Nên mổ xẻ nền giáo dục của chúng ta
13:58', 22/9/ 2006 (GMT+7)

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đưa ra một lời cảnh báo - đồng thời là một gợi ý rất hay về việc chúng ta cần phải xem xét lại một cách toàn diện và cụ thể về việc, sự phát triển của đất nước hiện nay liệu có thể đã, đang và, nhất là sẽ, đưa đến những bi kịch nào(?) (Lao Động, 18.9.2006). Từ cảnh báo này, chúng tôi xin trình bày một số suy nghĩ của mình.

 

Nếu sinh viên mà học bằng cách nghe giảng - đọc - chép thì làm sao biến nghĩa hai từ "sinh viên" thành ba từ "người tự học"(student). Trong ảnh: Sinh viên ĐHQN đang làm việc tại Thư viện điện tử. Ảnh: Nguyễn Phúc

 

1.

Cách đây hơn 20 năm, khi chưa đổi mới, thế hệ chúng tôi dẫu trong bụng chỉ có bo bo vẫn đèn sách miệt mài. Không ai nghĩ đến tiền, chỉ nghĩ làm sao đỡ đói để có thể đọc hết những trang sách cần đọc, làm trọn bổn phận của kẻ sĩ giữa đời. Biết trăm nói một là nghiệp của thầy, đọc cả ngàn trang sách nhưng thi cử chỉ đạt điểm của kiến thức từ vài ba trang là phận của trò. Không ai phàn nàn, ai cũng cố gắng vì một "lý tưởng" - nếu có, hẳn ở chỗ xa xôi nào đó mà những tính toan thực dụng sẽ trở thành "trò chơi" của những nỗi bực mình.

Đôi khi tôi tự hỏi rằng vì sao thế hệ trẻ bây giờ, hỏi tên 10 cuốn sách, cả lớp chưa chắc đã biết đủ một? Câu trả lời không có trong tự điển và càng không hề có ở bất kỳ ngõ ngách sáng sủa nào. Học để kiếm một mảnh bằng, một chiếc cần câu cơm khả dĩ. Thật là buồn khi tóm tắt sự học chỉ bằng một từ: kiếm!

Chúng ta đặt ra biết bao những mê từ: nào là đất nước phát triển cần phải chuẩn hoá; tài năng được xét theo bằng cấp cho dẫu bản chất của công quyền là "mù mờ" về thẩm định thực chất; nào là, thước đo của tài năng nhất thiết phải là những học hàm, học vị… Đơn cử một ví dụ, Ngoại trưởng Mỹ C. Rice dẫu đã là tiến sĩ từ năm 22 tuổi (tiến sĩ xịn, giảng viên đại học xịn đấy nhé), đầy tài năng trong khi Tổng thống Bush vẫn chỉ là cử nhân sử học. Đấy là chuyện bình thường. Như vậy điều cần thấy là năng lực làm việc được đặt vào môi trường cụ thể  nào đó mới là chuyện đáng bàn.

Chúng ta muốn đốt cháy giai đoạn, tiến vượt thời gian, sánh vai các cường quốc bằng những tấm bằng bằng giấy; bất kể giá trị sử dụng của chúng như thế nào. Đó thực sự là nghịch lý của phát triển. Chất xám vốn không dễ đong, đếm, đo, lường; nhưng bằng cấp thì có thể. Chính vì vậy mới thống kê được đất nước ta đang có chừng 30% (hoặc hơn) tiến sĩ giấy. Đó là một thực trạng đau lòng. Và chính từ số trí giả, thức giả này chất lượng của hàng loạt học sinh, sinh viên sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hệ lụy là một bộ phận của thế hệ kế tiếp sẽ bị biến dị.

Nếu bạn đã là cử nhân, xin hãy xuống dự giờ một lớp cao học để biết người ta dạy những gì? Bảo đảm 90% là những điều đang dạy đã có từ thuở học viên là sinh viên! Rất ít hy vọng được nghe những kiến thức cập nhật, những vấn đề tiên tiến, những phát kiến mới. Anh sẽ ngờ ngợ rằng - dường như điều này ta đã nghe ở 4 năm sinh viên, giờ sao không thấy gì tươi mới. Cái "đỉnh" của sự học nhiêu khê và bộn bề nghĩ suy như thế, thử hỏi, làm sao căn nhà vốn dĩ cần đến sự trong sáng của giáo dục không nát, không hư? 

2.

Chúng ta yêu nước, yêu chế độ mà mình đang sống là yêu cuộc sống, tôn trọng nhân cách, lẽ làm người, trí tuệ hiểu và trả lời được tiếng gọi của trái tim ta.

Có một thực tế, chủ nghĩa Mác - Lê Nin, với bản chất tốt đẹp nhưng hơi khó hiểu của nó cần đến những thuyết trình viên tài giỏi. Vậy mà, chương trình vừa nặng, vừa trùng lặp; cộng thêm những giáo viên kém tài, cạn hiểu; đã biến môn học này thành một sự đe doạ của thầy, đối phó của trò. Hiệu quả là gì một khi chúng ta đào tạo ra những lớp người kế tục, gánh vác sự nghiệp của giống nòi nhưng họ không hiểu những điều họ nói; thậm chí, làm méo mó chủ nghĩa Mác - Lê Nin để rồi có khi chính họ cũng không tin những điều họ giảng? Đại học mà chỉ có đọc rồi chép thì làm sao biến nghĩa hai từ "sinh viên" thành ba từ "người tự học"(student)?

Nền giáo dục sẽ toả sáng nếu mọi người biết cách để cống hiến hết sức mình, biết hiểu rằng môn toán hay hoá học đều có giá trị như nhau trong cõi sống của cuộc đời. Việc học hiểu chính trị giản dị hơn rất nhiều: Đó là cách cống hiến tốt nhất theo khả năng của mỗi con người, trong một xã hội đáng mơ ước là xã hội XHCN. Sinh viên tốt nghiệp không đủ kiến thức chuyên môn, đó là một thực tế đáng lo âu.

3.

Sự thách thức của cái xấu, cái tha hoá, dường như không buông, trừ một ai. Sự bao che, lấp liếm những khuất tất trong ngành giáo dục thời nay chẳng khác gì nạn tham nhũng.

Bi kịch của vấn đề nằm ở chính câu trả lời. Làm sao có thể "thay máu" - tức là thay bằng cho hàng ngàn bằng cấp dởm? Làm sao tránh được cảnh đưa một người thuộc hàng ngũ "dậu sắp đổ" về để răn đe những cái tốt mon men đến chỗ "bìm leo"? Quả là một bài toán khó nhưng không phải không làm được. Tại sao không mạnh dạn "thay máu", để cho thế hệ trẻ đảm đương trách nhiệm mới? Có thể những con người trẻ tuổi đó lúc đầu làm chưa tốt nhưng dần dần họ sẽ làm tốt hơn hôm qua.

Nói không với thành tích ảo không chỉ là căn bệnh của nền giáo dục. Có biết bao công trình khánh thành cho kịp một ngày lễ nào đó, bất kể chất lượng ra sao? Điều tra sơ bộ, nói, người dân rất hài lòng với bộ máy nhưng trên đường phố, gương mặt của người dân đang nói điều ngược lại. Nói không với đọc chép cũng vậy. Bao nhiêu cảnh sát, kiểm sát viên am hiểu luật pháp? Bao nhiêu giáo viên khoa Luật ở các trường đại học không đọc là chủ yếu khi "giảng" bài? Nói không với tiêu cực càng khó hơn nữa khi đồng tiền không chỉ "nối liền khúc ruột" mà nó còn nối kết biết bao hệ luỵ…

Những mặt trái của sự phát triển hiện nay là một chuyện dài có lắm những chương, hồi. Dẫu sao, chúng ta cũng nên cố thử một lần mổ xẻ nó. Phát triển cần phải có nhân tài. Nền giáo dục như thế làm sao phát triển? Nếu không thay đổi, trong tương lai nhìn thấy được, bi kịch lớn nhất của đất nước chính là hậu quả từ sự bất cập của nền giáo dục.

Hàng trăm năm trước, trong Chiếu Cầu Hiền, để đảm bảo tất cả những ý kiến trái ngược nhau đều có cơ hội được nói ra, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ viết: "Lời không dùng được thì để đấy chứ không bắt tội vu khoát". Ý kiến không dùng được thì không dùng, dẫu có không êm tai hoàng đế thì hoàng đế cũng để đấy chứ không khép tội.

Có lẽ nào chúng ta lại không dám làm như người của trăm năm trước.

  • Hà Văn Thịnh (Đại học Khoa học Huế)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một học sinh Bình Định đoạt giải Nhì  (21/09/2006)
"Sau vụ kỷ luật ở khoa Sản, chúng tôi đã chấn chỉnh triệt để…"  (21/09/2006)
Hàng trăm hộ dân ở đường 3/2 tự giác tháo dỡ lều quán  (21/09/2006)
Đoàn Tuy Phước đoạt giải nhất  (20/09/2006)
TP. Quy Nhơn: Triển khai lát vỉa hè bằng gạch block trên 10 tuyến đường chính  (20/09/2006)
Tổ chức lớp tập huấn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  (20/09/2006)
Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh được tổ chức vào trung tuần tháng 10-2006  (19/09/2006)
Trường CĐSP Bình Định xét tuyển 320 chỉ tiêu vào nguyện vọng 3  (19/09/2006)
Tăng cường hỗ trợ các xã bãi ngang ven biển  (19/09/2006)
Lỗi hệ thống của nền giáo dục  (19/09/2006)
Tuyển thẳng những người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, người tốt nghiệp loại giỏi…  (19/09/2006)
Cấp cứu thành công trường hợp đa chấn thương  (19/09/2006)
1.750 hộ có nhu cầu vay vốn xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường  (19/09/2006)
Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng  (19/09/2006)
Mở rộng đường bê tông Hưng Lương - Xương Lý  (18/09/2006)