Xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng nghĩa với thị trường hóa ngành y tế và sức khỏe trở thành một loại hàng hóa đặc biệt không theo cơ chế cung cầu, khách hàng không lựa chọn được giá và dịch vụ. Chính vì vậy, không những cơ sở y tế tư nhân mà cả cơ sở y tế công đang khai thác tối đa các dịch vụ và người bệnh chính là nạn nhân, họ phải “ngoan ngoãn” chịu “móc túi”.
|
Người thầy thuốc có y đức không những khám chữa bệnh có hiệu quả mà còn phải biết tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Văn Lưu
|
* Tận thu phí dịch vụ
Một quy định bất thành văn hiện nay ở các bệnh viện công là các bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh ngoại trú đều phải làm đủ các xét nghiệm, dịch vụ y tế gọi là khám tổng quát như xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, X quang, điện tim, điện não… mặc dù nhiều trường hợp căn bệnh không liên quan gì đến các xét nghiệm đó. Có bệnh nhân chỉ bị cảm thông thường hoặc bị bệnh ghẻ, nấm da, nổi mụn ở mặt… nhưng khi vào khám tại các bệnh viện thì thầy thuốc đều cho làm nhiều xét nghiệm và buộc phải trả nhiều tiền một cách không cần thiết. Theo lý thuyết ngành y, mỗi bệnh đều có một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán, nhưng nhiều khi nhờ vào trí tuệ của thầy thuốc, bệnh được chẩn đoán không cần qua cận lâm sàng.
Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, mỗi ngày có hàng trăm người phải chụp X quang, có ngày trong 600 bệnh nhân đến khám thì đã có trên 300 bệnh nhân phải chụp X quang, khiến khoa X quang phải làm cật lực mới đáp ứng nổi. Một nhân viên ở khoa này tâm sự, với cường độ lao động quá mức như hiện nay, sức khỏe các thầy thuốc ở đây sẽ bị ảnh hưởng còn máy móc càng nhanh xuống cấp. Tại phòng khám, một bác sĩ lại cho biết họ phải cho làm nhiều xét nghiệm như vậy là để thu được nhiều viện phí và cũng vì áp lực do tình trạng quá tải khiến họ không còn thời gian để hỏi bệnh, suy nghĩ chẩn đoán bệnh. Thậm chí có xét nghiệm cho làm nhưng thầy thuốc cũng chẳng có thời gian để xem kết quả(!). Nhiều bệnh nhân đã được bệnh viện tuyến dưới cho làm đủ các loại xét nghiệm nhưng khi chuyển lên tuyến trên, cũng lại được thầy thuốc cho làm lại những xét nghiệm ấy… Cuối cùng, máy móc khấu hao thì Nhà nước chịu, tiền bạc thì bệnh nhân lo còn bệnh viện cứ việc thu được nhiều tiền.
Tại một số bệnh viện ở tỉnh Bình Định, người bệnh còn phải trả viện phí nhiều dịch vụ vô lý khác như mổ lại do nhiễm trùng hay phục hồi tầng sinh môn mà nguyên nhân từ những sơ suất của bệnh viện. Bệnh nhân cắt Amydale theo quy định chỉ tốn 40.000 đồng tiền công, thì hầu hết bệnh nhân phải đóng 1.000.000 đồng. Nội soi dạ dày thì bệnh nhân phải trả thêm tiền nội soi thực quản. Thủ thuật các loại u nhỏ, đúng ra chỉ cần tiểu phẫu ở khu ngoại trú, nhưng một số bệnh viện đưa vào phòng phẫu thuật để tính theo giá phẫu thuật cao. Hầu hết các loại phẫu thuật có 2 thương tổn đều được tính tiền hai cuộc phẫu thuật dù chỉ trong một cuộc mổ… |
Trong khu vực nội trú, các bệnh viện cũng tìm mọi cách tận thu viện phí không để sót một dịch vụ, vật tư y tế nào, cả những vật tư y tế nhỏ bé đúng ra nên được tính khoán vào tiền giường hàng ngày như: nước cất dùng làm ẩm bình oxy, nước sát khuẩn tay cho bệnh nhân và thầy thuốc, nước cất dùng hòa tan thuốc kháng sinh để tiêm và cả kim nhựa, bơm tiêm, găng tay, băng dính, dây truyền dịch… Có bệnh viện tính theo công thức: bất cứ bệnh nhân nào vào viện đều phải chi trả mỗi ngày 1 đôi găng tay cho thầy thuốc dùng để cấp phát thuốc, chưa kể các loại vật tư y tế đắt tiền như chỉ mổ, dao, kim khâu, gạc, găng phẫu thuật, các loại đinh nẹp vít, các loại ống sond… bệnh nhân phải trả theo thực tế dịch vụ đã sử dụng.
Ở các nước trên thế giới, thông thường những loại vật tư y tế thông dụng được tính bình quân vào tiền ngày giường bệnh; các loại thủ thuật, phẫu thuật được tính vào chi phí trọn gói, người bệnh không đóng thêm một khoản nào trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Và như vậy, bắt buộc thầy thuốc phải điều trị có hiệu quả tốt song cũng triệt để tiết kiệm bởi chỉ có vậy bệnh viện mới tồn tại và phát triển được.
Ở ta theo quy định của Thông tư số 03/TTLT thì tất cả các dịch vụ thủ thuật, phẫu thuật người bệnh không phải trả tiền thêm các loại vật tư y tế tiêu hao thông dụng (ngoại trừ những loại vật tư có quy định riêng) nhưng nhiều bệnh viện vẫn cho thu.
* Người bệnh cần được bảo vệ
Chưa có một con số chính thức về việc lãng phí trong khám, điều trị bệnh ở các bệnh viện công ở tỉnh Bình Định song nếu tính chi li đó là một con số không nhỏ. Người phải gánh chịu hậu quả của sự lãng phí này là người bệnh và Quỹ BHYT. Áp lực thu viện phí làm méo mó cái tâm, y đức của thầy thuốc và gây tác động không có lợi cho sức khoẻ cộng đồng. Các lạm dụng thuốc kháng sinh, thủ thuật, phẫu thuật, các xét nghiệm chiếu chụp X quang, siêu âm… đều để lại những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh.
Người thầy thuốc có y đức không những khám chữa bệnh có hiệu quả mà còn phải biết tiết kiệm cho bệnh nhân. Và để thực hiện được điều này, thiết nghĩ, cần xây dựng danh mục thu viện phí có sự tiết kiệm của người thầy thuốc. Các loại vật tư y tế thông thường, cần thiết để điều trị bệnh phải được khoán vào tiền giường/ngày dựa trên chi phí bình quân được tính toán phù hợp. Ngoài ra, nội dung thu viện phí tại các bệnh viện cũng rất cần được thông báo rộng rãi và trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết cùng giám sát thực hiện. Nên có quy định sử dụng kết quả các xét nghiệm quan trọng, chi phí lớn do tuyến dưới thực hiện để tránh tình trạng trả tiền 2 lần cho một xét nghiệm. Hàng năm, Sở Y tế nên tiến hành thanh tra vấn đề thu viện phí ở các bệnh viện để kịp thời chấn chỉnh, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh.
|