Năm 2006, TNGT trên địa bàn tỉnh Bình Định tăng cao, trong buổi Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2006, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà, kiêm Trưởng ban ATGT tỉnh rất bức xúc, đã yêu cầu các cơ quan, các ngành, đoàn thể trong năm 2007 phải dốc sức và bằng mọi giá để kiềm chế, giảm thiểu TNGT xuống 10% so với năm 2006; đồng thời các thành viên Ban ATGT phải nghiêm khắc kiểm điểm việc không hoàn thành nhiệm vụ. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh về những nội dung có liên quan.
|
TNGT do xe máy gây ra ở khu vực đô thị luôn chiếm tỷ lệ rất cao và chưa có dấu hiệu giảm. Ảnh: Ngọc Diên
|
* Thưa Chủ tịch! Năm 2007 phải làm gì để kiềm chế, giảm thiểu TNGT trên địa bàn tỉnh?
- Mục tiêu năm 2007 là phải kiềm chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông xuống 10% so với năm 2006. Hiện nay toàn tỉnh có 45 “điểm đen” về giao thông và hàng ngàn tuyến đường ngang xuyên qua đường bộ và đường sắt. Nhiệm vụ của chúng ta là phải xóa toàn bộ các “điểm đen” và khắc phục sự nguy hiểm tại các tuyến đường ngang nói trên; phải làm thêm nhiều gờ nổi, biển báo, chốt đèn để cảnh báo nguy hiểm. Bên cạnh việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường, đoạn đường chưa đảm bảo ATGT, sẽ đầu tư thêm 18 chốt đèn báo tín hiệu giao thông trên các tuyến đường và một hoạt động khác rất quan trọng là tăng cường giáo dục luật lệ giao thông cho người tham gia giao thông. Lực lượng thanh tra kiểm tra cần ra quân liên tục, xử lý nghiêm người vi phạm ATGT.
Về các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ này, trước tiên phải củng cố lại Ban ATGT tỉnh Bình Định, chủ tịch UBND các cấp phải làm nhiệm vụ trưởng ban ATGT và lãnh đạo ngành công an, ngành giao thông vận tải phải làm nhiệm vụ phó ban.
* Cùng với các biện pháp đảm bảo TTATGT, cần có những chế tài gì để công tác chỉ đạo TTATGT được tốt hơn?
- Bản thân tôi là Trưởng ban ATGT tỉnh, tôi thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, tôi tự kiểm điểm và nhận khuyết điểm trước Thủ tướng Chính phủ và nhân dân trong tỉnh. Sau hội nghị này, từng Ban ATGT của sở, ngành, huyện phải tổ chức kiểm điểm, sơ kết, tìm ra các nguyên nhân và các giải pháp để giảm thiểu tai nạn giao thông cho năm 2007. Đối với chủ tịch UBND các huyện có tỉ lệ TNGT năm 2006 cao hơn năm 2005 từ 20% trở lên, thì phải làm kiểm điểm gởi lên cho Ban ATGT tỉnh, đồng thời các Phó ban ATGT tỉnh cũng phải làm kiểm điểm gởi lên cho Thủ tướng Chính phủ.
|
Vụ tai nạn giao thông thảm khốc tối ngày 3-8-2006 tại đèo An Khê (Tây Sơn). Ảnh: N.D
|
Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép mỗi địa phương xây dựng quy định chế tài riêng để phạt thật nghiêm khắc những người vi phạm ATGT. Sắp tới tỉnh sẽ tăng cường thêm nhân lực cho lực lượng thanh tra giao thông và thành lập đội thanh niên tình nguyện xung kích để tham gia giữ gìn trật tự ATGT. UBND tỉnh đã kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND và chỉ đạo các sở ngành kiểm tra theo dõi, nếu đảng viên nào gây TNGT hoặc có lỗi gây nên TNGT thì chi bộ, đảng bộ đó không đạt đơn vị trong sạch, vững mạnh; cơ quan nào có cán bộ gây TNGT hoặc có lỗi gây nên TNGT thì đơn vị đó không được xét thi đua, xem như không hoàn thành nhiệm vụ, thủ trưởng các đơn vị đó phải bị kiểm điểm. Điều đó có nghĩa là: việc giảm thiểu TNGT không chỉ là trách nhiệm của ngành công an hay thanh tra giao thông mà đó còn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn bộ hệ thống chính trị. Tại hội nghị này, tất cả chủ tịch UBND các huyện đều phải đăng ký giảm 5% đến 10% số vụ tai nạn giao thông (so với năm 2005), tập trung chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tình trạng gia tăng quá cao TNGT như năm 2006.
* Xin cảm ơn Chủ tịch!
Công tác đảm bảo TTATGT năm 2006 tại Bình Định:
Kết quả yếu kém
Năm 2006, Bình Định đã đạt được nhiều mặt tích cực, các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng, an ninh, chính trị được giữ vững, các hoạt động xã hội trên đà phát triển. Tuy nhiên, năm qua kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đánh giá là tồi tệ nhất từ trước đến nay.
* Những cố gắng để kiềm chế TNGT
Phương hướng nhiệm vụ công tác đảm bảo TTATGT năm 2006 của Ban ATGT tỉnh được đưa ra với mục tiêu là: “… Kéo giảm TNGT trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2005…”. Ngay từ đầu năm Ban ATGT các cấp trong tỉnh đã ra quân phát động phong trào giữ gìn TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán và 3 đợt ra quân lập lại TTATGT những ngày lễ, ngày kỷ niệm. Các cơ quan, đoàn thể đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT từ tỉnh cho đến các thôn, bản trên 300 buổi, cấp phát hàng chục nghìn tài liệu, tờ rơi đến các gia đình và cá nhân; đồng thời các cơ quan Đài Phát thanh- Truyền hình Bình Định, các đài truyền thanh huyện cơ sở, Báo Bình Định đã dành thời lượng, số trang báo đáng kể để tuyên truyền TTATGT hàng tuần.
Công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được đặc biệt chú trọng; trong năm đã triển khai nhiều dự án xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy phục vụ đi lại, vận tải; lắp đặt 5 chốt đèn tín hiệu giao thông tại TP Quy Nhơn, 17 bảng tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy, đường bộ…. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ATGT được củng cố, tăng cường; đã biên chế, điều động 150 Cảnh sát giao thông và 30 Thanh tra giao thông hoạt động thường xuyên trên các tuyến xung yếu, những “điểm đen” giao thông. Đã xử lý gần 70 nghìn trường hợp vi phạm, tước giấy phép lái xe trên 440 trường hợp, tịch thu hơn 400 phương tiện và phạt tiền 7,6 tỉ đồng; đưa ra xét xử 133 vụ vi phạm các quy định về điều khiển các phương tiện giao thông vận tải với 139 bị can. Công tác đăng kiểm và quản lý phương tiện có nhiều đổi mới, thực hiện nghiêm túc việc loại các phương tiện không đảm bảo ATGT; kiểm định trên 14 nghìn phương tiện, cấp phép lưu hành được hơn 12.600 phương tiện (đạt 88%). Tuy nhiên TNGT lại gia tăng đến mức báo động.
* Nhưng, các chỉ số TNGT tăng đến mức báo động
Năm qua trên địa bàn tỉnh đã có 323 vụ TNGT, làm 352 người chết, 238 người bị thương. So với năm 2005, năm 2006 TNGT tăng 32 vụ (10,9%), tăng 50 người chết (16,6%), tăng 35 người bị thương (17,2%), chưa kể hàng trăm vụ va quẹt làm bị thương nhẹ và hư hỏng phương tiện, thiệt hại tài sản đến hàng chục tỉ đồng. Trong đó, các huyện có chỉ số TNGT tăng cả các mặt so với năm 2005, như: huyện Vân Canh tăng 100% số vụ TNGT (16/8) và 250% số người chết (14/4), huyện Tuy Phước tăng 67% số vụ TNGT (35/21), tăng 90% số người chết (40/21), tăng 75% số người bị thương (35/20), huyện Tây Sơn tăng 21% số vụ TNGT (29/24), tăng 63% số người chết (44/27) và tăng 306% số người bị thương (65/16)…
* Số vụ ô-tô ngoài tỉnh gây TNGT đặc biệt nghiêm trọng (có từ 2 người chết trở lên) chiếm 88,9% trong số các vụ TNGT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, làm chết 89 người, bị thương 68 người. Các tuyến giao thông nông thôn, TNGT 46 vụ, chết 49 người, bị thương 27 người, so với năm 2005 số người chết tăng 24,6%.
* Tính đến ngày 12-12-2006, toàn tỉnh hiện có 356.871 mô-tô, 13.544 ô-tô; trung bình khoảng 4 người thì có 1 người có mô-tô, 110 người thì có 1 người có ô-tô (một trong 7 tỉnh, TP trong nước có lượng mô-tô cao nhất).
* Bình Định có khoảng 45 “điểm đen” và gần 1.000 điểm giao cắt (ngã ba, ngã tư) với quốc lộ, dễ gây ra TNGT. |
Các nguyên nhân dẫn đến TNGT tăng trong năm qua là: Về khách quan: đô thị hóa tăng mạnh, số phương tiện giao thông tăng nhanh (trong năm đã đăng ký mới 37.057 mô-tô và 890 ô-tô) trong khi đó cơ sở hạ tầng giao thông có phát triển nhưng chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được mật độ ATGT; các quốc lộ chưa đảm bảo chiều rộng, chưa bù lề mặc dù đường đã làm mới hoặc sửa chữa đã lâu; việc mở tuyến, tránh tuyến, nắn tuyến nhiều chỗ chưa phù hợp… Nhiều huyện công tác chỉ đạo TTATGT chưa được quan tâm đúng mức. Lực lượng tuần tra, kiểm soát, cũng như phương tiện phục vụ kiểm soát quá thiếu, thậm chí có huyện chỉ có 2 cảnh sát giao thông, nhưng có một người đang được cử đi học. Nhiều xe ô tô tỉnh khác đến địa bàn Bình Định gây tai nạn. Về chủ quan: Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém. Các lỗi phổ biến là: vi phạm tốc độ, thiếu quan sát khi điều khiển phương tiện; uống rượu, bia say khi điều khiển phương tiện giao thông, vượt ẩu…. Công tác tuyên truyền thiếu chiều sâu, ít nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác giữ gìn TTATGT, thiếu những tin, bài phân tích sâu sắc nguyên nhân dẫn đến TNGT và cảnh báo, răn đe đối với người vi phạm ATGT.
Những chỉ số trên cho thấy để giảm thiểu TNGT, trong năm 2007 còn có rất nhiều thách thức phải vượt qua.
| |