Những gia đình hiếu học tiêu biểu
11:15', 9/10/ 2007 (GMT+7)

Trong 2 ngày, 9 và 10.10.2007, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Đại hội biểu dương những Gia đình hiếu học (GĐHH) tiêu biểu toàn quốc lần thứ 2. Tham dự đại hội này có 4 GĐHH và 1 dòng họ khuyến học của Bình Định. Dưới đây là 3 GĐHH tiêu biểu của tỉnh được chọn tham dự.

 

GIA ĐÌNH ÔNG TĂNG DOÃN KÍCH, XÃ ÂN THẠNH, HUYỆN HOÀI ÂN:

Tất cả vì việc học của các con

Ông Tăng Doãn Kích, 61 tuổi, là đảng viên, nguyên là cán bộ xã nghỉ hưu. Để nuôi 5 con ăn học, vợ chồng ông Kích đã phải làm thêm đủ việc, quần quật từ sáng đến tối. Vợ chồng ông xác định: dù khó khăn cũng phải cố gắng lo cho con ăn học nên người. Vì có tri thức, có học mới có nhân cách tốt, vượt qua hoàn cảnh nghèo khó, lạc hậu của bản thân, gia đình và cả cộng đồng. “Các con tôi cũng nhận thức được điều đó nên đã cố gắng phấn đấu học tập tốt, tiết kiệm chi phí trong học tập. Lúc nghỉ học thì lao động sản xuất, giúp đỡ gia đình. Đứa lớn ra trường thì giúp đỡ các em học tập”- ông Kích kể.

5 người con của ông: Tăng Văn Trương, hiện là kỹ sư chăn nuôi của Trạm Khuyến nông Hoài Ân; Tăng Quốc Việt, kỹ sư cơ khí chế tạo, đang công tác tại Nhà máy thép Miền Trung (Sơn Trà, Đà Nẵng); Tăng Thị Kim Loan, giáo viên Trường THCS thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân); Tăng Thị Hồng Gấm, kỹ sư chăn nuôi; Tăng Thị Ngà, tốt nghiệp đại học Kinh tế Đà Nẵng đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tuy đã lớn tuổi, ông Kích vẫn mê đọc báo, xem tivi, nghe đài, học tập các nghị quyết của Đảng… để làm giàu vốn sống và sự hiểu biết cho mình, làm gương cho con cháu. Là Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Ân Thạnh, ông luôn cố gắng vận động học sinh trong xã đã bỏ học ra lớp và đóng góp tích cực vào phong trào giáo dục ở địa phương.

 

GIA ĐÌNH BÀ NGUYỄN THỊ TRÂM, XÃ PHƯỚC THẮNG, TUY PHƯỚC:

“Hậu phương dồn sức cho tiền tuyến”

Hai vợ chồng bà đều là nông dân và bắt đầu sự nghiệp trong những năm sau chiến tranh đầy khó khăn. Tài sản cha mẹ cho vợ chồng  ngày “ra riêng” chỉ là một phuy lúa. Ban ngày làm ruộng, ban đêm, ông tranh thủ tìm hiểu và chế tạo các nông cụ phục vụ sản xuất. Trong những năm tháng khó khăn nhất của đất nước (khoảng những năm 1978-1979), 3 đứa con bà Trâm lần lượt ra đời. Bà Trâm tâm sự: “Vợ chồng tôi động viên nhau, cùng cố gắng để tất cả các con đều được ăn no, đến trường. Chúng tôi thường chỉ ăn mì, để nhường cơm cho các con. Dù nghèo khó nhưng chúng tôi không để cho con nghỉ học, tham gia lao động cùng với cha mẹ, dù chỉ một buổi”.

Rồi 3 con của bà Trâm lần lượt vào đại học. Vợ chồng bà lại nuôi thêm gà, heo, trồng thêm các loại rau xanh... để có thể trang trải chi phí trong gia đình. 3 con lớn của bà Trâm tốt nghiệp đại học (một là dược sĩ, một là cử nhân Hóa sinh, một là cử nhân ngành Vi sinh).

Vợ chồng bà “chưa kịp dừng lại để thở” đã tiếp tục nhận giấy báo trúng tuyển đại học của 2 con nhỏ vào các ngành kỹ thuật. “Vui cũng nhiều nhưng buồn cũng nhiều, vì lúc này, ba của cháu lâm bệnh và đã mất. Chỉ còn mình tôi cáng đáng việc nuôi con. Trong khi, mới có cô con gái lớn có công ăn việc làm, các cháu thứ 2, thứ 3 sắp sửa bảo vệ luận văn thạc sĩ. Tôi kêu gọi cả gia đình cùng dốc sức, mỗi người là một “chiến sĩ”, vừa làm vừa học, con lớn phải biết hỗ trợ cho em nhỏ về tinh thần và tiền bạc... Nhờ vậy, đến nay, cả 5 con tôi đều đã đỗ đạt. Hiện một đứa đang giảng dạy tại Trường Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh, một là thạc sĩ đang công tác tại Viện Tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh; hai con tiếp theo đang làm trong các công ty nước ngoài; con út đi Nhật để học cao học. Các cháu giờ đây đã thành đạt hơn cả những gì chúng tôi mơ ước!”- bà Trâm tâm sự.

 

GIA ĐÌNH ÔNG PHẠM VĂN PHƯỚC, XÃ HOÀI MỸ, HOÀI NHƠN:

Vợ chồng thương binh nuôi con học giỏi

Vợ chồng ông Phạm Văn Phước, 63 tuổi, đều là thương binh. Ông là thương binh 27%, bệnh binh 72%; bà- Trần Thị Tỉnh- thương binh 27%. Đối với những nông dân sống bằng nghề làm ruộng, để nuôi 4 con ăn học đã quá vất vả vậy mà với sức vóc thương- bệnh binh, thường xuyên đau ốm, vợ chồng ông Phước vẫn cố lo được.

4 con của ông: Phạm Thị Hồng Hiệp, 29 tuổi, hiện là giáo viên Trường THPT Hoài Ân; Phạm Thị Quyết, 25 tuổi, đang công tác tại Kho bạc nhà nước tỉnh; Phạm Thị Học, sinh viên năm thứ 4, Đại học Quốc gia Hà Nội và Phạm Thành Chí, cậu con trai út, 12 năm phổ thông đều là học sinh giỏi và đạt giải 3 môn Lịch sử- kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12, vừa tốt nghiệp thủ khoa Trường THPT Tăng Bạt Hổ, hiện đang học đại học năm thứ nhất.

Ông Phước cho biết: Gia đình ông hiện vẫn còn nghèo, còn khổ nhưng ông rất vui vì đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các con được toàn tâm với việc học. Các con ông đều chăm ngoan, ham học và đạt thành tích cao trong trong học tập.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức lễ ra quân huấn luyện chiến sĩ mới đợt II năm 2007  (09/10/2007)
Giúp đỡ trẻ em mồ côi tại huyện An Nhơn  (09/10/2007)
Cảnh cáo một chủ tàu cá về hành vi từ chối cứu nạn  (09/10/2007)
6 bức xúc chậm được giải quyết  (09/10/2007)
Tặng xã An Nghĩa 25 triệu đồng xây dựng trường mẫu giáo  (08/10/2007)
Một cụ ông 85 tuổi tự nguyện trồng cây xanh nơi công cộng  (08/10/2007)
Thêm 996 cử nhân hệ không chính quy nhận bằng tốt nghiệp  (08/10/2007)
100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 52% hộ người Kinh được hỗ trợ xây dựng nhà  (08/10/2007)
Mở rộng 4 mặt đường xung quanh chợ Lớn Quy Nhơn  (08/10/2007)
Sóng lớn đánh chìm 1 tàu đánh cá và gây một số thiệt hại  (08/10/2007)
Điểm sáng trong đào tạo, sát hạch lái xe  (06/10/2007)
Làng bún Ngãi Chánh  (06/10/2007)
Nhiều phòng học bị xuống cấp nặng  (06/10/2007)
Giảm mức phí đối tượng người dân ở các thôn, xóm thuộc địa bàn thị trấn  (06/10/2007)
Tiếp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh  (06/10/2007)