|
Đến với Tháng Việc làm 2006, người lao động tìm hiểu rất cặn kẽ về việc làm, nhu cầu tuyển dụng tại các công ty trong và ngoài tỉnh. Ảnh: T.H |
Mới đây, Ban Tổ chức (BTC) Tháng Việc làm (TVL) 2006 đã tổ chức Hội nghị tổng kết Tháng Việc làm 2006. Qua đó, phát huy những mặt tích cực trong công tác tổ chức đồng thời tiếp tục rút kinh nghiệm cho những lần tổ chức sau…
* Thành công hơn
TVL 2006 được tổ chức tập trung từ ngày 11 đến ngày 22-8, lần lượt tại 22 điểm tuyển dụng của các huyện, thành phố với sự tham gia của 38 đơn vị DN trong và ngoài tỉnh, trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm… có nhu cầu tuyển dụng trên 21.000 lao động làm việc trong và ngoài nước, học nghề.
Kết thúc TVL, theo báo cáo của BTC, đã có 12,4 vạn lượt người đã đến các điểm tuyển lao động tập trung, hầu hết là đối tượng thanh niên có nhu cầu tìm việc làm và học nghề. Các đơn vị tham gia tuyển dụng tư vấn cho 8.000 lượt người học nghề, việc làm, sơ tuyển và phát giấy hẹn cho 8.069 người (tăng 2,4 lần so với năm 2005). Trong đó, có 3.330 người làm việc trong nước, 2.358 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), 2.381 có nhu cầu học nghề. Số người được tuyển chính thức làm việc trong nước tại các điểm tuyển dụng là 698 người (565 lao động phổ thông, 49 công nhân kỹ thuật (CNKT), 84 người có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học), tăng 1,67 lần so với năm 2005. Theo báo cáo của riêng 4 trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề của tỉnh, tính đến ngày 31-8, đã có 957 lao động đến tập trung tại các trung tâm theo giấy hẹn trong TVL, trong đó làm việc trong nước là 301 người, XKLĐ: 195 người, học nghề: 461 người.
Nhìn chung, TVL năm nay được tổ chức thành công hơn vì công tác tuyên truyền được chú trọng, thời gian tổ chức cũng thích hợp hơn. Rút kinh nghiệm từ TVL 2005, năm nay, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh hơn qua các phương tiện thông tin đại chúng như qua báo, đài phát thanh, truyền hình; hệ thống đài truyền thanh của các xã, phường, thị trấn đã dành nhiều thời lượng phát sóng tuyên truyền về TVL. Đi đôi là công tác nắm nguồn cung lao động cũng được chú trọng hơn, tập trung vào các đối tượng thất nghiệp, thiếu việc làm trong độ tuổi 15- 45 đối với nam, 15-35 đối với nữ, và học sinh sau khi đã tốt nghiệp THPT, THCS không có điều kiện học tiếp. Một nét mới trong công tác tuyên truyền năm nay là BTC đã thông qua các địa phương, xã phường, thị trấn, các hội, đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên để gởi giấy mời cho người lao động và đã gởi trên 20.000 giấy mời trực tiếp đến NLĐ đang có nhu cầu việc làm. Các huyện miền núi như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão đã mời nhiều thanh niên là dân tộc ít người đến tham gia đăng ký tuyển dụng làm việc, học nghề….
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Liên đoàn Lao động tỉnh) nhận xét: “Những năm trước, nhiều NLĐ đến với TVL là chỉ để đi xem cho biết thì năm nay, người đến với TVL thực sự có nhu cầu tìm hiểu về lao động, việc làm. Họ hỏi rất cặn kẽ và yêu cầu được tư vấn kỹ càng”.
|
Hai bạn gái trẻ này đang đăng ký xin việc tại Công ty TNHH Ánh Việt. Ảnh: T.H
|
* Những vấn đề còn lại
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công của TVL 2006, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục cho những lần tổ chức sau.
Kết thúc TVL, ông Hồ Văn Sơn, Trưởng phòng Nội vụ- LĐXH huyện Vân Canh băn khoăn: “Giữa BTC, doanh nghiệp (DN) và địa phương tổ chức không có thông tin gắn kết trước, trong và sau TVL. BTC thông báo có 17-19 DN tham gia tuyển dụng tại huyện Vân Canh, trong khi thực tế chỉ là 12-13 DN. Địa phương cũng không nắm được khi nào DN đến và đi. Thậm chí có DN đến buổi sáng nhưng chiều thì chẳng còn thấy đâu nữa”. Ngoài ra, thông tin tuyển dụng của “hậu” TVL cũng là một vấn đề đáng được quan tâm. Trong thời gian TVL, DN chỉ báo cáo nhanh về BTC số lượt người đến đăng ký phỏng vấn, số lượt người được phát giấy hẹn và được tuyển chính thức. “Nhưng, làm sao có thể kiểm chứng được đã có bao nhiêu lao động đã được tuyển dụng thực sự?”- ông Sơn nói. Đây cũng là băn khoăn chung của các đại biểu khác trong hội nghị tổng kết. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, mọi thông tin tuyển dụng của DN đều phải được BTC xem xét, trước khi được tuyên truyền đến NLĐ, tránh tình trạng DN rao tuyển dụng “lập lờ” gây khó khăn cho NLĐ.
Trong khi đó, ông Dương Minh Hiên, Trưởng phòng Nội vụ - LĐXH huyện Phù Mỹ cho rằng, TVL không nên tập trung vào một tháng, tổ chức rầm rộ tại các địa phương như hiện nay mà nên rải đều ra trong năm. Có thể tổ chức mỗi quý một lần, tập trung tại một vài điểm theo nhu cầu lao động của DN trong năm. Thời gian tổ chức cũng nên thu gọn lại trong vòng một buổi sáng, buổi chiều chuyển tiếp qua địa phương khác. Như thế vừa hiệu quả, vừa đỡ tốn kém cho BTC lẫn DN, mà lại đáp ứng nhu cầu việc làm cho NLĐ ở nông thôn. Chính vì sự tổ chức rầm rộ, di chuyển liên tiếp nhiều địa phương trong cùng một thời điểm khiến cho DN “đuối” về thời gian, sức khỏe cũng như kinh phí tổ chức. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN “bốc hơi” giữa chừng.
Ngoài ra, việc nắm nguồn cung lao động, phát giấy mời cho NLĐ trong TVL 2006 ở một số địa phương triển khai chậm, làm qua loa, chiếu lệ, NLĐ không nhận được giấy mời trực tiếp của BTC. Một số địa điểm tuyển dụng không hợp lý, chật chội, nắng nóng ảnh hưởng đến công tác tổ chức. Đây chính là những vấn đề BTC cần xem xét lại để rút kinh nghiệm để những lần tổ chức sau được thành công hơn nữa.
|