Trong thời gian qua, tình hình hỏa hoạn trên địa bàn Bình Định diễn biến phức tạp, nguy cơ và hậu quả xảy ra cháy nổ là rất lớn và khó lường. Riêng trong tháng 12 năm 2006, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy, đặt biệt là vụ cháy Chợ Lớn Quy Nhơn, làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và làm việc, chủ động phòng ngừa cháy và thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, tập thể và của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 5-1-2006 về tăng cường cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Chỉ thị nêu rõ, giao Giám đốc Công an tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về PCCC, Luật phòng cháy, chữa cháy cho toàn dân; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh tế và các địa phương tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng “Tháng an toàn phòng cháy” (tháng 10) và “Ngày phòng cháy chữa cháy toàn dân” (ngày 4-10) hàng năm; hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức thực tập phương án chữa cháy cho các đội chữa cháy kịp thời, hạn chế thiệt hại xảy ra. Thường xuyên kiểm tra công tác PCCC đối với các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nhà máy…, nơi dễ xảy ra cháy, nổ nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và nhân dân về công tác PCCC. Biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác PCCC; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm khắc những đơn vị, cá nhân chấp hành không nghiêm túc các quy định về an toàn PCCC.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra công tác PCCC trong phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương, kịp thời phát hiện khắc phục những sơ hở thiếu sót về an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất; các khu, cụm công nghiệp tập trung, các khu dân cư đô thị và các trung tâm thương mại, chợ…, các địa bàn trọng điểm của thành phố Quy Nhơn không để xảy ra cháy, nổ thiệt hại về người và tài sản. Xây dựng và bổ sung kế hoạch PCCC phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; kiểm tra, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn PCCC; có kế hoạch củng cố, thành lập các Đội dân phòng và Đội PCCC cơ sở theo quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy; có kế hoạch bổ sung kinh phí để mua sắm dụng cụ, phương tiện chữa cháy trang bị cho lực lượng chữa cháy cơ sở để lực lượng này phát huy được hiệu quả cứu chữa khi có cháy, nổ xảy ra được kịp thời. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nếu để xảy ra cháy, nổ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Đối với các đơn vị sản xuất - kinh doanh, Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư, trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC đảm bảo an toàn sản xuất. Công an tỉnh có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra phương án và biện pháp PCCC của đơn vị; tổ chức đợt kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở, kho tàng, bến bãi, cửa hàng xăng dầu, gas, vật liệu nổ, hoá chất độc hại và thuốc bảo vệ thực vật, dữ trữ quốc gia; phối hợp với các ngành điện lực địa phương tổ chức kiểm tra an toàn PCCC các nhà máy điện, trạm điện, trạm biến áp, mạng lưới điện; kịp thời khắc phục những thiếu sót, đảm bảo an toàn công tác PCCC nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do những sự cố chạm, chập, quá tải điện dẫn đến cháy, nổ.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các biện pháp PCCC rừng, mở đợt tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nơi có rừng về công tác PCCC; xây dựng phương án PCCC cụ thể, phù hợp tính chất của từng loại rừng; thường xuyên kiểm tra chặt chẽ các nguồn lửa, nhiệt, việc đốt nương làm rẫy của nhân dân, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Giám đốc Sở Công nghiệp phối hợp với Điện lực Bình Định có kế hoạch tiến hành kiểm tra, sửa chữa nâng cấp các hệ thống điện, không để xảy ra chập điện gây cháy, nổ tại các trung tâm thương mại, chợ, các cơ sở sản xuất công nghiệp (chú ý các cơ sở dễ cháy nổ như các cơ sở chế biến gỗ, sản xuất bao bì…), các khu dân cư…Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối kinh phí đề xuất UBND tỉnh nhằm đảm bảo phục vụ cho công tác PCCC; đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố bố trí mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác PCCC.
Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thiết kế, thi công, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn, quy định về thiết kế, thẩm định - duyệt thiết kế và thiết bị PCCC; chỉ đạo Công ty Cấp thoát nước tiếp tục hoàn thành sớm việc lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy, đủ số lượng đã được định vị trên địa bàn thành phố Quy Nhơn và cung cấp đầy đủ lượng nước cho công tác chữa cháy khi có yêu cầu. Chấp hành và thực hiện nghiêm túc chế độ thẩm định và duyệt thiết kế trang bị PCCC khi xây dựng đồ án thiết kế, quy hoạch khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, kho tàng, cơ sở kinh tế, văn hoá, khi tiến hành cải tạo hay mở rộng công trình hoặc thay đổi tính chất sử dụng phải được các cơ quan có trách nhiệm duyệt quy hoạch thiết kế và thiết bị PCCC và cấp giấy phép xây dựng mới được triển khai thực hiện.
UBND tỉnh cũng đã quyết định thành lập 4 Đoàn kiểm tra công tác PCCC ở các địa phương, cơ sở sản xuất, các trung tâm thương mại, các chợ, các cơ sở dễ xảy ra cháy nổ…
Thời gian kiểm tra từ ngày 9-1-2007 đến ngày 20-1-2007.
|