Chúng ta phải trung thực
15:49', 25/9/ 2006 (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân

Trả lời phỏng vấn của VNExpress, về vụ tiêu cực ở ngay tại văn phòng Bộ GDĐT, Bộ truởng Nguyễn Thiện Nhân nói rằng, Nó cũng bình thường thôi. Vì trình độ chung yếu kém nên nó bộc lộ khắp nơi. Tối 21.9.2006, khi giao lưu với SV Đại học Huế tại Nhà Văn hoá Trung tâm Huế, Bộ trưởng còn nhấn mạnh rằng cải cách giáo dục là việc phải làm nhưng đặc thù của nền giáo dục là không thể dừng sự nghiệp đào tạo để bàn về lý luận.

Cái đáng bàn đầu tiên ở đây là cách hiểu vấn đề. Chỉ mới nghe câu thứ nhất, chúng ta buộc phải rùng mình trước sự thật tàn nhẫn và lạnh lùng của thực tại. Tiêu cực đã trở nên bình thường; có nghĩa là dối trá trong học tập, thi cử đã trở thành căn bệnh nan y và phổ biến trong xã hội.

Nhưng ở câu tiếp theo, Bộ trưởng đã cho thấy cách nhìn thẳng thắn trước thực tế đau lòng ấy. Quan trọng hơn nữa là dường như ta đã biết được nguyên do ở đâu: Sự yếu kém của toàn bộ hệ thống giáo dục, từ A cho tới Z(!) Vấn đề còn lại là, một khi tiêu cực có ở khắp nơi nơi thì làm sao để chống, làm sao để thay đổi?

Sự kiện "tiêu cực thi cử ngay sát vách phòng làm việc của Bộ trưởng” nhìn qua thì chỉ là một chuyện nhỏ - quả thật nó cũng chỉ là một vụ tiêu cực bình thường. Thế nhưng, vị trí bất bình thường của nó lại cực kỳ nghiêm trọng. Dư luận cảm thấy đang có cả một sự “tuyên chiến” với Bộ trưởng từ một guồng máy có nhiều bộ phận hư hỏng và chai lỳ trước mọi chuyển biến tích cực. Sự thách thức nằm ngay từ trên nóc của một ngôi nhà mà chúng ta đang cố tu sửa cho đàng hoàng. Nếu không kiên quyết, lòng dân sẽ không yên vì biết rõ không chỉ có một bà Bình ấy tiêu cực!

Lòng dân cũng lo lắng rằng nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ về nhân sự, một mình Bộ trưởng làm sao đẩy được cả một đoàn tàu chứa đựng nhiều dối trá đã chạy đều đặn trong nhiều năm, đủ sức leo ngược lên cái dốc khó nhất của cuộc đời, có rất nhiều khúc khuỷu, gập ghềnh là cái dốc hướng đến đỉnh cao của khoa học? Khoa học không chấp nhận sự dối trá. Giáo dục sẽ không còn là giáo dục nữa khi khắp nơi đều bộc lộ những mảng tối đen đúa, lỳ lợm. Làm sao có thể làm ra những sản phẩm mới với chính những con người cũ, cách thức cũ, ràng buộc cũ?

Chưa nói đến việc bà Bình có tham gia tiêu cực hay không (điều này đang được làm rõ). Chỉ riêng với việc tiêu cực xảy ra ngay tại nơi làm việc của bà, và người dính dáng trực tiếp với tiêu cực là em của bà thì nếu là một công chức tự trọng, hẳn bà Bình phải biết nhận trách nhiệm và từ chức là một lối thoát, ra đi trong danh dự. Lối thoát này phổ biến trên thế giới nhưng ở ta nó chưa phổ biến lắm. Chức vụ của bà Đào Thị Bình không nhỏ, vị trí mà bà ta đang nắm giữ không thấp. Điều đó cho thấy “giặc” không chỉ ngồi sau lưng mà còn ngồi sát, ngồi ngay ở những vị trí quan trọng nhất. Đã đến lúc phải nghĩ rằng tất cả những tiêu cực hiện nay trong nền giáo dục phải có những người nhất thiết phải chịu trách nhiệm.

Nhưng cái khó của cuộc cách mạng trong sự nghiệp giáo dục không chỉ vướng một vật cản tầm trưởng phòng một bộ. Nó còn lớn hơn nữa kia. Có thể nói cựu bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã hạ cánh an toàn sau quá nhiều sự cố, tai tiếng trong cái ngành mà ông lãnh đạo. Tuy vậy, ông vẫn còn muốn vớt vát chút ít lợi lộc. Đó chính là một trong những nguyên nhân tạo nên tiêu cực khắp nơi của nền giáo dục hiện nay. Khoản tiền “học bổng” đó đối với nhà nước cũng không lớn, nhưng cách để mưu hưởng của ông làm cho lòng dân sửng sốt và đau đớn (!).

Không phải tự nhiên mà đích thân Thủ tưởng Chính phủ ra lệnh thu hồi khoản chi ngân sách ấy. Không phải Thủ tướng ắt sự việc sẽ nhiều khê lắm, không gì thì người ta cũng chỉ vừa xuống ghế thôi mà, hẳn nhiều người sẽ nói thế.

Theo Tuổi Trẻ, cuộc họp căng thẳng kéo dài bốn giờ tại văn phòng Bộ GD-ĐT vào chiều 20-9 bàn về việc xử lý vụ tiêu cực thi cử ngay sát vách phòng bộ trưởng vẫn chưa đi đến đâu. Lại thêm một lần hoãn và phải đợi đến 29-9 mới có kết luận chính thức.

Điều ấy cho thấy sức ì của tiêu cực lớn lắm. Không thể chỉ nói không với tiêu cực là “có” lập tức biến thành “không”. Không thể có chuyện cả một bộ máy cũ chỉ cần thay một người là tất cả sẽ lại đều tốt đẹp. Chúng ta đồng ý với Bộ trưởng là không thể dừng việc đào tạo để bàn cãi mơ hồ về cách này, cách nọ. Nhưng cũng xin lưu ý rằng, nếu chúng ta không trung thực trong cách đối xử với tất cả những dối trá trong bộ máy điều hành và thực thi giáo dục, thì thành công của cuộc “cách mạng ba không”, tuy mới khởi xướng nhưng có lẽ đã "đến đích"…

  • Hà Văn Thịnh (Đại học Khoa học Huế)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rút ngắn thời gian giải quyết hộ khẩu, chứng minh nhân dân  (25/09/2006)
Báo Thanh Niên xây nhà cho 5 anh em mồ côi ở phường Ghềnh Ráng  (25/09/2006)
Hội nghị hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường các tỉnh MT-TN  (25/09/2006)
Hợp tác New Zealand - Bình Định đã nâng lên một tầm cao mới  (25/09/2006)
Cứu hộ một tàu đánh cá gặp nạn trên biển   (24/09/2006)
Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão  (24/09/2006)
Sẽ thành lập Hiệp hội sản xuất rượu Bầu Đá Bình Định  (24/09/2006)
180 triệu đồng tiền vốn, lãi được 194 triệu đồng  (24/09/2006)
Áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn   (23/09/2006)
Bình Định: Vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay   (23/09/2006)
Thăm và tặng quà cho các chiến sĩ ở đảo Nhơn Châu  (22/09/2006)
Nên mổ xẻ nền giáo dục của chúng ta  (22/09/2006)
Một học sinh Bình Định đoạt giải Nhì  (21/09/2006)
"Sau vụ kỷ luật ở khoa Sản, chúng tôi đã chấn chỉnh triệt để…"  (21/09/2006)
Hàng trăm hộ dân ở đường 3/2 tự giác tháo dỡ lều quán  (21/09/2006)