó khăn cho học sinh, sinh viên là việc nên làm. Nhưng các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có nhu cầu ký bản sao các loại giấy tờ sẽ bị chậm trễ, ảnh hưởng đến công việc làm ăn của họ.

Nhiều người dân cho rằng, để giải quyết được tình trạng quá tải như hiện nay, trụ sở phòng công chứng nhà nước phải rộng thoáng hơn, phòng phải bổ sung thêm nhiều cán bộ để đáp ứng được công việc và nhu cầu của nhân dân.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Phòng công chứng nhà nước số 1 đã nhiều lần đề nghị cấp trên đầu tư xây dựng, nâng cấp hoặc di chuyển phòng công chứng nhà nước số 1 đến vị trí khác đủ rộng để đáp ứng công việc và yêu cầu cấp thiết của nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Hiện nay, ngoài phòng công chứng số 1, tỉnh ta đã xây dựng thêm phòng công chứng nhà nước số 2, 3 ở huyện Hoài Nhơn và ở phường Bùi Thị Xuân. Hiện tại phòng công chứng nhà nước số 2 đã từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân khu vực phía bắc tỉnh, còn phòng công chứng số 3 chưa hoạt động. Phần lớn nhân dân ở TP Quy Nhơn và các huyện lân cận vẫn phải đến phòng công chứng nước số 1 để công chứng giấy tờ, rất bất tiện.

Dù cán bộ phòng công chứng nhà nước số 1 có thực hiện cơ chế một cửa, làm việc hết công suất nhưng vẫn không thể giải quyết được tình trạng quá tải như hiện nay. Có ý kiến cho rằng, thay vì đầu tư xây dựng phòng công chứng số 3 tại phường Bùi Thị Xuân, nhà nước nên đầu tư xây dựng mới trụ sở, trang thiết bị, bổ sung cán bộ phòng công chứng nhà nước số 1.

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một tin vui trước thềm Tết Độc lập năm nay  (31/08/2006)
Vân Canh: Hơn 2,8 tỉ đồng xây dựng các công trình nước sạch  (31/08/2006)
Công an tỉnh: Tổ chức lễ đặc xá cho 20 phạm nhân  (31/08/2006)
Lãnh đạo tỉnh đi thăm và tặng quà nhân dịp Quốc khánh  (31/08/2006)
Phù Mỹ: Dập tắt dịch sốt xuất huyết  (30/08/2006)
475 thí sinh trúng tuyển công chức, viên chức năm 2006  (30/08/2006)
Đăng ký khai sinh cho trẻ em trong một giờ  (30/08/2006)
Vĩnh Thạnh: Cấp 3 tấn bắp giống cho các hộ tái định cư  (30/08/2006)
Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Cát: Thăm và cứu trợ một gia đình bị cháy nhà  (30/08/2006)
Di dời 70 hộ dân đến các vùng kinh tế mới  (30/08/2006)
698 lao động đã được tuyển dụng trực tiếp  (30/08/2006)
Quan tâm đến đời sống người dân tái định cư lòng hồ Định Bình  (30/08/2006)
Việt Nam - Cờ Đỏ bay quanh tóc bạc Bác Hồ  (29/08/2006)
2 sinh viên nhận học bổng "Ươm mầm tài năng"  (29/08/2006)
Tuy Phước: Khai giảng sớm để phòng lũ lụt  (29/08/2006)