Xuất khẩu lao động: Hướng đến thị trường mới
10:37', 17/1/ 2007 (GMT+7)

Năm 2006, Bình Định đã đưa 855 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 85,5% kế hoạch. Năm 2007 thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) sẽ mở ra ở một số nước mới.

 

Cán bộ của Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định đang hướng dẫn thủ tục cho người lao động đăng ký đi XKLĐ. Ảnh: Văn Lưu

 

* Khó khăn và thách thức

Thị trường XKLĐ của Bình Định lâu nay chủ yếu là Malaysia, chiếm 75% trong tổng số lao động tham gia XKLĐ. Tuy nhiên những năm gần đây, do biến động kinh tế, một số doanh nghiệp ở nước này không đảm bảo việc làm theo cam kết với người lao động. Một số chủ doanh nghiệp Malaysia thu hẹp sản xuất, chuyển việc khác nhưng lao động Việt Nam không đồng ý chuyển việc và yêu cầu về nước trước thời hạn, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động chuẩn bị đi.

Mặt khác một số doanh nghiệp có chức năng XKLĐ thiếu trách nhiệm, không giải quyết kịp thời quyền lợi của người lao động với chủ doanh nghiệp nước ngoài dẫn đến những sai phạm của người lao động. Việc tuyển chọn và cung ứng cho các doanh nghiệp XKLĐ chủ yếu dựa vào Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định (thuộc Sở LĐ-TBXH) và Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề Thanh Niên (thuộc Tỉnh Đoàn) song các đơn vị này từ khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần đến nay chưa xúc tiến kế hoạch XKLĐ, làm giảm đáng kể số lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó do thiếu vốn, tay nghề thấp và trình độ ngoại ngữ của người lao động hạn chế nên không đáp ứng được một số thị trường lao động có thu nhập cao như Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Từ năm 2006, tỉnh đã triển khai đưa lao động đi làm việc theo Chương trình phi lợi nhuận được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc với chi phí đi 669 USD/người, thu nhập của người lao động ổn định và cao hơn các thị trường khác nên nhiều người trông chờ đi Hàn Quốc.

Tỉnh cũng đã triển khai đào tạo tiếng Hàn theo giáo trình quy định của Bộ LĐ-TBXH tại Trường Công nhân kỹ thuật Quy Nhơn và Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định. Đây là lần đầu tiên các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức đào tạo tiếng Hàn cho người lao động thời hạn 3 tháng để phục vụ cho XKLĐ. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, sát hạch do Trung tâm Lao động nước ngoài (Cục Quản lý lao động ngoài nước) phối hợp với Ủy ban kiểm tra trình độ tiếng Hàn của Hàn Quốc tổ chức, chỉ có 29 lao động của tỉnh đạt yêu cầu sau khi học.

Theo ông Huỳnh Ngọc Hải, cán bộ Phòng Chính sách Lao động-Việc làm (Sở LĐ-TBXH tỉnh), nhận thức của người dân về XKLĐ chưa cao; có tâm lý e dè khi phải thế chấp, đặt cọc một khoản tiền lớn cho con em đi XKLĐ; sự quan tâm chỉ đạo công tác XKLĐ của các cấp chính quyền chưa sâu sát; việc nắm bắt và khai thác thị trường lao động mới còn hạn chế nên việc đưa lao động đi XKLĐ còn gặp nhiều khó khăn.

* Hướng đến thị trường mới

Năm 2007, công tác XKLĐ tiếp tục chú trọng một số thị trường truyền thống như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và khai thác thêm một số thị trường mới phù hợp với điều kiện kinh tế, tay nghề của người lao động Bình Định. Thị trường Malaysia tuy việc làm không ổn định, thu nhập không cao nhưng vì dễ tính, phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ tay nghề của người lao động Bình Định nên vẫn là thị trường chủ yếu để giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người lao động.

Năm 2006 tỉnh đã đưa được 855 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong đó, Malaysia: 439 người, Lào: 210 người, Nhật Bản: 65 người, Hàn Quốc: 46 người, số còn lại đi các nước khác. Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua đào tạo nghề chiếm 30% tổng số lao động. Số lao động có trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở, trung học chiếm 70%.

Người lao động làm việc tại thị trường Malaysia thu nhập bình quân khoảng 3-4 triệu đồng/người/tháng. Lượng tiền đã gởi về gia đình của người XKLĐ trong năm khoảng 85-90 tỉ đồng.

Ông Trần Văn Cờ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH, cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ chú trọng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc vì đây là thị trường truyền thống, thu nhập của người lao động cao và ổn định. Ngoài ra, Sở LĐ-TBXH sẽ phối hợp với các công ty XKLĐ đưa lao động đi xuất khẩu tại thị trường các nước Đông Âu, đặc biệt là Cộng hòa Séc. Trong tháng 1-2007, tỉnh cũng đã có 43 lao động đầu tiên có mặt tại thị trường mới là Úc. Tỉnh sẽ mở rộng thêm các đơn vị có chức năng XKLĐ, đặc biệt những đơn vị có năng lực mạnh, nhiều kinh nghiệm trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; đưa thí điểm lao động đi các nước Canada, Brunây, Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, A Rập Saudi…”

Cũng theo ông Cờ, ngoài việc mở rộng thị trường, các biện pháp khác cũng được đặt ra cho việc tăng số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài như phát triển kênh doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, nhận thầu công trình ở nước ngoài kết hợp đưa lao động đi làm việc; khuyến khích cá nhân lao động tự tìm, ký hợp đồng lao động làm việc ở nước ngoài (hợp đồng cá nhân)…

  • Nguyễn Phúc
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khi chính quyền và cộng đồng cùng chung sức  (17/01/2007)
UBND tỉnh: Triển khai cấp bách công tác phòng chống dịch cúm gia cầm  (17/01/2007)
Huy động gần 1,7 tỉ đồng vào quỹ “Ngày vì người nghèo”  (17/01/2007)
Triển khai Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm  (16/01/2007)
Phê duyệt Đề án thành lập trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn  (16/01/2007)
Các trường THPT ở huyện Phù Mỹ: Quá tải !  (16/01/2007)
Thiết lập đường dây nóng khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm  (16/01/2007)
Phụ nữ nghèo bị bệnh răng đen và cơ khớp xương được nhận quà hỗ trợ  (16/01/2007)
30 trẻ em bị bệnh tim được hỗ trợ phẫu thuật  (16/01/2007)
Sẽ có 4 đợt cao điểm tập trung các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn  (16/01/2007)
Xin đừng đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông kém nữa!  (16/01/2007)
Thí sinh Bình Định trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ tăng gần 2.000 sinh viên  (15/01/2007)
Bộ Quốc phòng trao tặng nhà tình nghĩa  (15/01/2007)
21 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế  (14/01/2007)
Bình Định lập kỷ lục về số học sinh “ngồi nhầm lớp”  (14/01/2007)