|
Chợ là nơi hành nghề “lý tưởng” của nhiều người ăn xin. Ảnh: Hải Yến |
Tiếp tục triển khai Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010, trong năm 2007, Bình Định sẽ tổ chức 4 đợt tập trung cao điểm các đối tượng này nhằm phục vụ các ngày lễ lớn trong năm. Vấn đề trách nhiệm của các địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án đang được đặt ra, nhằm nâng cao hiệu quả của Đề án.
* Vẫn còn tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”
Việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn là một chủ trương lớn của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng nhằm góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, làm cho cảnh quan, môi trường đô thị sạch đẹp văn minh.
Trong năm 2006, tỉnh Bình Định đã tổ chức 4 đợt cao điểm và 4 - 5 đợt lẻ nhằm tập trung các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các cơ quan chức năng đã đưa 15 đối tượng vào Trung tâm Tâm thần Hoài Nhơn, 8 đối tượng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Định, 50 đối tượng có gia đình được đưa về địa phương. Còn lại 5 đối tượng đang chờ địa phương phối hợp cùng gia đình họ đưa về. Trong số các đối tượng lang thang, xin ăn ngoại tỉnh, đáng chú ý là cách đây hơn 2 tháng, tỉnh Bình Định đã tập trung và trả về huyện Đồng Xuân (Phú Yên) gần 20 đối tượng là người dân tộc thiểu số.
Và trong số các đối tượng đã được xử lý năm 2006, hiện có 10 đối tượng tái lang thang, xin ăn. Đơn cử như trường hợp ông Đặng Văn Lợi, 77 tuổi, ở Phước Lộc, Tuy Phước thường xin ăn ở thị trấn Tuy Phước, Quy Nhơn. Gia đình đã bảo lãnh ông về nhưng ông không chịu, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi xin. Hay ông Hoàng Kỳ Phượng, 89 tuổi, ở Phước Sơn, Tuy Phước, được tập trung và đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhưng sau đó vợ ông đến xin bảo lãnh về và ông lại tiếp tục đi xin…
Đi tìm nguyên nhân của tình trạng tái lang thang, xin ăn, chúng tôi được biết, về mặt pháp lý, không có chế tài xử phạt các đối tượng này. Tuy nhiên, theo ông Phan Như Hải, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH thì lời giải của vấn đề nằm ở các địa phương. Ông Hải nói: “Chúng tôi nhận thấy, trách nhiệm của địa phương trong phối hợp triển khai thực hiện Đề án còn kém. Có những gia đình chúng tôi phải mời 2 - 3 lần họ mới đến đưa người thân đi lang thang, xin ăn trở về. Với những trường hợp đó, đáng lẽ địa phương phải giáo dục ý thức và giúp đỡ họ an tâm ở lại địa phương nhưng các địa phương không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn. Như vậy, khó khăn chính là do các địa phương phối hợp với các cấp, các ngành không đồng bộ. Ngoài ra, việc các tỉnh lân cận không có biện pháp để giải quyết các đối tượng lang thang, xin ăn cũng là một khó khăn cho chúng tôi”.
* Những biện pháp khắc phục
Để việc triển khai kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh năm 2007 đạt hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, sẽ có một số biện pháp cụ thể.
Trước mắt, Sở sẽ có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương, ban, ngành phải triển khai thực hiện Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010.
Yêu cầu các xã, phường, thị trấn thật sự “vào cuộc” trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn cũng được nhấn mạnh hơn. Với những đối tượng có gia đình bảo lãnh nhưng vi phạm nhiều lần, Sở yêu cầu địa phương phải tăng cường quản lý tại địa bàn bằng cách thăm hỏi, giáo dục con cháu họ thực hiện trách nhiệm đối với ông bà, cha mẹ.
Với những đối tượng thật sự khó khăn, neo đơn thì sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng là thật sự cần thiết để họ không tái lang thang. Tuy nhiên, suất chi cứu tế thường xuyên ở mức 65.000đ/người/tháng như hiện nay là quá ít và thực tế không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Một cán bộ Sở LĐ-TBXH cho biết, một số địa phương đồng ý với đề xuất nâng mức chi cứu tế thường xuyên từ 65.000đ lên 90.000đ/người/tháng nhưng khi thực hiện thì “lực bất tòng tâm” vì không đủ kinh phí. Đây cũng là một khó khăn khách quan của các địa phương.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng dự định phối hợp với các tỉnh lân cận cùng giải quyết vấn đề để giảm thiểu số người lang thang, xin ăn là người tỉnh ngoài ở Bình Định.
Mục tiêu của Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2010 là từ nay đến hết năm 2010, về cơ bản trên địa bàn tỉnh không còn người già, người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ, lang thang, xin ăn, người mất năng lực hành vi lang thang trên đường phố, người có sức khỏe nhưng lười lao động đi xin ăn và gây mất trật tự xã hội…
Đặt ra vấn đề liệu có thực hiện được mục tiêu này, ông Phan Như Hải nói rằng nếu các địa phương trong cả nước làm đồng bộ thì có thể đạt được. Mặt khác, người dân cũng phải nâng cao ý thức khi ứng xử với người xin ăn, tức không cho tiền người xin ăn thì sẽ không có người ăn xin. “Về phía trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH, chúng tôi cam kết sẽ giải quyết thu nhận tất cả những đối tượng không có sức lao động và không nơi nương tựa” - ông Hải nhấn mạnh.
|