Tại sao bệnh nhân phải tự mua nẹp vít điều trị gãy xương ?
14:34', 27/9/ 2006 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT đến điều trị gãy xương tại BVĐK tỉnh Bình Định và Trung tâm chỉnh hình - phục hồi chức năng (PHCN) Quy Nhơn phản ảnh tình trạng bị nhân viên y tế bắt phải mua đinh nẹp vít bên ngoài để điều trị gãy xương. Đặc biệt có dấu hiệu nhân viên y tế tự bán hoặc thông đồng với cơ sở bên ngoài để bán đinh nẹp vít cho bệnh nhân?

 

Khi nhân viên y tế mưu lợi và tư lợi từ việc điều trị bệnh nhân thì lòng tin của nhân dân vào hệ thống y tế nhà nước sẽ sút giảm nghiêm trọng. Bởi thế những nghi vấn chỉ từ những chiếc đinh vít nhỏ kể trên cần được giải thích rõ ràng. (ảnh kèm bài chỉ có tính minh họa). Ảnh: B.P

 

Phản ảnh của bệnh nhân

Một nhóm người (giấu tên) có thân nhân đang điều trị gãy xương tại Trung tâm chỉnh hình - PHCN Quy Nhơn trình bày, họ là những người thuộc diện BHYT được giới thiệu đến Trung tâm để làm phẫu thuật kết hợp xương, nhưng họ được gợi ý là phải nhờ y tá mua nẹp, vít với giá từ 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng để điều trị cho bệnh nhân. Nhiều đến thế nhưng không có một chứng từ, hóa đơn nào để thanh toán. Khi được hỏi thì họ bảo là nhà thuốc không có hóa đơn. Hỏi mua ở đâu thì họ không trả lời.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là khi bệnh nhân lành vết thương đến tháo nẹp vít ra, nhân viên y tế lấy luôn nẹp vít đó, không trả lại cho người bệnh. Nếu ai hỏi gắt quá thì bệnh viện hoàn lại một  nửa số tiền đã mua nẹp vít. Kết luận lá đơn ghi rõ: đây là một việc làm khuất tất gây nhiều bất bình cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân được hưởng quyền lợi BHYT.

Nhân viên y tế trục lợi bệnh nhân

Tại BVĐK tỉnh, có một hiện tượng kỳ lạ, đã tồn tại nhiều năm nay là tình trạng bệnh nhân điều trị kết hợp xương đều phải mua đinh nẹp vít ở một hiệu thuốc bên ngoài. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị đã đến cơ quan BHXH xin thanh toán lại số tiền mua đinh nẹp vít ấy.

Đơn cử một vài trường hợp như sau: Bệnh nhân Nguyễn Hoàng Lê  (23 tuổi, sinh viên trường Đại học Quy Nhơn) nhập viện ngày 3-8-2005 ra viện ngày 6-8-2005, chẩn đoán gãy 2  xương cẳng tay T. Bệnh nhân Lê phải mua đinh nẹp vít tại nhà thuốc Hương Giang bên ngoài bệnh viện với giá 800.000đồng.

Bệnh nhân Phương Trần Hảo Ân (17 tuổi, học sinh Trường Quốc Học, TP Quy Nhơn) bị gãy xương cẳng tay cũng được đóng đinh nẹp vít phải mua bên ngoài với giá 800.000đồng. Mới đây, bệnh nhân Phạm Thị Trúc Vy (14 tuổi, học sinh lớp 8 trường THCS Lê Lợi, TP Quy Nhơn) bị gãy cổ xương cánh tay P vào viện ngày 22.8.2006 đến ngày 30.8.2006. Bệnh nhân Vy phải mua đinh nẹp vít với giá 700.000 đồng cũng tại nhà thuốc Hương Giang.

Có dư luận phản ảnh, nhiều trường hợp bệnh nhân vừa mổ gãy xương xong, nhân viên y tế đã đòi đưa ngay 1,2 triệu đồng để trả tiền mua đinh nẹp vít. Có người nhà bệnh nhân (xin giấu tên) kể rằng, trước khi lên bàn mổ, nhân viên y tế bảo ra ngoài mua đinh nẹp vít, người nhà bệnh nhân thấy nhân viên y tế cầm một gói giấy đi ra khỏi phòng trước, khi người nhà bệnh nhân đến hiệu thuốc Hương Giang thì phát hiện nhân viên y tế đó trên đường vào khoa. Hiệu thuốc đã bán cho người nhà bệnh nhân chính gói giấy mà nhân viên y tế cầm ra, trong đó có 2 chiếc đinh và nẹp vít. Hầu hết các bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đến bệnh viện rút đinh nẹp vít đều không thấy bệnh viện trả lại cái nẹp vít cho họ.

Và điều kỳ lạ là tất cả đinh nẹp vít bán cho người bệnh đều được mua tại nhà thuốc Hương Giang ngay trước cổng bệnh viện. Khi người bệnh đòi hóa đơn tài chính thì nhà thuốc bảo rằng họ không kinh doanh mặt hàng này, đây là hàng bán ký gởi, họ đã bán hàng ngàn cái  rồi, làm gì có hóa đơn mà đòi. Nếu ai cố đòi, thì hiệu thuốc cấp cho họ một hóa đơn bằng giấy thông thường.

Dư luận lại cho rằng, hầu hết các loại đinh nẹp vít này đều là của những bệnh nhân đã điều trị trước đó, nhân viên y tế rút ra khi lành bệnh và không trả lại cho bệnh nhân mà đem nhờ hiệu thuốc Hương Giang bán lại bệnh nhân khác.

Một số người nhà có bệnh nhân mổ kết hợp xương tại BVĐK tỉnh đang mang trong mình chiếc đinh nẹp vít, tuy rất bất bình, nhưng họ xin giấu tên khi trình bày sự việc với chúng tôi vì họ cho rằng sợ nhân viên y tế trả đũa khi người thân họ đến rút đinh.

Chúng tôi đã làm việc với Công Ty dược TTB Y tế Bình Định, Lãnh đạo Công ty cho biết, Công ty sẵn sàng cung ứng đầy đủ các loại đinh nẹp vít dùng trong phẫu thuật kết hợp xương cho các cơ sở y tế trong tỉnh theo kế hoạch đấu thầu. Công ty còn  cho biết các cơ sở y tế có đặt mua đinh nẹp vít tại Công ty theo kế hoạch, nhưng hiện nay số lượng được sử dụng rất ít và lượng tồn kho tại Công ty rất lớn. Đồng thời Công ty không nhận bất cứ phàn nàn nào của các bệnh viện về việc Công ty không cung ứng đủ mặt hàng đinh nẹp vít cho bệnh viện.

Điều kỳ lạ nhất là khi chúng tôi làm việc với BHXH tỉnh, cơ quan BHXH tỉnh cho biết, vật tư y tế dùng trong phẫu thuật như đinh nẹp vít và một số vật tư khác theo quy định là bệnh viện phải mua, cung ứng đầy đủ cho bệnh nhân BHYT khi có yêu cầu phẫu thuật, không để bệnh nhân tự mua. Cơ quan BHXH sẽ thanh toán tiền lại cho bệnh viện vào kỳ quyết toán, không được thanh toán trực tiếp tiền mua đinh nẹp vít hay vật tư y tế khác cho người có thẻ BHYT. Và cơ quan BHXH đã nhiều lần yêu cầu các bệnh viện không để bệnh nhân BHYT mua đinh nẹp vít bên ngoài. Vì làm như vậy, sẽ thiệt thòi quyền lợi cho người được BHYT.

Nếu điều này là có thật...

Những năm trước đây, BHXH tỉnh có linh động giải quyết thanh toán trực tiếp cho người bệnh mua đinh nẹp vít, nhưng đòi hỏi phải có hóa đơn tài chính, nên nhiều trường hợp không thanh toán được. Năm 2005, BHXH Việt Nam yêu cầu không được phép thanh toán trực tiếp tiền vật tư y tế cho bệnh nhân BHYT, nên tất cả bệnh nhân điều trị gãy xương mà phải mua nẹp vít bên ngoài đều không được thanh toán lại.

Dư luận đang cần sự can thiệp về hiện tượng bất chính này. Nếu nhân viên y tế tự ý bán đinh nẹp vít cho người bệnh để lấy tiền không thông qua hệ thống thu viện phí của bệnh viện, thông đồng với hiệu thuốc bên ngoài bán đinh nẹp vít cho người bệnh lấy tiền với giá cao đó sẽ là vi phạm có thể phải được khởi tố hình sự.

Nếu nhân viên y tế lấy những chiếc đinh nẹp vít ấy từ bệnh nhân cũ để bán cho bệnh nhân mới qua con đường ký gởi ở hiệu thuốc hay tự mình bán lại cho người bệnh khác để lấy tiền tư túi thì sự vụ sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Tình trạng trên, theo thông tin mà chúng tôi có được đã xảy ra nhiều năm tại BVĐK tỉnh và Trung tâm chỉnh hình - PHCN Quy Nhơn. Một câu hỏi đặt ra, không biết Ban giám đốc hai cơ sở y tế trên có biết việc này hay không? Tại sao lại để tồn tại nhiều năm như vậy? Việc bắt người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài là sai với quy định chuyên môn của Bộ Y tế. Tại sao bệnh viện không tự nhập các loại đinh nẹp vít trên để dùng cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân có BHYT để người bệnh không bị mất quyền lợi cũng như khỏi bị mua với giá cao, hoặc phải mua loại đinh nẹp vít cũ đã dùng rồi.

Rất nhiều nghi vấn chỉ từ những chiếc đinh vít nhỏ kể trên cần được giải thích rõ ràng.

  • Nhật Minh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ xử lý nghiêm nếu CA phường Đống Đa thờ ơ trước kêu cứu của dân  (27/09/2006)
Lên rẫy trợ giúp pháp lý !  (27/09/2006)
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Xuân Dương tiếp xúc cử tri tại phường Nguyễn Văn Cừ và xã Phước Mỹ  (27/09/2006)
Cứu trợ cụ bà 92 tuổi bị mất nhà do hỏa hoạn  (26/09/2006)
Giao quân đợt 2: Tất cả đã sẵn sàng  (26/09/2006)
Trường Đại học Quy Nhơn: Khai giảng năm học 2006-2007  (26/09/2006)
Hội nghị nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng  (26/09/2006)
Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc các tổ chức thành viên MTTQVN  (26/09/2006)
Những kết quả bước đầu  (25/09/2006)
Chúng ta phải trung thực  (25/09/2006)
Rút ngắn thời gian giải quyết hộ khẩu, chứng minh nhân dân  (25/09/2006)
Báo Thanh Niên xây nhà cho 5 anh em mồ côi ở phường Ghềnh Ráng  (25/09/2006)
Hội nghị hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường các tỉnh MT-TN  (25/09/2006)
Hợp tác New Zealand - Bình Định đã nâng lên một tầm cao mới  (25/09/2006)
Cứu hộ một tàu đánh cá gặp nạn trên biển   (24/09/2006)