Nhận được email của giáo sư toán học Nguyễn Ngọc Giao (Việt kiều Pháp) báo tin ông vừa qua Mỹ dự hội thảo tại đại học UC Berkeley và được chụp ảnh bên lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam(MTDTGPMNVN), tôi thú vị quá nên đã giục ông gửi kèm ảnh và tài liệu cho tôi.
Lá cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh từ lâu đã vắng bóng ở những nơi chính thức ngay ở nước ta, giờ lại thấy tít tận nước Mỹ xa xôi, lại ở ngay khu trường đại học UC Berkeley nổi tiếng thế giới thì còn gì vui hơn. Bởi thế hệ những người lính chống Mỹ chúng tôi đã từng chiến đấu dưới lá cờ ấy, và lá cờ cùng bài hát “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (ký tên Huỳnh Minh Siêng) đã là một phần không thể quên không thể xóa của cuộc đời chúng tôi.
|
Lính phòng vệ quốc gia (National Guards) do Thống đốc Ronald Regan lúc đó đưa vào đàn áp sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại quảng trường Sproul thuộc đại học UC Berkeley.
|
Hóa ra, lá cờ Mặt trận ở đại học UC Berkeley nằm trong tổng thể một bức tranh tường hoành tráng do họa sĩ kiêm luật sư Osha Neuman vẽ từ khoảng năm 1983-1984. Tôi biết được thông tin này qua anh Hoàng Thái Việt - người đang sống tại Berkeley City. Anh Việt và vợ anh-chị Văn Mai - là hai nhân vật chủ chốt của “Viện Di sản Việt Nam” đã có nhiều hoạt động góp phần bảo vệ di sản tại Việt Nam. Thông qua email giới thiệu rất nhiệt tình và tỉ mỉ của anh Việt, tôi đã cảm nhận được tính khái quát và chiều sâu của bức tranh tường lịch sử này, xin phép trích lại chú dẫn của anh Hoàng Thái Việt: “Bức tranh tường ghi lại 4 sự kiện đáng nhớ tại Berkeley:
+ Phong trào đòi quyền tự do phát biểu (Free Speech Movement) bùng nổ tại đại học Berkeley năm 1964 do Mario Salvo khởi xướng. Phong trào này gắn liền với phong trào đòi quyền công dân và phản chiến.
+ Lính phòng vệ quốc gia (National Guards) do Thống đốc Ronald Regan lúc đó đưa vào đàn áp sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại quảng trường Sproul thuộc đại học UC Berkeley.
+ Cảnh sinh viên và dân Berkeley xuống đường biểu tình chống chiến tranh VN và vẽ cờ Mặt trận Giải phóng trên mặt đường Telegraph-con đường dẫn vào quảng trường Sproul.
+ Lính phòng vệ của Regan bắn chết sinh viên James Rector trên nóc nhà hát Berkeley Repertory Theater góc đường Telegraph ngày 15/5/1969.
Bên cạnh bức tranh tường này là “Công viên nhân dân” (People Park) mà ngày 20/4/1969 sinh viên và dân Berkeley đã “chiếm” của trường đại học để trồng cây hoa cỏ làm nơi tự do phát biểu chính kiến của mình chống chiến tranh VN. Sau này đại học Berkeley “thương lượng” lấy lại được một nửa khuôn viên làm sân bóng, nhưng nửa còn lại đã vĩnh viễn “thuộc về nhân dân” và chính thức trở thành biểu tượng chính trị của thành phố Berkeley.
Cách “Công viên nhân dân” vài con đường là “Công viên Hồ Chí Minh”. Nó vốn tên là công viên Willard, nhưng trong những năm 60 và 70 dân chúng Berkeley khi xuống đường đấu tranh phản chiến đã gọi công viên này là “Công viên Hồ Chí Minh” - cái tên thành danh cho tới bây giờ.
Anh Hoàng Thái Việt còn cho biết một chi tiết thú vị nữa là thành phố Berkeley được coi là “thành phố thiên tả” và thậm chí có tờ bưu thiếp (post card) đã ghi tên Berkeley City trên bản đồ thế giới với tên gọi là “Cộng hòa nhân dân Berkeley” (The People Republic of Berkeley). UC Berkeley là đại học công luôn đứng vào tốp những đại học hàng đầu nước Mỹ và cả thế giới. Rất nhiều nhà bác học tầm cỡ thế giới đã xuất thân hoặc giảng dạy nhiều năm ở đại học này.Và quả bom nguyên tử cùng quả bom khinh khí đầu tiên của Mỹ cũng bắt đầu được nghiên cứu chế tạo từ đây. Nhưng điều thú vị nhất là chính ở đại học Berkeley đã khởi lên làn sóng vĩ đại chống chiến tranh Việt Nam mà sau đó đã lan khắp nước Mỹ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ 20.
“Công viên Hồ Chí Minh” và lá cờ nửa đỏ nửa xanh lừng lẫy của MTDTGPMNVN cũng đã bừng sáng lên từ khuôn viên rộng 5 km2 của trường đại học nổi tiếng thế giới này.
|