Sinh thời, Bác Hồ luôn giáo dục, nhắc nhở mọi cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ thật sâu sắc nhiệm vụ của mình. Đó là “vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng”. Người chỉ rõ: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng là để làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”. Và để làm tốt nhiệm vụ của mình thì mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, “nói” phải đi đôi với “làm”. Đặc biệt cần tránh các sai lầm, khuyết điểm.
Tuy nhiên, Người cũng nói rõ “Người đời ai cũng có khuyết điểm có làm việc thì có sai lầm”, do đó không loại trừ cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm. “Đảng ta không phải từ trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư, tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa… Những thói xấu đó họ mang từ xã hội vào Đảng. Cũng như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái?”. Theo Bác, điều quan trọng là ở chỗ “chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Bởi vì, “trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ sai lầm ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế. Sự sửa đổi khuyết điểm một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó”. Theo Bác, để sửa chữa khuyết điểm thì người có khuyết điểm phải thành tâm, thành ý, thật sự cầu thị để tiến bộ. Việc xử lý Bác cũng lưu ý rất cặn kẽ “lỗi lầm có việc to, việc nhỏ”, do đó việc xử phạt phải “có tình, có lý” vì “nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại”. Song phải lấy giáo dục, thuyết phục, cảm hóa làm căn bản, gốc rễ. Đặc biệt, phải phân biệt nguyên cớ của sai lầm, khuyết điểm, “phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”. Bác nhắc nhở, trong việc xử lý “không vì công mà quên lỗi, không vì lỗi mà quên công”. Bác cũng đặc biệt lưu ý “người lãnh đạo phải biết tìm cách đúng để giúp đỡ cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”.
|