Bây giờ đang là mùa tốt nghiệp ở các trường đại học. Dự các lễ bảo vệ Khóa luận Tốt nghiệp (KLTN), rồi liên hoan, rồi chia tay…; có không ít chuyện buồn dôi dư nước mắt. Đôi khi, tôi chợt nghĩ rằng, nguyên do ở đâu? Vì đã nghĩ thế nên phải cố nói với các em đôi lời.
Khóa luận tốt nghiệp
Trước hết là chuyện chọn đề tài. Đa số SV thời nay không làm đề tài mà mình đã đam mê qua ba năm rưỡi ở trường đại học. Cái mà họ cần trước hết là thầy nào hướng dẫn? Đã từng có một SV nói với tôi, cô ta rất thích những vấn đề thật khó trong lịch sử Mỹ và cô ta mong muốn được làm KLTN với tôi. Thế nhưng tôi chỉ là một giảng viên bình thường. Vì vậy, tôi đã không bất ngờ khi vào phút cuối cùng mới được biết cô ta đã “chọn” được thầy giáo hướng dẫn là ông Chủ tịch Hội đồng! Tất nhiên điều đó sẽ có lợi cho SV kia nhiều lắm! Những tính toán tương tự như vậy không phải “ngày xưa” không có. Chỉ có điều thời nay đã trở nên phổ biến đến mức không thể không giật mình và phiền muộn.
|
Cổ nhân nói - nhân bất học bất tri lý - tạm hiểu là: người không có học thì không biết được sự lý. Bước chân vào chốn chữ nghĩa là bước vào thế giới của kẻ sĩ. Cử nhân là một danh hiệu theo đó xã hội xem anh là kẻ sĩ, đương nhiên hiểu được sự lý là gì.
|
SV năm thứ tư ở tất cả các trường đều được phân theo chuyên ban, chuyên ngành. Thành thử, khi đến năm cuối hầu hết SV đều coi các thầy giáo trong khoa, trong trường - trừ những thầy, cô giáo trong khoa, trong bộ môn - gần giống như người dưng. Đôi khi nghĩ cũng tủi tê cho thân phận mệt mỏi của người đưa đò “nửa đường”, dẫu là đò đại học.
Ở đây, hãy chưa nói đến chuyện cái lằn ranh mỏng mảnh của tình nghĩa thầy trò mà cứ phải băn khoăn và day dứt mãi về nỗi bạc bẽo sao mà nhanh đến thế của sự đời! Suốt 3 năm ròng rã, tính theo số học là ¾ cuộc đời SV, những thầy và cô giáo ấy đã đóng góp không ít công sức để dạy dỗ mình. Thế nhưng, dường như câu ca dao Qua sông thì phải luỵ đò; Tối trời nên phải luỵ o bán dầu; đã trở thành nỗi ám ảnh của mọi thời.
Chúng ta là kẻ sĩ
Sự “tình” đã thế, chuyện đời còn đắng cay hơn. Buổi liên hoan kết thúc đời SV bây giờ được “lập trình” đến từng chi tiết. Trước hết, là những gương mặt ủ ê của những người không được điểm 10! Thậm chí trong số đó có những người không vui với điểm 9 hay 9,5 điểm. Họ giận dỗi. Họ cho rằng đó là do thầy cô khắc nghiệt quá. Sự biểu hiện rõ ràng đến mức ngay cả thầy, cô giáo cũng không biết phải xử lý thế nào?
Phải chăng cái áp lực khủng khiếp của thời đại “tiêu chuẩn”, coi điểm số của bằng cấp là trên hết, đã làm khô héo trái tim con người? Ai mà chẳng thích điểm 10. Sự tròn trĩnh của con số ma quái ấy có nghĩa là sự toàn vẹn; không ít khi nó được hiểu đồng nghĩa với đỉnh cao của thành đạt và khả năng. Tại sao không ai nghĩ rằng cái phần trên của chữ sĩ trong tiếng Hán - chữ thập là cái phần luôn là sự xa vời. Chữ thập chỉ là cái để sĩ phấn đấu không mệt mỏi suốt đời mà thôi. Đó là điều mà suốt đời những kẻ sĩ thật sự chỉ tiệm cận chứ không bao giờ đạt được.
Điểm KLTN là cái “khoảnh khắc” vô cùng ngắn ngủi của khát vọng muốn được thừa nhận và được thừa nhận. Hiểu được điều này nên điểm 10 bao giờ cũng có một phần của sự nâng đỡ, thêm thắt của người thầy vì không thể có sự hoàn hảo, ít nhất là trong ngành khoa học xã hội. Có lẽ đây là cái lõi của vấn đề.
Từ vấn đề này lại nảy sinh đến một hệ lụy khác - đến bao giờ xã hội mới phổ biến cách đánh giá con người theo thực chất năng lực?
Bước chân vào chốn chữ nghĩa là bước vào thế giới của kẻ sĩ. Cổ nhân nói - nhân bất học bất tri lý. Được chứng nhận tốt nghiệp đại học - cử nhân, nghĩa là trong sĩ lâm anh là một cái cây có thể đem dựng nhà, cây nhỏ thì gánh việc nhỏ, cây tốt thì làm rường cột. Sẽ là điều không đến nỗi nặng nề nếu biết KLTN và điểm của nó cuối cùng cũng chỉ là hư danh, chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để nhà tuyển dụng thẩm định năng lực của anh mà thôi. Ta sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều lắm khi biết đằng sau điểm số ấy, có vô số những điều quan trọng hơn. Chẳng hạn, cả những luận án tiến sĩ, thạc sĩ thời nay cũng không có điểm 8 đâu. Tất cả họ đều 9 và 10. Nhưng ai cũng biết làm gì có chuyện tất cả đều đã hoàn hảo đến thế, ngay cả khi thi đầu vào cũng có rất nhiều người phạm quy kia mà. Thậm chí có cả những ông thầy, bà cô bị lập biên bản vì sử dụng tài liệu đấy thôi.
Vậy thì, đừng băn khoăn nhiều lắm về chuyện 9 hay 10. Hơn thế nữa, nên biết rằng trong thang bậc của sự cạnh tranh khốc liệt về kiến thức và hiểu biết, đa số chỉ xứng đáng đạt điểm trung bình mà thôi.
Liên hoan chia tay
Chuyện điểm chác đã nhiêu khê thế, chuyện “liên hoan” lại trập trùng muôn nỗi. Phần lớn SV sau khi bảo vệ xong đều chấn thương "màng túi" nghiêm trọng. Thành thử, thầy cô đi xe nổ đến đám tiệc do cái đám cưỡi xe đạp quanh năm tổ chức mấy ai biết trò “vừa uống vừa tính nhẩm, vừa mở bia vừa lo”. Chính vì cái nguyên nhân không khó hiểu này nên học trò đành “quên” một số thầy cô cũng là chuyện mà những người bị quên nên thể tất. Những chuyện nho nhỏ như thế đành lòng nào làm nặng tâm nhau?
Buổi liên hoan còn đi xa hơn nữa trên con đường trơn trượt đến nỗi chưa kịp qua cầu đã rút bớt ván rồi! Có thầy giáo hướng dẫn 4 SV. Kết quả là cả 4 ông bà cử nhân đều qua cả nhưng trong số họ lại chẳng có được cái điểm son 10. Thế là trừ lời mời phải phép của lớp trưởng, không ai trong cái “bộ tứ” ấy đoái hoài gì đến thầy. Ông thầy tâm sự mà cứ rũ người ra - Tôi buồn quá. Giọng gần như lạc đi: “Phải chi chúng nó gọi cho mình một tiếng, vì sao thầy chưa đến? Mình đã chuẩn bị trăm bạc để góp vui với chúng nó đấy chứ”. Tôi còn buồn hơn ông, khi thấy ánh mắt ông trống rỗng, còn giọng nói thì lạc hẳn đi.
Hội hè đã là một nếp làm, cách nghĩ có từ lâu đời. Kể ra thì sau 4 năm học, được ngồi cùng nhau lần đầu và cũng là lần cuối, là chuyện nên làm. Do vậy, cả hai phía, từ nhiều phía đừng coi vấn đề đó là nặng quá. Nếu chúng ta nghĩ không cần phải mâm cao cỗ nhiều; tình cảm và cách thể hiện tình cảm ấy mới là điều đáng kể, thì chắc chắn sẽ khác. Thời buổi này người ta bắt đầu sợ bệnh sợ gút, sợ huyết áp nên nhu cầu mâm cao cỗ đầy đâu có nhiều.
Xứng danh Kẻ Sĩ
Ai cũng biết đời SV là quãng đời tươi đẹp nhất của kiếp người. Nếu tuổi ấy, năm tháng ấy ướt sũng những bon chen, đầy chật những tính toan thì còn gì là ý nghĩa nữa? Từng cách hành xử không đúng của mỗi người, mỗi lần là thêm một viên đá chần lên nỗi nhọc nhằn chồng chất vốn đã quá nặng và quá ư mệt mỏi của người thầy. Đó là chưa kể đến, chủ nghĩa thực dụng quá đáng là kẻ thù nguy hiểm nhất của con người. Chính nó là kẻ tàn phá nhanh nhất, tàn nhẫn nhất sự trẻ trung, trong sáng của trái tim người.
Đang có những thế hệ SV - kẻ sĩ thời nay già đi nhanh hơn, từng trải mọi điều ngay cả khi chưa kịp bước vào đời… Xin được nhắc lại chúng ta là kẻ sĩ.
|