Những năm gần đây nghề buôn bán, sưu tầm sách cũ nở rộ đem lại lợi ích cho người bán và nhiều niềm vui bất ngờ cho những người yêu sách...
|
Một em học sinh đến bán những cuốn sách giáo khoa cũ cho ông Võ Lễ... Ảnh: N.Sương
|
* Giá rẻ mà nội dung thì vẫn vậy
Đã là người trót mê sách hẳn ai cũng ấp ủ một ước mơ có được một tủ sách riêng; thêm vào đó là nhu cầu sở hữu những cuốn sách có giá trị phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên dẫn đến nhu cầu lùng mua sách. Tuy nhiên, những cuốn sách mới xuất bản bìa đẹp, giấy thơm phưng phức lại có giá không mềm với túi tiền cho tất cả mọi người. Vậy là những người thu nhập thấp đổ xô đi lùng sách cũ. Giá của sách cũ chỉ bằng 40-70% so với sách mới nhưng nội dung thì… vẫn vậy.
Hễ khi nào rảnh rỗi là anh Lương Đăng Kỳ, một giảng viên trẻ của Trường ĐH Quy Nhơn lại đi lùng sách cũ. Gặp lại anh ở một hiệu sách cũ, anh cho biết, phần lớn sách báo, tạp chí mà anh có đều nhờ đi lùng sục khắp các cửa hàng mua bán sách báo cũ. Theo anh, sách cũ ngoài việc có giá rẻ còn có thể chứa đựng nội dung hay hơn là sách tái bản. Ví như cuốn “Phương pháp giải toán đại số lớp 11” anh vừa mua giá có 7.000đồng trong khi giá bìa là 16.000đồng; giờ không còn bán trên thị trường.
Bước vào năm học mới này, không ít các em học sinh và phụ huynh tìm đến các cửa hàng sách cũ mua sách giáo khoa (SGK). Tại một tiệm sách cũ ở Quy Nhơn, một học sinh tiết lộ: “Nhà em nghèo, mẹ em bán hàng rau ở chợ Cây Xăng nên tiền bạc eo hẹp lắm. Riêng bộ SGK lớp 9 mà em đang cần cũng đã lên đến 137 ngàn rồi. Mua ở đây tiết kiệm được 70 ngàn đồng. Em sẽ giữ gìn cẩn thận bộ sách này để học xong lại đem ra bán lại cho tiệm vừa có thêm ít tiền cho năm học mới, lại tạo điều kiện cho các bạn có hoàn cảnh giống như em”.
* Sách cũ ở đâu ra?
Ông Võ Lễ, chủ hiệu sách báo cũ ở số 403 B Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn cho biết: “Nguồn cung cấp sách cũ chủ yếu đến từ gánh hàng của những bà… đồng nát và các cửa hàng, thư viện có nhu cầu thanh lý sách cũ, sách tồn kho. Có bao nhiêu chúng tôi mua về hết rồi lựa, thậm chí có những cuốn sách rách bươm phải khâu vá lại trước khi bán”.
Trong tủ sách của ông, chúng tôi thấy số lượng đầu sách rất phong phú. Từ quyển “Thần thoại Hy Lạp” được xuất bản từ năm 1972, giấy đã bở mục đến cuốn “Ruồi trâu” của Voynhich hay “Tuyển tập Nam Cao” vừa mới được xuất bản quý IV năm 2006. Rồi cơ man nào là truyện tranh, truyện kiếm hiệp, sách kỹ thuật, sách giáo khoa… thượng vàng hạ cám, đông tây kim cổ đều có cả.
Điều thú vị là phần lớn các sách được bày bán ở các quầy sách báo cũ tại Quy Nhơn lại có nguồn gốc từ nhiều tỉnh, thành phố khác. Một chủ hàng giải thích: ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… thì lượng sách có nhu cầu đem “ký gởi” cho các bà đồng nát rất lớn trong khi lượng người mua sách loại này lại rất ít. Ngược lại, ở Quy Nhơn ngoại trừ một số nơi thanh lý hàng tồn kho và các tiệm cho thuê truyện sang lại, rất ít người mang sách cũ đi bán.
* Dịch vụ sưu tầm
Người đầu tiên có sáng kiến cho loại hình kinh doanh độc đáo này là ông Võ Lễ. Chuyện ông làm dịch vụ cũng rất tình cờ. Đầu năm 2004, có một ông khách già thường xuyên ghé tìm mua sách cũ. Một lần ông ta cầm tiền đến hỏi mua quyển “Đắc nhân tâm” của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, xuất bản từ năm 1963 nhưng quyển sách cũ bày quầy bấy lâu của ông Lễ lại vừa được bán cho một người khách khác. Ông khách già cho biết là đã thích quyển sách này từ lâu nhưng không đủ tiền. Sau đó cứ 2-3 ngày ông khách lại đến hỏi thăm có quyển nào tương tự mới nhập về hay không. Áy náy, ông Lễ đã gọi điện nhờ những người trong nghề ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lùng mua giúp. Lần ấy, tính hết các chi phí, ông lỗ gấp 4 lần tiền bán quyển sách nhưng cũng nhờ thế mà dịch vụ sưu tầm sách cũ cho người có nhu cầu ra đời. Bán tín bán nghi vào cái dịch vụ đòi hỏi lắm công phu này, tôi đặt ông sưu tầm hai trong số 8 quyển “Tam quốc chí” được xuất bản từ những năm 80 thế kỉ trước mà tôi đã làm hỏng trong quá trình bảo quản. Ông Lễ gật đầu, không quên nhắc tôi 3 ngày sau đến lấy hàng. Y hẹn, tôi đến quầy sách cũ của ông và đã được cầm trong tay 2 cuốn sách mình cần.
Ông Lễ cho biết: “Mỗi ngày có khoảng năm đến mười khách hàng đến đặt mua sách của tôi. Trừ hết mọi chi phí, hàng ngày tôi thu được khoảng 70 ngàn đến 100 ngàn từ công việc sưu tầm sách cũ. Tuy nhiên lắm lúc cũng phải thất hẹn với khách vì không phải quyển nào mình cũng tìm ra được. Nhiều cuốn quý hiếm quá, phải bù lỗ nhưng lại phải luôn cố gắng để giữ chữ tín và đem niềm vui cho khách hàng”.
|