Chuyện "bây giờ" của những cán bộ lão thành cách mạng
10:54', 1/9/ 2006 (GMT+7)

Họ là những huyền thoại của nhân dân trong chiến tranh. Là những "nhân chứng sống" về một thời oanh liệt của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Trở về với đời thường, thử thách đối với họ còn lớn hơn bởi trọng trách của người mang một phần lịch sử của quê hương, dân tộc.

* Ông ĐINH BÁ LỘC, sinh năm 1930, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy:

Đời tôi có hai cái nghĩa phải trả. Đó là "trả nợ" những tấm gương nhân dân đã anh dũng hy sinh và "trả nợ" những liệt sĩ. Vậy là, từ ngày nghỉ hưu (năm 1990) tôi dấn thân đi tìm mộ liệt sĩ. Biết anh em ở đâu là tôi tìm mọi cách đưa anh em về... Để trả nghĩa cho đồng bào, tôi viết sách để ghi lại những chiến công của họ. Tôi đã hoàn thành 2 cuốn sách: "Ký sự thời kháng chiến" (năm 2000) và "Núi Bà - khu Đông ngày ấy" (2005). Tôi đang nung nấu viết quyển thứ 3 là: "Biên niên sử Bình Định 1954 -1975"- viết về những sự kiện lớn của tỉnh trong chiến tranh... Mộ liệt sĩ còn rải rác nhiều lắm, nghe đâu có là tôi đi. Còn sức lực là tôi còn phải đi tìm mộ liệt sĩ và viết sách.

Còn đời tư của tôi ư? Tôi là người được nhiều, có mất chăng là xích xiềng nô lệ. Từ một người ở ngụ, không có tư điền, tư thổ, phải làm thuê cho địa chủ, Đảng đã cho tôi làm một người tự do. Trong số 23 anh em đầu tiên được đưa về tỉnh xây dựng lực lượng tập trung, hiện nay, tôi là 1 trong 2 người cuối cùng còn sống. Đó cũng là một may mắn. Sau giải phóng, tôi được nhà nước cấp cho căn biệt thự cũ của một viên trung tướng ngụy, thấy nó có vẻ cách biệt với dân, tôi không nhận mà xin về ở khu gia binh cũ trên đường Nguyễn Huệ. Bây giờ mở đường Xuân Diệu, nhà đất của tôi trở nên có giá. Tôi đã bán được 4,2 tỉ đồng và mua lại được 5 căn nhà khác để chia cho các con... Nhiều người cho rằng, tôi "ở hiền, gặp lành"- được các liệt sĩ phù hộ... Tôi cảm thấy mình thật là may mắn so với rất nhiều người khác...

* Ông NGUYỄN XÍCH NHẠN (bí danh Nguyễn Xuân Phương), sinh năm 1927, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn:

                    Ông bà Nguyễn Xích Nhạn

Tôi tham gia cách mạng từ năm 1944 từ một anh dân quân tự vệ, rồi làm chính trị viên xã đội, chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã Hoài Đức. Năm 1954, trong khi rất nhiều cán bộ miền Nam khoác ba lô ra miền Bắc tập kết thì tôi và một vài đồng chí nữa như anh Võ Liệu (bí danh Sào Nam - nguyên là Bí thư huyện ủy Hoài Nhơn) được lệnh ở lại miền Nam hoạt động. Cuộc chiến tranh 21 năm với những khó khăn, gian khổ, ác liệt nhưng thấm đẫm chất anh hùng ca của quê hương đã đến hồi kết với chiến thắng vẻ vang của nhân dân Hoài Nhơn nói riêng và toàn dân tộc nói chung. Hòa bình lập lại, tôi được đưa ra Bắc học tập và trở về làm chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn từ năm 1978 đến năm 1985 thì nghỉ hưu. Suốt một cuộc đời làm cách mạng, 56 tuổi đảng, tôi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Giải phóng hạng I, II, III... Nhưng cuộc đời riêng thì đã phải trải qua nhiều đau thương, mất mát - vợ là liệt sĩ, hy sinh trên núi Định Bình khi đứa con gái út mới vài tháng tuổi bò trên xác mẹ ôm vú bú cả ngày... Ra miền Bắc, tôi xây dựng lại gia đình với bà Lê Thị Cúc. Hiện chúng tôi có 2 người con chung đang làm việc tại huyện. Ngày về lại quê hương, chúng tôi mua được một mảnh đất nguyên là một hố bom tại thôn Định Bình, xã Hoài Đức và cải tạo lại làm nơi ở. Bây giờ, vợ chồng bán quán, nuôi heo... Dành dụm được chút tiền, chúng tôi đã xây cất lại nhà tương đối khang trang. "Nhìn lên không bằng ai...", nhưng, so với cái thời ở hang đá thì sướng quá! Chúng tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại và tiếp tục sống những năm tháng cuối đời trong sự thanh thản; giáo dục con cháu sống sao cho xứng đáng với truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương.

* Ông PHAN TRỌNG THỂ, sinh năm 1932, đại tá quân đội:

Tôi quê ở Hoài Sơn (Hoài Nhơn), đi bộ đội chủ lực từ năm 17 tuổi. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; tham gia rất nhiều trận đánh, chiến dịch lớn nhỏ ở chiến trường Liên khu V... Năm 1975, tôi làm Chính ủy Trung đoàn 93 - chỉ huy trung đoàn trực tiếp tham gia giải phóng Quy Nhơn... Năm 1984, tôi tiếp tục tham gia chiến dịch Đông bắc Campuchia đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Tôi đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3; Huân chương Quân công hạng 3; Huân chương Chiến thắng hạng 3; Huân chương Kháng chiến hạng nhất... Tổ chức cựu chiến binh ra đời đã đáp ứng nguyện vọng được tiếp tục làm việc, cống hiến của những anh "bộ đội Cụ Hồ" như chúng tôi. Từ năm 1993 đến nay, tôi tham gia làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn). Hội Cựu chiến binh phường liên tục đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào của hội, được Thủ tưởng Chính phủ tặng bằng khen (2003-2004), tôi cũng nhiều lần được UBND tỉnh tặng bằng khen về làm công tác hội... Quan điểm sống của tôi: "Còn sức, còn làm"... Sau nhiệm kỳ này, tuổi đã quá cao, tôi sẽ thôi làm công tác hội nhưng vẫn luôn cố gắng sống hài hòa, vận động nhân dân trong khu phố thực hiện tốt đường lối, chủ trương của nhà nước, giữ vững phẩm chất và uy tín của người chiến sĩ cách mạng trong cộng đồng dân cư.

  • Ngọc Quỳnh (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
99 tập thê cá nhân được khen thưởng  (01/09/2006)
Chỉ có 2,84% số học sinh lớp 10 chọn ban C  (01/09/2006)
Nhiều hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 61 năm Ngày Quốc khánh 2-9  (01/09/2006)
Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quy Nhơn  (01/09/2006)
Tôi đi ký bản sao  (31/08/2006)
Một tin vui trước thềm Tết Độc lập năm nay  (31/08/2006)
Vân Canh: Hơn 2,8 tỉ đồng xây dựng các công trình nước sạch  (31/08/2006)
Công an tỉnh: Tổ chức lễ đặc xá cho 20 phạm nhân  (31/08/2006)
Lãnh đạo tỉnh đi thăm và tặng quà nhân dịp Quốc khánh  (31/08/2006)
Phù Mỹ: Dập tắt dịch sốt xuất huyết  (30/08/2006)
475 thí sinh trúng tuyển công chức, viên chức năm 2006  (30/08/2006)
Đăng ký khai sinh cho trẻ em trong một giờ  (30/08/2006)
Vĩnh Thạnh: Cấp 3 tấn bắp giống cho các hộ tái định cư  (30/08/2006)
Hội Chữ thập đỏ huyện Phù Cát: Thăm và cứu trợ một gia đình bị cháy nhà  (30/08/2006)
Di dời 70 hộ dân đến các vùng kinh tế mới  (30/08/2006)