Y TẾ TRƯỜNG HỌC Ở BÌNH ĐỊNH:
Trên đà củng cố
15:28', 4/10/ 2007 (GMT+7)

Thời gian qua, sự phối hợp hoạt động giữa ngành giáo dục và y tế khá lỏng lẻo nên công tác y tế trường học (YTTH) chìm lắng. Hệ thống YTTH chuyên trách đứng trước nguy cơ bị tan rã do lực lượng y tế bỏ việc ngày càng nhiều. Một số chương trình y tế quốc gia cũng không được triển khai do không có kinh phí hoạt động…

 

Khám bệnh cho các em HS ở trường tiểu học Canh Hòa - Vân Canh. Ảnh: Hoàng Vân

 

Ngày 12.7.2006, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg về việc tăng cường công tác y tế trong trường học, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống YTTH. Triển khai Chỉ thị này, Sở GD-ĐT đã ra văn bản hướng dẫn công tác YTTH và giáo dục thể chất cho tất cả các trường trong tỉnh với việc ban hành các nội dung quy định phát triển các nguồn lực về cán bộ y tế, trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động YTTH; dành kinh phí ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế trong các nhà trường; phối hợp với cơ quan BHXH tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách BHYT học sinh, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí do quỹ BHYT trích lại, đảm bảo chế độ cho cán bộ y tế yên tâm hoạt động trong nhà trường; xây dựng kế hoạch hoạt động YTTH và phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ YTTH hàng năm; tất cả các trường đều phải bố trí nhân lực làm công tác YTTH…

Sau một năm triển khai Chỉ thị 23, kết quả quan trọng nhất là công tác tổ chức nhân sự được tăng cường ở cấp tỉnh và thành phố. Sở GD-ĐT đã có cán bộ chuyên trách công tác YTTH và giáo dục thể chất, phòng giáo dục huyện cũng có 1 cán bộ. Về phía ngành y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có 2 bác sĩ và 1 y sĩ chuyên trách YTTH; đã có 2 bác sĩ và 9 y sĩ ở các trung tâm y tế của huyện, thành phố theo dõi mảng công tác này.

Do không có văn bản pháp lý quy định cụ thể nên nhân viên YTTH chuyên trách làm việc theo chế độ hợp đồng ngắn hạn, các khoản lương và phụ cấp hoàn toàn dựa vào nguồn kinh phí do quỹ BHYT trích lại. Nguồn kinh phí này nhiều nơi không đủ để trả lương cho nhân viên YTTH nên các chế độ về BHXH, BHYT không thể thực hiện được. Còn nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp cho công tác YTTH quá ít ỏi, lại không được đưa vào các khoản mục chi tiêu nên nhà trường vẫn còn lúng túng khi sử dụng.

Các cấp chính quyền đã quan tâm chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng phòng YTTH cho nhà trường. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 364/413 trường học trong tỉnh có nhân viên YTTH, đạt tỷ lệ 88%, trong đó có 240 cán bộ chuyên trách và 124 kiêm nhiệm. Sở GD-ĐT cho phép các trường sử dụng nguồn kinh phí ngân sách cấp trong định biên phối hợp với khoản kinh phí do quỹ BHYT trích lại để tuyển dụng, trả lương và các chế độ khác cho nhân viên YTTH chuyên trách. Do đó, nhiều hoạt động YTTH phối hợp liên ngành y tế - giáo dục đã được triển khai nhằm chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay, trên cả nước có trên 80% số trường học chưa có nhân viên YTTH chuyên trách. Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo các trường bố trí cán bộ YTTH chuyên trách theo định biên và đảm bảo chế độ và điều kiện làm việc để cán bộ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa có văn bản chính thức cho phép các trường học tuyển dụng nhân viên YTTH chuyên trách hưởng lương từ nguồn kinh phí của ngân sách. Việc ngành GD-ĐT Bình Định mở ra một hướng đi mới về tuyển dụng, chế độ cho cán bộ YTTH chuyên trách, kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động YTTH theo hướng dẫn của Chỉ thị số 23 là việc làm năng động.

  • Hà Thúc Chí

Năm 2006, có 307/413 trường học cung cấp đủ nước sạch cho học sinh. 336/413 trường triển khai thực hiện phong trào xanh-sạch-đẹp. 340/413 trường có đủ công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn đạt. 100% số trường học thực hiện chương trình giáo dục sức khỏe cho học sinh, tổ chức các lớp học ngoại khóa về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống sốt xuất huyết, HIV/AIDS, giáo dục sức khỏe răng miệng… Nhiều chương trình y tế học đường quốc gia được triển khai như: phòng chống rối loạn thiếu Iode, sốt xuất huyết, nha học đường…

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dân mình tốt thật đấy!  (04/10/2007)
Giám đốc chuyên “điều khiển tự động”  (04/10/2007)
Bệnh viện đa khoa tỉnh tiến hành phẫu thuật cho anh Đinh Văn Dinh  (04/10/2007)
Tiến sĩ-bác sĩ Phạm Tỵ tham dự và báo cáo đề tài khoa học  (04/10/2007)
Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở 19 xã, phường trong tỉnh  (04/10/2007)
6 huyện tổ chức lễ giao quân đợt 2  (04/10/2007)
Thăm tặng quà người cao tuổi và đồng bào nghèo  (03/10/2007)
Toàn tỉnh có 64 dòng họ khuyến học  (03/10/2007)
Bệnh viện Đa khoa Bình Định được công nhận là bệnh viện hạng I  (03/10/2007)
Huyện phải chỉ đạo sản xuất nông nghiệp có hiệu quả hơn  (03/10/2007)
Có lỗi thì phải sửa  (02/10/2007)
Đào tạo “mũi nhọn” ở Trường THCS Lương Thế Vinh  (02/10/2007)
Chưa phát hiện tình trạng thất thoát cũng như tận thu chất thải y tế  (02/10/2007)
Giá thuốc bảo hiểm y tế cao hơn giá thị trường 30%  (02/10/2007)
Quyên góp 88 triệu đồng ủng hộ nạn nhân sập cầu Cần Thơ  (02/10/2007)