Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên bộ (Bộ LĐ-TB và XH và Bộ Tài chính) đã kiểm tra công tác hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ cho các xã bãi ngang ven biển ở tỉnh Bình Định. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Lập, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) về kết quả thực hiện và hiệu quả mang lại của chương trình này.
|
Một đoạn đường giao thông nông thôn ở xã đặc biệt khó khăn - vùng bãi ngang Cát Chánh (Phù Cát). Ảnh: Xuân Thức
|
* Thưa ông, qua kiểm tra thực tế tình hình đầu tư hỗ trợ của Chính phủ cho các xã bãi ngang ven biển ở Bình Định, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện ở địa phương?
- Qua đi kiểm tra thực tế và làm việc với các ngành chức năng của tỉnh về việc triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã bãi ngang đặc biệt khó khăn ven biển ở Bình Định theo Quyết định (QĐ) 257 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi thấy rằng, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện khá tốt chương trình này. Qua 2 năm thực hiện (2005-2006), ngân sách trung ương đã hỗ trợ tỉnh 13 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Đến nay, tại 13 xã bãi ngang ven biển đã có 25 công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, kè chắn sóng, trường học… được xây dựng hoàn chỉnh, bàn giao đưa vào sử dụng. Nhờ đó, bộ mặt các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển đã có bước khởi sắc, người dân có điều kiện phát triển sản xuất, công tác xóa đói, giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả…
Một điều đáng ghi nhận trong quá trình triển khai thực hiện QĐ 257 ở Bình Định là góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương thông qua việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Với phương châm: “Xã có công trình, dân có việc làm và tăng thu nhập”, tại các xã bãi ngang ven biển, các dự án đã thu hút rất đông lao động địa phương trong quá trình vận chuyển vật liệu, vật tư xây dựng, tham gia lao động, đào, đắp, san nền… Việc tham gia ngày công lao động đã góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Mặt khác, việc người dân tham gia công trình, còn góp phần tăng cường việc kiểm tra giám sát của người dân ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng công trình, gắn bó tình cảm, trách nhiệm của người dân với công trình…
* Theo ông, việc đầu tư cơ sở hạ tầng các xã bãi ngang ven biển ở Bình Định có vấn đề gì cần phải rút kinh nghiệm?
- Chúng tôi thấy rằng tại 13 xã bãi ngang ven biển được hỗ trợ đầu tư, mới chỉ có 5 xã là do địa phương làm chủ đầu tư, còn lại đều do UBND huyện làm kiêm nhiệm. Theo quy định của Chính phủ, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng các xã bãi ngang ven biển phải do địa phương làm chủ đầu tư và có sự tham gia giám sát của người dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế là do năng lực quản lý của một số xã còn hạn chế nên cấp huyện phải làm thay. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh có biện pháp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ xã để tiến hành quản lý nguồn vốn và tổ chức thực hiện, giám sát được tốt hơn. Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, phải có sự tham gia giám sát của người dân địa phương, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, đảm bảo các công trình được đầu tư xây dựng phải gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh tình trạng đầu tư không hiệu quả, chất lượng kém.
* Tỉnh Bình Định vừa kiến nghị bổ sung thêm 7 xã ven biển đặc biệt khó khăn vào diện được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Theo đề nghị của tỉnh Bình Định, Chính phủ cần bổ sung thêm 7 xã mới vào diện các xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn được hỗ trợ đầu tư từ năm 2007 gồm các xã: Hoài Hải (Hoài Nhơn); Mỹ Cát, Mỹ Lợi (Phù Mỹ), Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận (Tuy Phước). Qua thực tế tìm hiểu tại các xã này, chúng tôi nhận thấy rằng, điều kiện cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân ở đây còn nhiều khó khăn. Quan điểm của chúng tôi là rất ủng hộ các xã này được đưa vào diện hỗ trợ của Chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng, để có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Sau chuyến công tác này, chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các Bộ liên quan, và sẽ báo cáo chính thức với Thủ tướng Chính phủ để có quyết định bổ sung trong năm 2007.
* Xin cảm ơn ông!
Tỉnh Bình Định có 13 xã bãi ngang ven biển được Trung ương hỗ trợ đầu tư, gồm xã Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu (TP. Quy Nhơn); Cát Chánh, Cát Thành, Cát Tiến, Cát Minh, Cát Khánh (Phù Cát); Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ An (Phù Mỹ).
Trong 2 năm (2005 - 2006), 13 xã bãi ngang đặc biệt khó khăn ven biển của tỉnh Bình Định đã được Trung ương hỗ trợ 13 tỉ đồng cùng với ngân sách địa phương và đóng góp của nhân dân đầu tư xây dựng 25 công trình, gồm: nâng cấp, làm mới 11km đường giao thông nông thôn, 1.000 m2 phòng học, 370 m kè chắn sóng, nạo vét 1km sông, bê tông 0,8km kênh mương nội đồng, tu sửa 1 hồ chứa nước, 1 công trình cung cấp nước sạch, xây dựng mới 424 m2 chợ…
Theo kế hoạch năm 2007, 13 xã bãi ngang ven biển sẽ được tiếp tục hỗ trợ để xây dựng mới 16 công trình với tổng vốn đầu tư gần 8 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 6,5 tỉ đồng, còn lại do ngân sách địa phương và nhân dân tự đóng góp. | |