Một trong những cách làm mới nhưng đem lại hiệu quả thiết thực của những chuyến trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động về các vùng đồng bào dân tộc Ba na, Hrê thuộc các xã miền núi trong tỉnh: TGPL trên rẫy !
|
Nhóm cộng tác viên TGPL đang TGPL miễn phí trên rẫy. Ảnh: H.Huyện
|
Đang những ngày mùa, nên khi chúng tôi - một nhóm cộng tác viên TGPL của Đoàn TGPL lưu động về tận thôn 3, An Hưng (An Lão), không gặp một bóng người. Ông Đinh Văn Quát, già làng phân trần: “Thôn mình có 40 hộ, nhưng ban ngày bà con lên rẫy hết, chỉ có ban đêm mới tập hợp dân được…”. Thế là, chúng tôi phải cùng với già làng lên rẫy.
Len lỏi qua từng con dốc chênh vênh giữa những sườn núi chúng tôi đến tận nhà rẫy, nhà ruộng của bà con, mà nhiều cái rẫy, cái ruộng cách làng đến vài ba quả đồi, năm - bảy “khâu rựa”. Khi qua suối, những cộng tác viên phải dìu nhau, anh em còn “cõng” theo cả bao tài liệu tuyên truyền các quy định pháp luật, sổ thực hiện TGPL và một số hành lý… đủ cho một ngày thực hiện TGPL lưu động tại các rẫy của bà con dân tộc Hrê ở đây. Đến được rẫy của bà con, các cộng tác viên TGPL đều ướt đẫm mồ hôi và đều thấm mệt. Luật sư Lê Hoài Sơn, cộng tác viên TGPL - người lớn tuổi nhất trong đoàn - nhiều lúc phải ngồi trên rẫy để tư vấn pháp luật cho bà con giữa cái nắng chang chang, oi bức của mùa hè.
Nhớ lại, trong lần thực hiện TGPL lưu động đến làng K2, Vĩnh Sơn, mỗi cộng tác viên TGPL phải ra đến từng rẫy của bà con để tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, thực hiện TGPL cho họ. Theo chân già làng Bá Viên, chúng tôi lên rẫy của Bok Hay, tại đây Bok Hay cho biết gia đình mình có 5 người con, chưa đứa nào có giấy khai sinh. Chúng tôi hỏi sao Bok Hay không làm giấy khai sinh cho các con? Bok Hay trả lời: “Từ nhỏ đến giờ sống với cái nương, cái rẫy chứ ai biết cái giấy khai sinh là gì”. Khi hỏi ngày sinh tháng đẻ từng đứa con- Bok Hay thản nhiên: “Mình không nhớ ? Chỉ nhớ thằng Ba Ka, O Nương... sinh ra tại cái rẫy này thôi!”. Chúng tôi phải ra sức “đả thông” cho Bok Hay nhận ra giá trị pháp lý của giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Bok Hay mới lưỡng lự hiểu ra. Đêm đó về bên ché rượu cần, mọi người ngồi quanh bếp lửa, củ khoai chia đôi, miếng thịt xẻ nửa, anh em cộng tác viên TGPL cùng thức với bà con để cùng nghe những câu hát, giọng ca của trai gái trong làng thật dân dã nhưng chứa chan bao thân tình… Đây cũng là dịp để dân làng bộc bạch được tâm tư, những khó khăn, và yêu cầu Nhà nước cần đem nhiều cái luật về cho dân làng mình. Nhiều già làng tâm sự: “Nếu dân làng mình hiểu luật, thì họ không còn phá cái rừng làm rẫy, không còn bắt những con vật quý hiếm giết thịt, không du canh du cư…”.
Mặc dù không thống kê được bao nhiêu lần lên rẫy giúp đỡ pháp lý cho bà con dân tộc Ba na, Hrê... nhưng chúng tôi xác định việc TGPL trên rẫy mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Già làng Đinh Văn Vân, 71 tuổi, ở thôn 1, An Hưng (An Lão) có nhận xét: “Đoàn TGPL mỗi khi về làng, bà con trong thôn ai cũng quý mến vì các anh cộng tác viên rất nhiệt tình, gần gũi với bà con, giúp cho bà con “thông cái luật” của Nhà nước”. Nhận xét này của già làng Đinh Văn Vân cũng là tình cảm của dân làng, còn đối với các cộng tác viên, sau mỗi chuyến đi chắc sẽ còn đọng mãi những kỷ niệm khó quên về con người và sự nhọc nhằn của những mảnh đất đầy truyền thống đấu tranh cách mạng ở những vùng miền núi tỉnh Bình Định.
|