Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10:
Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền
14:42', 29/9/ 2006 (GMT+7)

Mô hình gia đình hạt nhân hai thế hệ chiếm đa phần trong xã hội ngày nay, bên cạnh đó vẫn có những gia đình 3-4 thế hệ cùng chung sống hạnh phúc. Tuy nhiên, dẫu sống chung hay ở riêng thì người già vẫn luôn là chỗ dựa cho con cái.

 

Các cụ già cô đơn, không nơi nương tựa được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định. Ảnh: Phạm Văn Chai

 

* Nuôi cháu thay con

Gần hai năm nay, bà Nguyễn Thị Hay (ở Bãi Xép, KV1, thành phố Quy Nhơn) vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi 5 đứa cháu ngoại kể từ khi con gái của bà mất, con rể bỏ con của mình tìm duyên mới. Ngoài số tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm, bà Hay phải đốn củi, kiếm cá, đi chợ, nấu cơm cho các cháu. Trước, vợ chồng bà Hay vẫn sống cùng nhau. Kể từ khi con gái mất, chồng của bà đã đến nhà con trai ở, bà Hay ở nhà với các cháu ngoại. Bà tâm sự: “Con gái tui đã vắn số, mình lo được cho các cháu lúc nào hay lúc đó. Cậu, dì chúng có đó nhưng phần vì nghèo, phần chúng còn phải lo cho con của chúng. Tôi là bà, lo cho cháu là đúng hơn cả”.

Có những người già, vì hoàn cảnh đặc biệt “lá xanh rụng trước lá vàng” đã phải thay con nuôi cháu như bà Hay. Nhiều người không ngại tuổi cao, sức yếu gắng làm thêm phụ giúp phần nào cho con cháu và một phần không muốn làm gánh nặng cho con bởi lẽ “chúng còn có con cái”. Hơn 5 năm qua, bốn bà cháu của cụ Trương Thị B., trên  80 tuổi (ở KV 5, phường Đống Đa) rau mắm nuôi nhau. Cháu gái đầu của bà đang học Trường CĐSP Bình Định, cháu trai thứ hai học cấp 3 và cháu út học cấp 2 đều được xếp loại khá, giỏi. Con trai mất vì bệnh, tiếp tới con dâu chết vì sự cố sập tường, để lại cho bà 3 mụn cháu nội. Nhờ họ hàng, các cơ quan đoàn thể, nhà hảo tâm giúp đỡ, cụ B. lần hồi nuôi các cháu qua ngày. Bà tâm sự: “Tiền họ hàng cho, tôi để cho bọn nhỏ học hành. Tiền chợ, tiền ăn sáng của bà cháu, tôi kiếm thêm bằng cách đi xin ở ngoài đường, ngoài chợ. Có ít cũng đủ tiền cho bà cháu ăn sáng”.

* Mẫu mực trong gia đình

Với nhiều người ở địa phương, gia đình ông bà Lê Tấn Đài - Phạm Thị Bảy (ở 4A đường Đào Duy Từ, TP Quy Nhơn) là một gia đình hết sức mẫu mực. Ông Đài năm nay đã 78 tuổi, bà Bảy kém chồng 10 tuổi nhưng cả hai vợ chồng đều rất tích cực trong công tác xã hội và là tấm gương sáng trong gia đình cho con cháu noi theo. Từ năm 2003 đến nay, ông Đài là Phó trưởng Ban Tuyên giáo phường Trần Hưng Đạo, là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của phường. Tuy công việc bận rộn nhưng ông vẫn luôn dành thời gian cho gia đình. Ông bà có 3 người con, tất cả đều tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng, thành đạt và đều là đảng viên. Hai người con đầu đã ở riêng và hàng tuần gia đình ông đều gặp mặt nhau để thăm hỏi, chia sẻ với nhau những khó khăn, vui buồn trong công việc và cuộc sống. Nề nếp gia đình ông luôn được giữ gìn, lớn nói nhỏ nghe; những việc lớn đều có sự bàn bạc để thống nhất ý kiến nên không khí trong gia đình rất dân chủ. Năm 2004, gia đình ông Lê Tấn Đài được cử tham dự Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu toàn tỉnh và đạt giải nhì.

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh:

Cùng với sự phát triển của xã hội, tôi thấy, vai trò của người già trong gia đình ngay nay cũng có ít nhiều sự thay đổi. Ngày xưa, tiếng nói của người già rất được coi trọng, cha mẹ bảo, con cái phải nghe theo. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, quan niệm đó không còn phù hợp nữa. Đành rằng con cái phải có hiếu, nghe theo lời dạy của cha mẹ nhưng nên phân tích, chọn lọc cái sai- đúng, hay- dở. Còn người già hiện nay cũng phải cập nhật kiến thức, tri thức, học hỏi những điều hay, lẽ phải để có thể theo cùng thời cuộc, để thấy mình không lạc hậu cùng với sự phát triển của con cái, của xã hội… Có thế, mới dung hòa được các mối quan hệ trong gia đình, làm cho nó ngày càng tốt đẹp hơn.

Gia đình ông Chung Hường (89 tuổi) và bà Lê Thị Thiệm (88 tuổi) là gia đình tiêu biểu ở phường Lý Thường Kiệt (Quy Nhơn). Có một thời gian cả đại gia đình 4 thế hệ gồm ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt của ông cùng sống chung dưới một mái nhà. Sau, vợ chồng người con gái dọn ra ở riêng. Ông bà sống cùng với người cháu gái đầu đã mấy chục năm nay. Tuổi sắp 90, nhưng bà Thiệm vẫn là người lên thực đơn cho chị giúp việc đi chợ hàng ngày vì “bọn nhỏ còn bận đi làm, đi học”. Chị Lê Xuân Hồng, 46 tuổi, cháu gái của ông bà nói: “Tôi giờ là mẹ của hai đứa con, nhưng cảm giác chung sống với ông bà chẳng khác nào thời thơ trẻ. Ông bà là nguồn vui của con cháu chúng tôi…”.

* Vốn quý của gia đình

Hỏi bí quyết chung sống hòa hợp với con cái, cháu chắt, bà Lê Thị Thiệm tâm sự, bà rất ít khi can thiệp vào việc riêng của lũ trẻ mà để chúng tự quyết định. Chỉ khi nào thấy nét mặt của “bọn trẻ” không vui, bà cũng chỉ góp ý bằng câu nói “cha mẹ bất hòa, con cái là đứa buồn nhất” để họ tự điều chỉnh. Trong khi đó, ông Khưu Chương S. (ở thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước), trên 80 tuổi, hiện nuôi mẹ già trên trăm tuổi và có một đại gia đình đông đúc gần 30 con cháu- đã đúc kết kinh nghiệm sống của mình: “Đã là cha mẹ, ông bà thì sống phải mẫu mực. Sống chung trong đại gia đình mọi người phải nhường nhịn nhau mà sống, dạy con cháu biết tôn trọng, vâng lời ông bà cha mẹ. Con cháu có gì sai trái thì phải gọi chúng đến trách mắng đàng hoàng, không đụng đâu nói đó... dễ sinh nhờn”.

Với tư cách vừa là con, vừa là cháu, vừa là mẹ trong gia đình, chị Lê Xuân Hồng đúc kết: “Khoảng cách thế hệ rất lớn, người già đôi khi cũng có lúc trái tính, khó chiều, cái chính là hai bên đều phải có thiện ý thu ngắn lại. Phận là con, cháu nên luôn biết nhường nhịn, lắng nghe lời của ông bà, cha mẹ. Đó cũng là cách mình nêu gương cho con”.

  • Thu Hà - Nguyên Sương

Bạn biết gì về ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10?

Tháng 10-1982, trước hiện tượng già hóa dân số phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, Liên Hợp Quốc đã tổ chức Đại hội Thế giới lần thứ  I bàn về vấn đề người cao tuổi (NCT), đi đến nhất trí tuyên bố: “Cần bảo đảm không có một hạn chế nào mọi quyền lợi của NCT theo đúng Tuyên ngôn về Quyền con người của Liên Hợp Quốc”.

Năm 1991, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định hàng năm lấy ngày 1-10 là ngày Quốc tế Người cao tuổi.

Năm 2002 Hội nghị Quốc tế lần thứ II về NCT đã họp tại Madrid (Tây Ban Nha) đã nhấn mạnh đến vai trò đóng góp của NCT trong sự phát triển của xã hội. Tất cả các quốc gia phải mở rộng cơ hội cho NCT thực hiện tiềm năng sẵn có để tham gia vào các mặt đời sống của xã hội, với các hướng ưu tiên: NCT với sự phát triển; tăng cường sức khỏe và cải thiện đời sống cho NCT; bảo đảm môi trường thuận lợi cho NCT.

Ở Bình Định

NCT có 156.000 người (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10% dân số. 157/157 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội NCT và đã phát triển 110.742 hội viên chiếm 70,62% NCT toàn tỉnh. Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến NCT. Đến nay đã cấp 30.957 thẻ BHYT cho NCT và có 4.465 NCT nghèo trợ cấp 65.000 đồng/người/tháng. Hàng năm đến ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10),  chính quyền các cấp đều tổ chức đi thăm và tặng quà cho các cụ cao tuổi.

. N.N.A

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mang Trung thu đến với trẻ em nghèo  (29/09/2006)
Khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão số 6  (29/09/2006)
Bão số 6 cách quần đảo Hoàng Sa 660 km  (29/09/2006)
Tuy Phước tổ chức dạy nghề cho 40 lao động nữ  (29/09/2006)
Lãnh đạo tỉnh thăm Hòa thượng Thích Phước Thành đang điều trị tại BVĐK tỉnh  (28/09/2006)
Báo Tuổi Trẻ TP.HCM tặng 12 triệu đồng cho hai trẻ em mồ côi  (28/09/2006)
Hơn 2.000 tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn  (28/09/2006)
Vẫn chưa biết nguyên nhân sự cố  (28/09/2006)
TP Quy Nhơn: Tỉa cành hoa sữa trên các tuyến đường nội thành  (28/09/2006)
Bão Xangsane rất mạnh có thể tấn công miền Trung  (28/09/2006)
Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em: Còn nhiều thách thức  (28/09/2006)
Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa X sẽ diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-10  (28/09/2006)
Tại sao bệnh nhân phải tự mua nẹp vít điều trị gãy xương ?  (27/09/2006)
Sẽ xử lý nghiêm nếu CA phường Đống Đa thờ ơ trước kêu cứu của dân  (27/09/2006)
Lên rẫy trợ giúp pháp lý !  (27/09/2006)