Bình Định đang đầu tư mở thêm trung tâm dạy nghề và trường nghề ở các huyện: Hoài Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ… Đây là cơ hội cho thanh niên ở nông thôn được học nghề và tìm kiếm việc làm…
|
Một lớp may công nghiệp được Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định tổ chức tại huyện Vân Canh.
|
* Học nghề - còn nhiều bất cập
Những năm gần đây, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh được đầu tư mở rộng và trang bị thêm dụng cụ, thiết bị dạy và học nên công tác dạy nghề đã đạt được những kết quả đáng mừng. Song tồn tại của công tác này lâu nay là chưa có quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề; các cơ sở dạy nghề còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội; chất lượng đào tạo nghề chưa cao, chưa hợp lý về cơ cấu và trình độ; thiếu lao động được đào tạo ở trình độ lành nghề; chưa chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật ở những nghề thuộc ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo và công nghệ chế biến nông-lâm-thủy sản… Mặt khác, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề còn thiếu, nhiều thiết bị, dụng cụ lạc hậu, điều kiện để người học nghề thực hành chưa phù hợp với thực tế sản xuất. Các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng nên tình trạng có một số lao động đã qua đào tạo nhưng doanh nghiệp không sử dụng được vì chất lượng, trình độ và ngành nghề đào tạo không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Bất cập lớn nhất hiện nay trong công tác đào tạo nghề là hầu như các cơ sở dạy nghề chỉ tập trung ở thành phố Quy Nhơn. Chính vì thế nhiều thanh niên ở nông thôn, nhất là số thanh niên đã có gia đình, gặp nhiều khó khăn khi phải đi xa học nghề.
* Cơ hội cho thanh niên nông thôn
Để tạo cơ hội học nghề cho thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số, từ năm 2005, Sở LĐ-TB&XH giao cho Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định đến các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh mở các lớp dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số. Do được học nghề gần nhà, không phải tốn tiền đi lại, ăn ở trọ hàng tháng lại được trợ cấp 150.000 đồng/người, được cấp phát dụng cụ học tập miễn phí nên đã thu hút được nhiều thanh niên dân tộc thiểu số tham gia. Việc đào tạo nghề lưu động chỉ cho nghề may công nghiệp, điện dân dụng, thú y. Theo ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Bình Định, mỗi năm trung tâm đào tạo nghề tận nơi cho khoảng 200 thanh niên là dân tộc thiểu số, nhiều học viên ra trường có việc làm ổn định.
Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ mang tính chất tạm thời, việc đào tạo chỉ bó hẹp ở một số địa phương, một số ngành nghề nên việc thành lập các trung tâm dạy nghề ở huyện là yêu cầu cấp thiết.
Với việc hình thành thêm các trung tâm dạy nghề và trường nghề, đến năm 2010 tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề và bồi dưỡng nghề chung cả tỉnh đạt 50%; riêng tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt trên 45%. Trong đó số người được đào tạo dài hạn (cao đẳng và trung cấp): 11.800 người; đào tạo ngắn hạn (sơ cấp nghề): 66.000 người; bồi dưỡng, tập huấn nghề: 45.000 người. |
Chính vì thế, trong năm 2007, tỉnh đã phê duyệt mạng lưới cơ sở dạy nghề và cho đầu tư mở trung tâm dạy nghề và trường nghề ở các huyện: Hoài Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ và sẽ tiếp tục mở ở một số huyện khác. Theo kế hoạch, đầu năm 2008, 3 trung tâm dạy nghề An Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ chính thức đi vào hoạt động sẽ tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp; bổ túc, bồi dưỡng nghề gắn với tư vấn về học nghề, giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; tập huấn nghề, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, kinh nghiệm sản xuất tiên tiến; liên kết đào tạo nghề trình độ trung cấp… Riêng Trường trung cấp nghề Hoài Nhơn, được đầu tư hơn 66 tỉ đồng hiện đang thi công, dự kiến năm 2009 sẽ hoạt động, tuyển sinh đào tạo 12 nghề với quy mô khoảng 1.200 học viên mỗi năm.
Theo ông Lê Văn Nghinh, Phó phòng Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB&XH), việc hình thành các trung tâm dạy nghề và trường nghề trên sẽ tạo cơ hội cho thanh niên ở nông thôn tiếp cận học nghề, tìm việc làm; giải quyết tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp ở khu vực nông thôn hiện vẫn còn chiếm tỉ lệ cao. Đồng thời đây cũng là chiến lược của tỉnh nhằm đào tạo nghề có chất lượng, tay nghề cao giai đoạn 2006-2010 để đáp ứng nguồn nhân lực cho các khu, cụm công nghiệp đang hình thành ở nhiều nơi trong tỉnh.
|