Những điều xấu xa trong hệ thống giáo dục diễn ra ở mọi cấp độ, địa phương, lĩnh vực... khiến nghĩ đến giáo dục Việt Nam, nhiều người chỉ nhớ đến chuyện xấu. Ấn tượng này là thực tế không thể chối cãi, chẳng phải là chuyện tô hồng hay bôi đen. Nhưng những vụ việc mà chúng tôi kể ra dưới đây ở cấp độ thấp nhất - mẫu giáo, mầm non là những điều tồi tệ không thể hình dung.
|
Nếu những em nhỏ biết cô giáo đã cắt xén khẩu phần ăn của mình thì liệu các em có hát nổi bài ca Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: N.Q
|
Từ những vụ việc ở góc nhìn xa...
Những ngày qua, dư luận trong nhân dân đã sôi lên với vụ "trường Lê Quý Đôn ở TP.HCM"; vụ lọan trường thi ở Nam Đàn (Nghệ An) với kết cục thầy giáo tố cáo tiêu cực lại bị quy tội "vi phạm nghiêm trọng quy chế thi"; vụ tiêu cực thi tuyển công chức xảy ra ngay sát vách phòng làm việc của Bộ trưởng GD-ĐT ở Hà Nội có nguy cơ sẽ chỉ bị xử lý nội bộ; vụ cựu Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển (59 tuổi) du học nâng cao trình độ tiếng Anh bằng ngân sách... Trước đó, dư luận đã phẫn nộ với vụ thầy gạ gẫm sinh viên đổi tình lấy điểm ở Hà Tây, vụ hàng trăn bài thi giống nhau ở Tiền Giang... Trước đó nữa là chuyện dạy thêm học thêm, chương trình quá tải, ngộ độc thành tích ảo, sách giáo khoa sai, bất cập...
Theo Thể thao -Văn hóa, tập thể cô giáo, cấp dưỡng ở trường mẫu giáo Chim Non, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã thống nhất với nhau khai khống cả về số lượng và còn "ăn" chênh lệch cả đơn giá số thực phẩm mua về chế biến thức ăn cho trẻ, bớt xén "từ miếng thịt cho tới củ hành".
Những con số kiểm tra sơ bộ đã phơi bày một sự thật kinh hoàng, chỉ qua một số khoản thực phẩm thiết yếu được liệt kê như thịt lợn, cá trắm, dưa hấu, cà chua, hành… trong 1 ngày, số tiền bị bớt xén đã lên tới 919.500 đồng. Để đối phó với các cuộc thanh tra, kiểm tra lãnh đạo nhà trường đã thiết lập hai hệ thống sổ sách kế toán, theo đó sổ có những con số đẹp được dùng để nói chuyện với các đoàn thanh tra, công khai với phụ huynh, còn sổ có những con số thật thì được dùng để ăn chia nội bộ. Việc bớt xén khẩu phần ăn của các cháu tại trường đã bị phụ huynh nghi ngờ, phản ánh mấy năm nay nhưng không có chứng cứ. Vừa qua, hành vi này bị phanh phui sau một vụ mất trộm bí mật. Điều kỳ khôi là trường chẳng mất gì ngoài hai hệ thống sổ sách kế toán kể trên. Cùng lâm vào tình trạng tương tự và đang gây xôn xao dư luận như Chim Non còn có trường Nắng Hồng.
Trả lời về vụ việc này, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Thành Kỳ nhấn mạnh, sai phạm của trường Chim Non rất đáng phê phán, UBND thành phố đã chỉ đạo kiểm tra vụ việc và xử lý đúng theo quy định pháp luật.
Một chuyện khác, theo báo Dân trí, Hồng Anh - một bé gái 5 tuổi học Trường Mầm non Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) sợ sệt kể lại cho gia đình việc bị cô giáo trói chân, trùm vào bao. Còn cô giáo thì thanh minh, chỉ là “dọa” nếu cháu không thuộc bài và nói chuyện riêng.
Ngày 18-8, khi đi học về, cháu Hồng Anh ở tổ 11, phường Việt Hưng, quận Long Biên tỏ ra sợ sệt và sốt cao. Sau đó, qua một cháu bé khác học cùng lớp với Hồng Anh, bà Nhung, bà nội cháu Hồng Anh được biết cháu mình bị cô giáo phạt bằng cách trói chân lại rồi cho vào bao. Quá khó tin về điều này, gia đình cháu Hồng Anh đã bảo cháu mô tả lại hình phạt của cô giáo.
Hồng Anh kể: Cô trói chân con lại rồi cho con vào bao. Cô buộc chân con bằng sợi dây màu đen. Hồng Anh còn cho biết, một số bạn khác trong lớp cũng chịu chung hình phạt ấy. Trước sự việc trên, bà Nhung đã tìm gặp một trong hai cô giáo (cô Dơn) dạy lớp cháu Hồng Anh để bày tỏ sự không đồng tình với cách thức phạt trò đó của các cô. Chiều cùng ngày, cô Dơn và cô Mai đã đến xin lỗi gia đình nội, ngoại của cháu Hồng Anh.
Xác định đây là sự việc nghiêm trọng vi phạm đến trẻ em, vi phạm đến đạo đức nghề nghiệp nên Phòng GD-ĐT quận Long Biên đã tổ chức kiểm tra và báo cáo với UBND quận, đồng thời đã quyết định đình chỉ công tác hai cô giáo Nguyễn Thị Hương Mai và Trương Thị Dơn.
Không phải tự nhiên mà chúng tôi diễn đạt cảm xúc của mình bằng hai chữ "kinh hoàng". Trường mẫu giáo Chim Non đã hoạt động hơn 40 năm, được Nhà nước phong tặng danh hiệu tập thể Anh hùng lao động, nhận Huân chương Độc lập. Hiệu trưởng đương nhiệm của trường là bà Nguyễn Thị Kim Phương, cũng nổi danh với nhiều thành tích: nhà giáo ưu tú, quản lý giỏi cấp thành phố, được nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ GD-ĐT… vậy mà.
"Con không ăn cá thu"
Trước khi viết bài báo này, điều khiến tôi boăn khoăn rất nhiều là liệu ở nơi mình sống có những chuyện tồi tệ như thế không? Bởi "cùng với cả nước" ở ta chuyện chạy theo thành tích sau đó báo cáo giảm số lượng học sinh bỏ học cũng đã diễn ra ở Tuy Phước. Chuyện này nay vẫn chưa hết nóng vì theo nhiều giáo viên phản ảnh đây không phải là hiện tượng chỉ xảy ra ở Phước Sơn (Tuy Phước) mà còn có ở nhiều xã khác, huyện khác nữa.
Lúc đem những chuyện trên kể với một số bạn bè, điều bất ngờ là khá nhiều cho rằng đó cũng là chuyện bình thường, phổ biến ở nhiều nơi và ngay cả tại TP Quy Nhơn cũng có dù họ đều khẳng định rằng sự việc không nghiêm trọng bằng.
Một anh bạn của tôi hiện đang công tác ở một trung tâm kiểm định kể. Trong một bữa ăn, cháu của anh, học bán trú ở trường X than thở "ngán ăn cá thu lắm rồi, ở trường ăn cá thu hoài". Lời than của cháu khiến mẹ... hết hồn, mãi sau mới biết loại cá mà cháu ngán hóa ra đó là cá ngừ - loại cá rẻ hơn cá thu rất nhiều. Có điều ở trường các cháu được hướng dẫn ấy là cá thu!
Kể xong câu chuyện, bạn tôi tủm tỉm cười và kết luận - chớ có nghe con nó bảo nó ăn tôm, ăn cua đến ngán mà cắt món ra khỏi khẩu phần ở nhà đấy nhé. Kẻo không lại bị sốc lúc đón con đấy. "Chiều nay con ăn món gì", con nó đáp "ăn cơm với cá thu" rồi giơ 2 ngón tay ra hiệu cá thu to bằng thế...
Từ chuyện ăn lại nghĩ sang chuyện khác xảy ra cách đây khoảng 1 năm. Ở trường L, các cháu học sinh vâng lời anh phụ trách đội răm rắp. Các cháu hay xì xào, bán tán về một điều gì đó với vẻ khá sợ sệt. Thấy cháu mình cũng bị như thế tôi khéo léo hỏi dò, hóa ra anh phụ trách nọ đã dọa - Em nào nghịch quấy, thầy nhốt vào hầm rắn của trường. Dù đã được tôi giải thích khá nhiều nhưng nỗi ám ảnh "hầm rắn" của cháu vẫn không dễ nhạt phai. Không biết ở trường này nay có còn cái hầm rắn ấy không.
Có lẽ tự mình, bạn đọc đã có thể thấy rằng vì sao lại có bài học nhận diện con cá thu, hiệu quả và hệ lụy sư phạm của việc đe dọa nhốt trong hầm rắn.
Lỗi hệ thống, sửa chữa hệ thống
Nói về sự phổ biến của những tiêu cực, sai phạm, những điều xấu xa diễn ra quá nhiều, quá phổ biến một số chuyên gia cho rằng đó là sự tha hóa của một bộ phận khá đông trong ngành. Lấy ví dụ ở trường Chim Non, Nắng Hồng... sẽ không thể ăn chặn, cắt xén khẩu phần của các cháu như thế nếu toàn thể giáo viên không thống nhất. Cũng không thể nói là không biết khi mỗi tháng các cô ăn tại trường 2 bữa/ngày mà chỉ nộp cho nhà bếp 20.000 đồng.
Có thể nói mối bung xung đã và đang vỡ ra ở ngành Giáo dục là hệ lụy của cả một hệ thống, tích tụ trong nhiều năm nên không thể khắc phục bằng dặm vá, sửa chữa nhỏ. Chỉ trong một mảng nhỏ - bệnh thành tích, cải tiến chương trình dạy và học không thôi mà ngay cả vị bộ trưởng đương nhiệm đang được kỳ vọng rất nhiều cũng dè chừng với khung thời gian 10 năm. Và quả thật, từ ngày nhậm chức đến nay, hầu hết thời gian của ông đều chạy theo những vụ việc, sự kiện chứ chưa có thời gian để tính toán những chiến lược dài hơi.
Đánh giá đúng mức độ khẩn thiết của vấn đề nên mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị Chỉ thị 33/2006/CT-TTg trong đó nhấn mạnh - từ nay ngành Giáo dục không được áp đặt các chỉ tiêu về kết quả thi, lên lớp, tốt nghiệp một cách hình thức, không phù hợp với thực tiễn; chỉ đạo xử lý nghiêm các tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục ở địa phương ngay từ đầu các năm học mới..."
Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải xây dựng Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục giai đoạn 2006-2010 với yêu cầu: nâng cao đạo đức của nhà giáo; giáo dục tính trung thực cho học sinh, SV; bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục...
Dân gian có câu "nước xa không thể chữa lửa gần". Có thể nói ở tỉnh Bình Định, lửa cũng đã "táp ngang mày" chứ không phải đơn giản. Vì thế bên cạnh nguồn nước xa như Chỉ thị 33/2006/CT-TTg, tỉnh cũng rất có chiến lược cụ thể của mình trong vấn đến chấn hưng giáo dục.
|