Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà:
Hợp tác New Zealand - Bình Định đã nâng lên một tầm cao mới
7:32', 25/9/ 2006 (GMT+7)

Nhận lời mời của Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, Đoàn cấp cao tỉnh Bình Định do ông Vũ Hoàng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, đã đi thăm và làm việc tại New Zealand từ ngày 11 đến ngày 18-9. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn Chủ tịch Vũ Hoàng Hà về kết quả của chuyến đi này.

 

Ông Vũ Hoàng Hà (trái) tiếp xúc với ông Arvind Nagpal - Chủ tịch Tập đoàn Blue Tangerine, tập đoàn môi giới xúc tiến Đầu tư và Thương mại của New Zealand. Ảnh: Tự Lực

 

* Thưa Chủ tịch, xin ông cho biết mục đích và kết quả chuyến thăm và làm việc tại New Zealand của Đoàn cấp cao Bình Định?

- Đoàn cấp cao tỉnh Bình Định đi New Zealand lần này với mục đích: Tiếp tục đàm phán dự án bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em giai đoạn 1, và đề nghị bạn tiếp tục giúp chúng ta thực hiện giai đoạn 2. Thăm và làm việc với cơ quan đứng đầu tổ chức tình nguyện VSA và Tổ chức Ủy thác y tế Việt Nam - Tân Tây Lan. Qua đàm phán, hai bên thống nhất đánh giá cao kết quả thực hiện của dự án chăm sóc, bảo vệ bà mẹ, trẻ em trong 2 năm qua. Đây là dự án viện trợ (trị giá 3 triệu USD) của Chính phủ New Zealand giúp tỉnh Bình Định, thông qua Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế New Zealand. Phía bạn cho biết đây là dự án viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của Chính phủ New Zealand dành cho các nước.

Theo kế hoạch, dự án này bắt đầu thực hiện từ tháng 3-2004 và sẽ kết thúc vào tháng 12-2007. Nhưng từ thực tế đối tượng hưởng lợi từ dự án và kinh phí của dự án còn nhiều, nên chúng ta đề nghị bạn kéo dài dự án thêm 1 năm và bạn đã vui vẻ đồng ý. Ở giai đoạn 1, trong quá trình thực hiện dự án đã nảy sinh một số vấn đề mà hai bên cần quan tâm tháo gỡ. Đó là các đối tượng hưởng lợi thuộc khu vực miền núi và các xã bãi ngang nhưng do cán bộ cơ sở năng lực chuyên môn còn yếu, tập quán sản xuất và sinh hoạt còn lạc hậu nên tác động của dự án còn hạn chế. Mặt khác, theo xu thế phát triển với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đô thị hóa nhanh, kéo theo sự di dân cơ học tập trung đến các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, nên nguy cơ thay đổi về nhận thức và hành vi trên lĩnh vực HIV và AIDS sẽ phát sinh cao nếu không có tác động ngay từ đầu của dự án. Do đó, cũng theo đề nghị của chúng ta, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế New Zealand đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện của giai đoạn 1 và tiếp tục đàm phán triển khai giai đoạn 2 của dự án (các năm 2009-2011).

Khi đến thăm và làm việc tại cơ quan đứng đầu tổ chức VSA, chúng ta đã nhận được sự cam kết từ phía bạn rằng tổ chức này sẽ tiếp tục giúp đỡ chúng ta từ viện trợ không hoàn lại trên các lĩnh vực giáo dục, phát triển nông thôn... Làm việc với Tổ chức Ủy thác y tế Việt Nam - Tân Tây Lan, chúng ta cũng nhận được sự cam kết sẽ hỗ trợ thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Tóm lại, các cuộc đàm phán đã đạt được mục đích, yêu cầu.

* Kết quả của công tác xúc tiến đầu tư tại New Zealand thì như thế nào, thưa Chủ tịch?

- Ngay sau khi đặt chân đến nước bạn, chúng tôi có đến chào Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại New Zealand. Chúng tôi đã giới thiệu với Đại sứ về tổng quan của tỉnh Bình Định và Khu kinh tế Nhơn Hội, đề nghị cơ quan Đại sứ quán giúp kết nối chúng ta với các nhà đầu tư của bạn. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của chúng ta đã đồng ý và cho rằng đó là trách nhiệm của cơ quan đại sứ.

New Zealand nằm ở Nam bán cầu, là quốc gia lớn thứ 2 của châu Đại Dương. Diện tích: 268.680 km2. Dân số: trên 4 triệu người. GDP bình quân đầu người: 25.200 USD. Cơ cấu nền kinh tế: nông nghiệp 4,3%, công nghiệp: 27,3%, dịch vụ 68,4%. New Zealand là quốc gia phát triển, các nhà đầu tư của quốc gia này đang muốn đầu tư vào châu Á, cụ thể là Việt Nam.

New Zealand là một quốc gia phát triển, các nhà đầu tư của bạn đang tập trung đầu tư ra bên ngoài. Tuy nhiên, do khoảng cách về địa lý (cách Việt Nam 5 múi giờ) nên họ ít có thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam. Trong thời gian ở nước bạn, đoàn được tham dự một hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại giữa các cơ quan đại sứ và tham tán thương mại của các nước ASEAN với các nhà đầu tư New Zealand. Tại đây, chúng ta được tiếp xúc với rất nhiều quan chức cao cấp và các nhà đầu tư của bạn. Sau hội nghị này, rất nhiều nhà đầu tư lớn của bạn đã chủ động tìm đến với chúng ta, chúng ta đã trực tiếp đàm phán với các nhà đầu tư đang quan tâm đến Bình Định. Trong đó có tập đoàn Zedex Minerals, một tập đoàn khoáng sản lớn của bạn. Tập đoàn này đã đăng ký đầu tư khảo sát và khai thác mỏ vàng Tiên Thuận (Tây Sơn). Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản ủy  quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác đầu tư. Ngay trong khi chúng tôi còn ở New Zealand, tập đoàn này đã cử một đoàn sang Bình Định khảo sát và đàm phán với đối tác Việt Nam (Công ty Bidiphar) để chuẩn bị ra đời liên doanh này. Tập đoàn này đã quyết định đầu tư 10 triệu USD cho việc khảo sát, thăm dò. Nếu công tác khảo sát, thăm dò không đạt kết quả, thì tập đoàn này chấp nhận mất số tiền này mà phía đối tác Việt Nam không ảnh hưởng gì cả. Ngoài số tiền trên, tập đoàn này đã quyết định đầu tư cho giai đoạn 1 là 15 triệu USD để phục vụ khai thác và chế biến. Sau đó, qua thời gian số tiền đầu tư sẽ được nâng dần lên từ 50 đến 100 triệu USD.

Tại đây, chúng ta cũng đã làm việc với một tập đoàn chuyên môi giới về đầu tư và thương mại uy tín của bạn, họ ghi nhận lời đề nghị của chúng ta và cam kết sẽ sang Bình Định vào trước hoặc sau mùa Noel năm nay để tìm hiểu về thị trường và cơ hội đầu tư tại đây. Chúng ta cũng đến thăm một đối tác sản xuất và kinh doanh nhôm cao cấp, đàm phán với một tập đoàn chế biến gỗ (đã đầu tư rất thành công ở Bình Dương về sản phẩm gỗ trong nhà). Cả 2 tập đoàn này đều mong muốn được đầu tư vào Bình Định. Chúng tôi cũng đã đến thăm một viện nghiên cứu nông nghiệp. Theo đề nghị của chúng tôi, viện đã đồng ý sẽ cử các chuyên gia sang Bình Định giúp chúng ta về giống cây dứa và kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến dứa.

* Với những kết quả đó, theo đánh giá của Chủ tịch, chuyến đi này có ý nghĩa như thế nào?

- Chúng ta đã đạt được yêu cầu đặt ra trước khi đi là không những đạt được các thỏa thuận hợp tác mới về mặt kinh tế và xã hội, mà còn tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa 2 nhà nước và nhân dân 2 nước. Đặc biệt là mối quan hệ rất tốt đẹp từ lâu mà các bạn New Zealand dành cho nhân dân Bình Định. Bất cứ nơi nào mà chúng tôi đến, dù là các quan chức cao cấp, hay các nhà đầu tư và người dân bình thường, chúng tôi đều được đón tiếp với tình cảm chân thành, đầy thiện chí hợp tác. Điều đó khẳng định rằng, mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên đã được nâng lên một tầm cao mới, đầy triển vọng.

* Xin cám ơn Chủ tịch!

  • Cát Hùng (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cứu hộ một tàu đánh cá gặp nạn trên biển   (24/09/2006)
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão  (24/09/2006)
Sẽ thành lập Hiệp hội sản xuất rượu Bầu Đá Bình Định  (24/09/2006)
180 triệu đồng tiền vốn, lãi được 194 triệu đồng  (24/09/2006)
Áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn   (23/09/2006)
Bình Định: Vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay   (23/09/2006)
Thăm và tặng quà cho các chiến sĩ ở đảo Nhơn Châu  (22/09/2006)
Nên mổ xẻ nền giáo dục của chúng ta  (22/09/2006)
Một học sinh Bình Định đoạt giải Nhì  (21/09/2006)
"Sau vụ kỷ luật ở khoa Sản, chúng tôi đã chấn chỉnh triệt để…"  (21/09/2006)
Hàng trăm hộ dân ở đường 3/2 tự giác tháo dỡ lều quán  (21/09/2006)
Đoàn Tuy Phước đoạt giải nhất  (20/09/2006)
TP. Quy Nhơn: Triển khai lát vỉa hè bằng gạch block trên 10 tuyến đường chính  (20/09/2006)
Tổ chức lớp tập huấn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở  (20/09/2006)
Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh được tổ chức vào trung tuần tháng 10-2006  (19/09/2006)