Giám đốc chuyên “điều khiển tự động”
10:29', 4/10/ 2007 (GMT+7)

Hội chợ thiết bị công nghệ Techmart Đà Nẵng 2007 giữa đầu tháng 9 vừa qua, tỉnh ta có 3 đơn vị được trao thưởng Cúp Vàng cho 3 thiết bị công nghệ, trong đó, có một thiết bị của Trung tâm kỹ thuật tự động hóa ATC (25 Lê Hồng Phong- Quy Nhơn).

 

Anh Phổ và chiếc máy cắt kim loại Plasma, được trao giải Cúp Vàng trong Techmart Đà Nẵng  2007 giữa đầu tháng 9.

 

Đó là thiết bị Máy cắt kim loại Plasma được sử dụng trong ngành cơ khí, quảng cáo. Phần mềm của thiết bị đục mộng gỗ tự động của Cơ sở cơ khí Đông Hải (cùng được nhận Cúp Vàng), cũng là do Trung tâm này thiết kế. Anh Cao Anh Phổ, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật tự động hóa ATC- đơn vị đầu tiên chuyên sửa chữa, viết các chương trình tự động hóa trong sản xuất, tâm sự: “Đấy là cả quá trình mày mò nghiên cứu, học tập trong lý thuyết lẫn thực tế”.

* Kinh doanh để phục vụ giảng dạy

Tốt nghiệp khoa Lý - Kỹ thuật Công nghiệp trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, anh Phổ về công tác tại Trung tâm Thí nghiệm thực hành Quy Nhơn (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp Quy Nhơn) giảng dạy mảng điện tử, tin học. Vừa dạy vừa nhận sửa chữa các thiết bị máy móc nhập từ nước ngoài, anh nhận thấy các thiết bị này rất đắt vì không có hàng thay thế; khi hư hỏng lại khó sửa chữa vì hiếm thợ có khả năng. Từ đó, anh bắt đầu để tâm nghiên cứu về lĩnh vực tự động hóa.

Tuy nhiên, chính ý nghĩ muốn tìm hiểu về công nghệ tiên tiến trong nước và thế giới để giúp học sinh định hướng nghề nghiệp đã thôi thúc anh mở một trung tâm chuyên về thiết bị tự động hóa. “Có công việc thường xuyên, thu nhập ổn định, tôi lại càng có điều kiện tiếp cận những công nghệ mới hơn. Công tác giảng dạy sẽ thuận lợi hơn”- anh Phổ nhớ lại. Năm 1997, Trung tâm kỹ thuật tự động hóa ATC ra đời chỉ có 1 giám đốc, 1 trợ lý và vốn đầu tư chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và khách hàng, có lúc không đủ tiền thanh toán điện thoại. Nhưng với cách tiếp thị độc đáo: lắp đặt máy, cho vận hành thử không tính tiền, Trung tâm ngày càng được các DN chú ý vì hiệu quả thiết thực của tự động hóa.

Những công trình Trung tâm nhận sửa chữa đầu tiên là lắp đặt các thiết bị điều khiển tự động cho trạm trộn bê tông nhựa nóng của Binh đoàn Trường Sơn; cải tạo và lập trình tự động máy mài đá, máy cưa đá cho Công ty đá và VLXD Bình Định. Tuy nhiên, việc hợp tác với Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đem lại nhiều kết quả khả quan. Chính Bidiphar đã hỗ trợ vốn và tạo điều kiện cho Trung tâm nghiên cứu lập trình các phần mềm cho máy giặt công nghiệp, máy cất nước 2 lần, máy đóng dịch truyền tự động. Phần mềm máy đóng dịch truyền tự động do Trung tâm thực hiện đã tiết kiệm được nhiều công sức cũng như chi phí đầu tư cho công ty. Một máy đóng dịch truyền nếu chuyển giao công nghệ từ nước ngoài phải mất khoảng 3 triệu USD. Trong khi đó máy đóng dịch truyền tự động của Bidiphar, khi được cài đặt phần mềm tự động trên máy ép chai nhựa chỉ mất khoảng 500 triệu đồng mà chất lượng sản phẩm không hề thua sút.

* Sáng tạo= 80% học hỏi + 20% thực tế

Trình độ tiếng Anh lõm bõm bằng B, nhưng được bà xã, vốn là giáo viên ngoại ngữ, hỗ trợ nên anh Phổ vẫn thường xuyên vào mạng xem thông tin, nghiên cứu tài liệu về các chương trình tự động hóa. Cho đến nay, vốn liếng tiếng Anh của anh đã ở mức thông hiểu mọi thông tin. “Những gì mà tôi làm được có đến 80% học hỏi từ thông tin trên mạng internet và 20% từ yêu cầu khách hàng. Chính internet mà tôi đã biết cách thức kết nối điều khiển máy để hoàn thành máy cắt kim loại Plasma. Song, cũng chính từ yêu cầu cụ thể của mỗi khách hàng mà tôi mới viết được những chương trình tự động cải tiến”- anh nói.

Anh Cao Anh Phổ, sinh năm 1963, quê ở Quảng Ngãi, học khoa Lý- Kỹ thuật Công nghiệp trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn niên khóa 1983-1987. Hiện nay, anh đang công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp Quy Nhơn. Theo anh Phổ, tên ATC của Trung tâm xuất phát từ chữ viết tắt của  Automatic Control (điều khiển tự động).

Cho đến nay, Trung tâm vẫn giữ nguyên quy tắc: tiền bản quyền thiết bị phần mềm sẽ được tính vào 5 sản phẩm xuất xưởng đầu tiên của cơ sở chế tạo (5 triệu đồng/sản phẩm) trước khi chuyển giao hẳn công nghệ cho đối tác. Trung tâm hiện có 6 nhân viên làm việc chính thức với mức lương 1-1,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn một đội ngũ cộng tác viên khoảng 20 người gồm giáo viên các trường nghề, sinh viên trường ĐH Quy Nhơn để kịp thời nhận sửa chữa máy móc, lập trình chương trình cải tiến công nghệ khi có yêu cầu của các DN, cơ sở sản xuất.

Hiện Trung tâm vẫn tiếp tục viết chương trình hoàn thiện thêm về máy đục mộng tự động, đồng thời nghiên cứu cải tiến phần điều khiển mạch điện cho Công ty Bánh kẹo miền Bắc. “Một nền công nghiệp hiện đại thì không thể thiếu được các chương trình tự động, nhất là khi KKT Nhơn Hội đi vào hoạt động thì sẽ càng nhiều đất dụng võ cho những trung tâm chuyên về thiết bị tự động hóa như chúng tôi”- anh Phổ tin tưởng.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh viện đa khoa tỉnh tiến hành phẫu thuật cho anh Đinh Văn Dinh  (04/10/2007)
Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Tỵ tham dự và báo cáo đề tài khoa học  (04/10/2007)
Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở 19 xã, phường trong tỉnh  (04/10/2007)
6 huyện tổ chức lễ giao quân đợt 2  (04/10/2007)
Thăm tặng quà người cao tuổi và đồng bào nghèo  (03/10/2007)
Toàn tỉnh có 64 dòng họ khuyến học  (03/10/2007)
Bệnh viện Đa khoa Bình Định được công nhận là bệnh viện hạng I  (03/10/2007)
Huyện phải chỉ đạo sản xuất nông nghiệp có hiệu quả hơn  (03/10/2007)
Có lỗi thì phải sửa  (02/10/2007)
Đào tạo “mũi nhọn” ở Trường THCS Lương Thế Vinh  (02/10/2007)
Chưa phát hiện tình trạng thất thoát cũng như tận thu chất thải y tế  (02/10/2007)
Giá thuốc bảo hiểm y tế cao hơn giá thị trường 30%  (02/10/2007)
Quyên góp 88 triệu đồng ủng hộ nạn nhân sập cầu Cần Thơ  (02/10/2007)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Thanh làm việc với thị trấn Tam Quan  (02/10/2007)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương thăm các cụ cao tuổi ở huyện Vân Canh  (02/10/2007)