Do tính chất đặc thù và vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của vấn đề dân tộc (DT), ngày 9-9-1946, Chính phủ ra Nghị định số 359 thành lập Nha Dân tộc thiểu số (DTTS), với nhiệm vụ: "Nghiên cứu và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các DTTS trong toàn cõi Việt Nam để củng cố trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết và tương trợ giữa các DT trên đất nước Việt Nam". Và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của các thế hệ cán bộ làm công tác DT trong cả nước.
|
Cầu Hà Rơn (làng Tà Điệt, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) vừa được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135. Ảnh: Xuân Dũng
|
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, cơ quan chuyên trách công tác DT ở Trung ương và địa phương được tổ chức với những tên gọi khác nhau, phù hợp với nhiệm vụ chính trị được giao trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Ở Trung ương, cơ quan này đã có 8 lần thay đổi tên gọi. Ở tỉnh Bình Định, tuy đồng bào DTTS không đông (chiếm khoảng 2% dân số toàn tỉnh, phân bố ở hầu hết các địa bàn miền núi) nhưng do nhận thức được vai trò và vị trí quan trọng của công tác DT, nên ngay từ đầu năm 1947 tỉnh đã thành lập cơ quan chuyên trách làm công tác DT. Từ đó đến nay, cơ quan này đã có 5 lần thay đổi tên gọi: Phòng Thượng du (1947), Ban Miền Tây (1959), Ban DT (1976), Ban DT và Miền núi (1992) và trở lại tên gọi Ban DT từ năm 2005 đến nay. Tuy tên gọi có khác nhau, nhưng chức năng, nhiệm vụ cơ bản không thay đổi, còn được tiếp tục bổ sung thêm để phù hợp với điều kiện cách mạng mới, làm rõ hơn những vấn đề cơ bản của chiến lược cách mạng về vấn đề DT và công tác DT, về nguyên tắc đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước ta.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, những người làm công tác DT ở Trung ương nói chung và ở Bình Định nói riêng đã vận động đồng bào các DTTS tích cực tham gia, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng; nuôi giấu bảo vệ cán bộ cách mạng; trừ gian, bảo mật, tăng gia sản xuất, lập làng, lập ấp kháng chiến chống địch càn quét bảo vệ cơ sở, bảo vệ căn cứ địa cách mạng... Lực lượng làm công tác DT của tỉnh đã tuyên truyền, vận động, giác ngộ đồng bào các DTTS, các tầng lớp nhân dân, hướng dẫn họ thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những người làm công tác DT luôn thực hiện 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, không ngại gian khổ hy sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó. Chính từ sự giác ngộ, thông suốt tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, đi theo cách mạng đến cùng của đồng bào các DTTS đã góp phần làm nên thắng lợi của hai cuộc kháng chiến. Kết quả đó có sự đóng góp không mệt mỏi của những người làm công tác DT và đồng bào các DTTS.
Trong giai đoạn cách mạng cả nước đi lên CNXH, cơ quan làm công tác DT của tỉnh đã sớm hòa nhập và xác định cho mình nhiệm vụ mới: Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH-TƯ khóa IX, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND về công tác DT; các chính sách DT của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án được Trung ương, tỉnh giao. Đặc biệt là Chương trình 135, đã có tác động lớn, góp phần phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Ban DT tỉnh là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý Nhà nước về công tác DT. Ban đã tham mưu, đề xuất được nhiều ý kiến thiết thực trong việc vận dụng thực hiện các chính sách DT trên địa bàn tỉnh. Các chương trình, dự án của Trung ương cũng như của tỉnh đều được thực hiện tốt, có hiệu quả. Sau 7 năm thực hiện Chương trình 135 và các chính sách, chương trình, dự án khác đã làm thay đổi đáng kể đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đối với 31 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS từng bước khởi sắc. Đến nay đã được Chính phủ công nhận đưa 10 xã ra khỏi diện ĐBKK, khép dần sự chênh lệch về KT-XH giữa vùng DTTS với các khu vực khác. Lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước, với công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo ngày càng được củng cố vững chắc.
Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, thành quả đã đạt được trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, những người làm công tác DT của Bình Định tự xác định cho mình trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh là: Tiếp tục đổi mới công tác DT, vận động cộng đồng tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, các chương trình, dự án thuộc chính sách DT, góp phần phát triển KT-XH để đến năm 2010 vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Định cơ bản không còn xã ĐBKK, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Muốn đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ của công tác DT và người làm công tác DT phải thực hiện tốt phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với đồng bào DTTS và phương châm 3 nắm: Nắm tình hình phát triển KT-XH, đặc biệt là công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; công tác đào tạo và sử dụng cán bộ là người DTTS. Nắm tình hình an ninh chính trị - trật tự xã hội, quan tâm tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai, các điểm nóng có thể xảy ra; nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chống hủ tục lạc hậu như: mê tín dị đoan, nghi cầm đồ... sự xâm nhập của các giáo phái và các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ DT, chống phá cách mạng. Nắm tình hình thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị những vướng mắc, tồn tại, những bức xúc ở cơ sở với các cấp, các ngành liên quan.
(Trưởng Ban Dân tộc tỉnh) |