Ngày khai giảng 5-9, các trường học ở TP Quy Nhơn ngập tràn màu sắc của bong bóng bay. Trước đó một ngày, các tiệm thổi bong bóng bay đã hoạt động hết công suất…
|
Trước ngày khai trường, nhà bà Liên nườm nượp học sinh đến đặt bóng bay. Ảnh: T.H
|
* Bong bóng lên trời...
Hai tiệm thổi bóng bay trên đường Tăng Bạt Hổ nườm nượp khách là học sinh. Một nhóm học sinh của Trường THPT Trưng Vương đến đặt bóng cho biết, theo quy định của trường, mỗi lớp chuẩn bị một chùm bong bóng bay. “10 bong bóng cỡ trung 30.000 đồng, 1 bong bóng lớn 12.000 đồng, thêm tờ bướm 5.000 đồng nữa là 47.000 đồng”- bà chủ tính toán. Mỗi tốp đến đặt bong bóng, bà chủ đều viết phiếu và giao hẹn: “Mất phiếu, người khác đến nhận bong bóng thì ráng chịu bởi đông quá đâu biết ai là ai”.
Bà Đặng Thị Liên, chủ tiệm bong bóng bay ở nhà số 78 đường Tăng Bạt Hổ cho biết, gia đình bà làm bong bóng bay từ 7 năm nay. Ngày 5-9 hàng năm, nhà bà thổi đến 500 bong bóng trung và 50 bong bóng đại. Cách nhà bà Liên hai căn, ông Huỳnh Xuân Phong cũng nhận thổi bong bóng. Ông Phong làm nghề từ trước giải phóng, sau chuyển sang kinh doanh thức ăn gia súc và mới trở lại “nghề cũ” được vài năm nay. “Thời trước năm 1975, Quy Nhơn chỉ có mình ông Kim Thanh ở đường Trần Quý Cáp (nay đã định cư sang Úc) làm nghề này. Tôi là người làm thuê cho ông ấy, sau mới ra làm ăn riêng. Trước kia do ít người làm nên đắt hàng…”- ông kể.
Hiện nay, giá mỗi chùm bóng từ 30.000 đến 40.000 đồng, trừ mọi chi phí, người làm bóng lời 7.000-10.000 đồng. Để tạo khí Hidro, họ phải mua sút (NaOH), nhôm (Al), trộn chung với nước cho vào bình khí theo một tỷ lệ nhất định. Khí Hidro được tạo ra, chờ nguội mới sử dụng được. Thường thì cặp bình đôi 12 kg chỉ thổi được 5-7 bóng đại là hết hơi. Do vậy, phải giới hạn số lượng bóng. Ông Văn Phú Tửu- chồng bà Liên cho biết: “Bóng đạt yêu cầu phải to, màu sắc đẹp thả lên là bay cao chứ không xìu xìu ểnh ểnh…. bay là là mặt đất. Thời gian thả bóng tốt nhất là trong 2 tiếng đồng hồ. Năm nào cũng vậy, đến ngày 5-9 là cả nhà tôi dậy từ 2 giờ sáng làm cho kịp. Có người đến lấy từ hồi năm rưỡi sáng…”.
Ngày trước, bóng bay chỉ được bán dạo ngoài đường vào các dịp lễ tết; nay, đời sống khá lên, bong bóng bay được thả vào dịp ngày khai trường, khởi công, khai trương… Một cô giáo trường Tiểu học Đống Đa tâm sự: “Mấy năm trước trường tôi không thả bong bóng bay, năm nay, thấy nhiều trường thả nên cũng làm theo, chủ yếu tạo không khí phấn khởi cho các cháu học sinh lớp 1”.
* ... và bóng nổ ở nhà hàng
Nhưng, bóng không chỉ lên trời mà còn “tìm đường” vào các nhà hàng, khách sạn. Vài ba năm trở lại đây, tại các tiệc cưới ở nhà hàng đều có tiết mục bong bóng nổ thay cho pháo. Sau lễ tuyên bố của hai bên họ hàng, pháo bong bóng sẽ nổ một tràng dài như pháo thật. Tràng “pháo” kết thúc là lúc đôi câu đối chúc mừng cô dâu chú rể hiện ra…
|
Ông Phạm Văn Mỹ ngồi đợi đến giờ cho bóng nổ ở nhà hàng của Khách sạn Du lịch công đoàn. Ảnh: T.H |
Hai người thâm niên trong nghề làm bong bóng nổ ở Quy Nhơn là ông Văn Phú Tửu và Phạm Văn Mỹ (hẻm 98 đường Lê Lợi). Ông Tửu là người đầu tiên nghĩ ra cách cho bong bóng nổ bằng điện ở Quy Nhơn. Thoạt đầu, ông chỉ làm bong bóng trang trí theo phông màn cho đẹp mắt nhưng theo gợi ý của khách hàng, ông bắt đầu làm bong bóng nổ. Đầu tiên, ông làm thủ công, dùng kim châm vào bóng, nhưng không đẹp mắt vì luôn có người đứng bên. Xem đám cưới trên phim Hàn Quốc, Trung Quốc, ông mới nghĩ ra cách cho bóng nổ bằng điện trở theo nguyên lý dùng ròng rọc. Cắm một mô tơ chuyển điện từ 220 V xuống còn 12 V, bong bóng nổ đến đâu, dây thu lại đến đấy, khi kết thúc cũng là lúc hai câu đối chúc mừng hiện ra hai bên. “Mất cả năm và phải làm đi làm lại nhiều lần mới mày mò ra”, ông kể. Hiện nay, giá cho hai cây “pháo bóng” dao động từ 150.000- 200.000 đồng, trừ mọi chi phí lãi còn hơn một nửa.
Theo lời ông Mỹ, thì không phải lúc nào bóng nổ cũng ngon trớn, đôi khi điện phập phù, hoặc phích lỏng bong bóng nổ mới nửa chừng thì mất điện, hoặc bóng dai khó nổ. Lúc ấy, phải nhanh tay xử trí, dùng kim hoặc vật nhọn đâm tiếp cho bóng nổ đến hết. Vợ ông Mỹ vẫn nhớ như in sự cố ở nhà hàng T.C: “Bong bóng nổ ngon trớn đến hai cái cuối cùng… thì tịt. Gia chủ lên hỏi, tôi mới nhanh trí đáp lại là phải lưu chủ lại hai cái mới đẹp, nhưng ông ấy không chịu, bắt cho nổ hết. Đành giật dây cho bóng rớt xuống. Sợ sự cố, nên lúc nào cũng phải ngồi canh sau sân khấu cho đến khi nổ xong mới dám thở phào”. Nếu bị “bể dĩa”, gia chủ có quyền không trả tiền. Nhưng những trường hợp như vậy rất hiếm khi xảy ra.
Trước đây, khi “công nghệ” làm bong bóng nổ chưa có nhiều người biết, ông Tửu và ông Mỹ luôn được các nhà hàng mời đến trang trí. Dần dần các nhà hàng cũng tự làm được nên lượng khách giảm nhiều. Hiện họ chỉ còn lại vài “mối” ruột và chủ yếu “đánh lẻ” ở bên ngoài khi có yêu cầu. Cả hai ông cùng nhận xét: “Nghề này phụ thuộc vào đám cưới nên thu nhập không thể thường xuyên. Như hai tháng bảy này thì đói. Bởi vậy chỉ coi đó là nghề tay trái thôi”.
|