Mỗi ngày, BVĐK tỉnh thực hiện trung bình 50 ca mổ, khoảng 1/3 số này cần được truyền máu. Trong vài năm trở lại đây, phong trào hiến máu nhân đạo đã được phát động rộng rãi nhưng tình trạng thiếu máu cung cấp điều trị và cấp cứu bệnh nhân (BN) hiện vẫn là bài toán nan giải.
|
Nguồn máu từ những người hiến máu nhân đạo chiếm 50 -70% lượng máu của bệnh viện. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* Bệnh nhân: chờ máu
Anh Đặng Văn Tuyết, 35 tuổi, ở huyện Phù Mỹ, mắc bệnh rỗng tủy được nhập viện điều trị tại khoa Ngoại thần kinh-cột sống. Theo lịch mổ của khoa, ngày 5.10, anh Tuyết được các bác sĩ (BS) gây mê để phẫu thuật nhưng cuối cùng ca mổ đành gác lại vì bệnh viện (BV) không còn đơn vị máu nào thuộc nhóm máu B của anh. Hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, người nhà chỉ có mỗi chị vợ cùng nhóm máu nhưng cũng không đủ sức khỏe để cho máu nên các BS đành tiếp tục… lên lịch hẹn.
Bình quân, mỗi ngày khoa Ngoại thần kinh-cột sống phẫu thuật 5-6 trường hợp. Do BV thiếu máu nên nhiều trường hợp đã lên bàn mổ như anh Tuyết nhưng cuối cùng đành phải gác lại.
Tình trạng thiếu máu gây rất nhiều khó khăn cho công tác hồi sức cấp cứu. Nhiều BN “dở sống, dở chết” chỉ vì không có máu truyền sau cấp cứu. Ông Dương Hóa, trú tại xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn mắc bệnh xuất huyết tiêu hóa đang được điều trị tại khoa Phẫu thuật-gây mê hồi sức. Từ hôm vào viện đến nay, ông Hóa đã phải truyền gần 2 lít máu nhóm B. Cách đây 5 ngày, BV thông báo hết nhóm máu B, gia đình đã huy động tất cả anh em, con cháu thử máu nhưng kết quả chỉ có 2 người trùng nhóm máu với ông. Ngày 8.10, ông Hóa lại bị chảy máu và cần có một lượng máu cần kíp để truyền nhưng người nhà bó tay vì không còn người cho máu.
BS Võ Huy Cường, khoa Phẫu thuật-gây mê hồi sức, cho biết: “Hiện nay, thiếu máu cấp cứu và phẫu thuật BN đang là vấn đề nan giải. Bình quân, mỗi ngày chúng tôi phải mổ 40 ca và 1/3 trong số này là cấp cứu buộc phải tiếp máu. Nhiều BN cấp cứu phải cần một lượng máu rất lớn nhưng không có, gay nhất là những trường hợp quá nặng như bệnh xuất huyết tiêu hóa, vỡ gan, vỡ thận, đa chấn thương… chúng tôi buộc phải bịt miệng vết mổ trong lúc người nhà chạy ngược chạy xuôi tìm máu”.
Khoa Phẫu thuật-gây mê hồi sức là đơn nguyên “tiêu thụ” máu nhiều nhất của BV. Dù đã được ưu tiên sử dụng phần lớn lượng máu trong kho lưu trữ nhưng tình trạng khan hiếm máu tại khoa này vẫn liên tục xảy ra. BS Cường cũng thừa nhận đã có một số trường hợp cấp cứu bị tử vong chỉ vì không được tiếp máu kịp thời. Và trên thực tế, lượng máu hiện nay chỉ có thể đáp ứng phần nào cho những trường hợp cấp cứu, chứ chưa đủ để đáp ứng cho các BN sử dụng kỹ thuật cao như chạy thận nhân tạo…
* Bệnh viện: bị động nguồn máu
Hiện nay, máu cung cấp công tác điều trị và cấp cứu BN được lấy từ 3 nguồn: hiến máu nhân đạo, người bán máu chuyên nghiệp và người nhà BN.
Từ năm 2000 trở về trước, lượng máu được lấy từ những người hiến máu nhân đạo rất ít trong khi có đến 80% số máu được lấy từ người bán máu chuyên nghiệp và người nhà BN. Trong 2 năm gần đây, phong trào hiến máu nhân đạo được phát động rộng rãi trong toàn tỉnh nên lượng máu lấy được từ những người hiến máu nhân đạo chiếm khoảng 50-70%. Theo BS Hồ Thị Kim Chung, khoa Huyết học-truyền máu, đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Bởi vì, mọi người thường nghĩ rằng lấy máu của người nhà thì sẽ an toàn nhưng trên thực tế do không có thói quen thử máu định kỳ nên ít người biết được trong máu mình có gì, trong khi tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B, C và các mầm bệnh khác hiện rất cao. Còn đối với máu lấy từ những người bán máu chuyên nghiệp, cực chẳng đã BV phải dùng trong các trường hợp cấp cứu vì chất lượng không đảm bảo.
BS Nguyễn Đồng, Phó giám đốc BV, cho biết: “Hiện nay, dù nguồn máu lấy từ phong trào hiến máu nhân đạo đã khá dồi dào nhưng BV lại rất bị động, phải phụ thuộc nhiều vào kế hoạch của đơn vị vận động và lực lượng cho máu. Có thời điểm số người cho máu rất nhiều nhưng có khi chỉ vài chục. Còn đối với lực lượng hiến máu dự bị chủ yếu là của đoàn thanh niên, BV không thể huy động trong khi BN cấp cứu cần tức thì”.
* Giải cho bài toán khó!
Để giải bài toán thiếu máu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn việc lấy máu từ những người bán máu chuyên nghiệp và người nhà vào năm 2010 cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa BV và các đơn vị chịu trách nhiệm vận động, hiến máu nhân đạo. Đồng thời cần phải mở rộng phạm vi vận động hiến máu nhân đạo đến các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo. Ngoài ra, cần phải xây dựng lực lượng hiến máu dự bị dưới hình thức câu lạc bộ để chi viện trong những trường hợp BV thiếu nhóm máu cần thiết để truyền cho BN.
Về phía BV cũng cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị thêm máy móc, bố trí nhân viên y tế để bảm đảo lấy được nhiều máu và lưu trữ lượng máu đủ phục vụ cho công tác điều trị, cấp cứu. Chúng tôi được biết, mỗi năm có khoảng hơn 5.000 người đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo nhưng chỉ có hơn 3.000 người được lấy máu. Ngoài ra, cũng cần phải có thiết bị thử máu trước khi lấy để tránh tình trạng phải tiêu hủy lượng máu bẩn khá lớn, mỗi năm khoảng 10-15%.
BS Nguyễn Đồng, cho biết: “Sắp tới BV sẽ trang bị máy ly tâm lạnh tách các thành phần trong máu, tránh tình trạng lãng phí khi phải truyền máu toàn phần”.
Năm |
Tổng số máu (lít) |
Người cho chuyên nghiệp |
Người cho nhân đạo |
Người nhà bệnh nhân |
Số máu hủy |
2001 |
543,900 |
350,150 |
64,750 |
129,000 |
6,700 |
2002 |
727,650 |
406,770 |
57,250 |
263,630 |
9,100 |
2003 |
891,500 |
425,750 |
186,800 |
278,950 |
11,200 |
2004 |
965,700 |
478,500 |
199,100 |
288,100 |
26,650 |
2005 |
1.153,600 |
383,600 |
575,250 |
194,750 |
31,900 |
2006 |
757,200 |
165,750 |
537,200 |
54,250 |
58,950 |
2007 |
1.193,100 |
322,050 |
760,700 |
110,350 |
83,050 | |