Khi thế giới mở ra
7:31', 5/1/ 2007 (GMT+7)

Từ khi đến với lớp học, đơn giản chỉ bằng hai bàn tay, những trẻ câm điếc đã biết “nói” cho cô giáo, bạn bè biết mình đang nghĩ gì, rồi lại còn biết đọc, biết viết - một điều hoàn toàn khác với khi các em ở nhà. Từ sự nỗ lực của Cơ sở dạy nghề Đồng Tâm (Ban Từ thiện - Xã hội Báo Bình Định), các lớp văn hóa dành cho trẻ khiếm thính đã ra đời, góp phần mở rộng cánh cửa nhìn ra thế giới xung quanh cho người khuyết tật.

* Trò

Lúc tôi đến, lớp 1A1 - lớp văn hóa dành cho trẻ câm điếc của cơ sở dạy nghề Đồng Tâm- đang học môn môi trường xung quanh. Bọn trẻ thấy có khách vào lớp liền đứng lên đồng loạt vòng tay và cúi đầu chào, nhưng tuyệt nhiên không có một lời nào, chỉ có một vài âm thanh nho nhỏ không rõ lời phát ra. Trên bảng, cô giáo dán hình quả cà, xe ô tô, bông hoa, chiếc lá... và yêu cầu học sinh điền đúng tên vật vào dưới hình vẽ. Học trò háo hức giơ tay. Một cậu bé chừng 10 tuổi xung phong lên nguệch ngoạc vào dưới hình chiếc xe ô tô hai chữ “ô tô”. Cô giáo hỏi: “Đúng không?”. Nhìn miệng cô, bọn trẻ gật đầu. Cô lại hỏi: “Đẹp không?”, các em lắc đầu và lại nhao nhao giơ tay lên viết lại cho đẹp.

 

Lớp đang hát bài “Cả nhà thương nhau”. Ảnh: N.S

 

Hết giờ môn môi trường xung quanh thì đến môn hát. Cô giáo bắt nhịp bài “Cả nhà thương nhau” bằng cả tay và miệng. Bài hát ngắn cất lên qua lời cô giáo và những cánh tay học trò hết dang ra lại đưa lên đầu, rồi chụm hai nắm tay vào nhau, đưa một ngón lên miệng và cười.

Đây là lớp 1A1, lớp dự bị đầu tiên của bậc tiểu học do cô Nguyễn Thị Bích Huệ dạy. Lớp có 10 học sinh, em lớn nhất đã 25 tuổi, còn nhỏ nhất là 10 tuổi. Không như học sinh bình thường, bậc tiểu học của trẻ khiếm thính kéo dài đến 9 năm, trong đó lớp một kéo dài 3 năm, lớp 2, 3, 4, 5 học trong 6 năm. Còn lớp ghép 1A2 và 1A3 bên cạnh, lớp dự bị thứ 2 và lớp một chính thức của bậc tiểu học, gồm 9 em khiếm thính và 3 em bị bệnh Down thì do cô giáo Nguyễn Thị Miên và Đặng Thị Thật cùng dạy. 

Ngoài các môn học như chương trình bình thường, các em còn học thêm môn ngôn ngữ ký hiệu và môn hội thoại. Cô giáo Huệ cho biết: “Vì các em không nghe và nói được nên môn ngôn ngữ ký hiệu sẽ giúp các em hiểu được các ký hiệu bằng tay để giao tiếp với nhau. Còn môn hội thoại là để giúp các em luyện nói theo đúng ngữ pháp”.

* Cô

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Huệ năm nay 26 tuổi, quê ở xã Tây Giang (Tây Sơn). Huệ đã tốt nghiệp hệ cao đẳng, khoa giáo dục đặc biệt (chuyên về khiếm thính) Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Những lần theo chị gái - cũng là một giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở cơ sở Nguyễn Nga - đến chỗ làm, Huệ nghĩ: trẻ khuyết tật thì cũng có quyền được vui chơi, học hành như trẻ bình thường. Thế là cô nộp đơn vào khoa giáo dục đặc biệt. Huệ biết trước những khó khăn đang đợi mình nhưng vẫn quyết định, vì: “Nếu ai cũng chọn cái dễ thì ai sẽ dạy cho trẻ khuyết tật?” - cô thổ lộ.

 

Cô Thật đang hướng dẫn học sinh khiếm thính tập viết. Ảnh: N.S

 

Sau cô giáo Huệ, 2 cô giáo khác là Đặng Thị Thật và Nguyễn Thị Miên cũng về dạy trẻ câm điếc ở cơ sở Đồng Tâm. Miên người Vĩnh Thạnh, còn Thật ở Phú Yên, cùng tốt nghiệp khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Quy Nhơn. Dạy một người khiếm thính đã khó, huống chi cả chục em trong một lớp. Việc truyền đạt cho các em chỉ có một kênh giao tiếp duy nhất là ngôn ngữ ký hiệu nên đòi hỏi cả cô và trò phải nắm vững cách ra dấu. Vì thế, Miên và Thật đã tìm tòi tài liệu nghiên cứu đồng thời học hỏi thêm từ đồng nghiệp. Miên cho biết: “Tuy chuyên ngành tôi học không liên quan đến trẻ khiếm thính nhưng cũng giúp một phần trong việc dạy dỗ trẻ, đó là về khía cạnh tâm lý, để giúp các em học tốt hơn”.

Cả 3 cô giáo đều nói rằng khi giao tiếp được với nhau, các cô và trò đều rất vui. Các em chỉ cần đưa tay lên làm các ký hiệu là nói được những điều mình nghĩ, mà không phải vò đầu bứt tai khổ sở như lúc ở nhà. Một điều nữa khiến các cô giáo cảm động và thấy gắn bó với học sinh của mình là các em sống rất tình cảm. Có lẽ sẽ chẳng ở trường nội trú nào có chuyện học trò thương cô đến mức ăn gì cũng nhất nhất phải để phần cho cô giáo, học trò ra “nội quy” cô giáo đi chơi không được về trễ quá 9 giờ tối, nếu không cả phòng sẽ đồng loạt… hờn và bắt đền cô, thấy trời mưa chẳng ai bảo ai chạy ra lấy quần áo đang phơi ngoài dây giúp cô…

* Mở một cánh cửa cho người khuyết tật

Các lớp dạy văn hóa cho người khiếm thính được cơ sở dạy nghề Đồng Tâm mở vào tháng 2-2006, với mục đích góp phần nâng cao hiệu quả dạy nghề cho người khuyết tật. Ông Lê Bá Du - Phó ban Từ thiện - Xã hội Báo Bình Định- phân tích: “Nếu không biết chữ, không biết làm toán thì các em sẽ khó mà học nghề được, cho dù là những nghề đơn giản như may công nghiệp, đan mây”. Hầu hết nhà các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chi phí học tập đều được cơ sở miễn phí, riêng tiền ăn thì các em được hỗ trợ 1/3, phần còn lại gia đình đóng góp.

Gần 1 năm qua, các lớp giáo dục văn hóa chuyên biệt của cơ sở dạy nghề Đồng Tâm tồn tại nhờ vào tấm lòng của những người tâm huyết với công tác từ thiện xã hội. Cho dù mức lương chưa cao lắm, điều kiện giao tiếp với bên ngoài của cô và trò đều khó khăn nhưng các cô giáo của trẻ khiếm thính vẫn rất tận tâm với công việc. Cô giáo Đặng Thị Thật bày tỏ: “Nếu được đi dạy đúng chuyên ngành đã học thì vẫn thích hơn, nhưng hiện tại tôi rất yêu nghề và thấy thoải mái với công việc ở đây”. Ngoài ra, còn là sự hỗ trợ về chuyên môn của Trường ĐH Quy Nhơn, về kinh phí của các cơ quan, các tổ chức từ thiện xã hội và các nhà hảo tâm, trong đó phần đông là các tiểu thương ở TP Quy Nhơn.

Vậy mà hiện cơ sở dạy nghề Đồng Tâm lại đang gặp khó khăn. Ông Lê Bá Du cho biết: “Qua vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn, nhiều nhà hảo tâm là các tiểu thương lâm vào cảnh khó khăn khiến cho nguồn kinh phí duy trì lớp bị giảm sút. Mặt khác, cơ sở Đồng Tâm vẫn đang chờ được Phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn cấp giấy phép mở các lớp văn hóa chuyên biệt, trên cơ sở đó mới có thể vận động các nhà tài trợ dễ dàng hơn”.

Mong mỏi lắm những tấm lòng vì người khuyết tật.

  • Nguyên Sương
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao tiền bạn đọc giúp đỡ gia đình ông Châu Văn Chừa  (04/01/2007)
Tây Sơn - An Nhơn: 30 hộ sẽ được lắp hệ thống xử lý fluor  (04/01/2007)
Người bệnh đang bị “móc túi”  (04/01/2007)
BVĐK tỉnh sẽ lên hạng I trong năm 2007  (04/01/2007)
1,470 tỉ đồng ủng hộ đồng bào bị hỏa hoạn chợ Lớn Quy Nhơn  (03/01/2007)
Thành lập Trung tâm Tư vấn Pháp Luật Liên đoàn Lao động tỉnh  (03/01/2007)
Cuối năm, việc cần người  (03/01/2007)
TP Quy Nhơn: Chỉ còn trên 3.000 hộ nghèo  (03/01/2007)
PISICO Bình Định hỗ trợ đồng bào nghèo đón Tết  (03/01/2007)
Thành lập các đội thanh tra chuyên ngành xây dựng  (03/01/2007)
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế "một cửa"  (02/01/2007)
Nét mới ở một trường dạy nghề  (02/01/2007)
Tỉ lệ tăng dân số giảm còn 1,01%  (02/01/2007)
Cấp hỗ trợ và bốc thăm phân lô bổ sung đợt I  (02/01/2007)
Bức xúc ô nhiễm môi trường, nhức nhối lấn chiếm đất  (01/01/2007)