|
Ngửi mùi hôi tanh, lội nước dơ là chuyện bình thường của những người phụ nữ buôn bán ở cảng cá. |
1 giờ sáng, trời còn tối đen, tại Cảng cá Quy Nhơn, hàng trăm phụ nữ đang dõi mắt ra phía biển chờ đợi những chiếc ghe cập bến để được mua những mẻ cá tươi nhất và bắt đầu một ngày lao động mới…
* Ngày mới trên cảng cá
Trong ánh đèn điện tờ mờ, chị Mai Thị Đi (50 tuổi, ở KV2, phường Trần Phú, Quy Nhơn), một “nậu cá” đếm từng thùng cá vừa mua lại từ chủ ghe vừa cập bến. Chị cặm cụi ghi chép vào sổ, miệng không ngừng hối thúc những người làm nhanh tay khuân vác cá, chở cá vào cảng để phân loại. Chị phân trần: “Mấy hôm ảnh hưởng mưa bão nên cá không nhiều, hôm nay được mẻ cá ồ nhưng cũng chẳng đáng là bao”. Mùi tanh nồng của đủ loại hải sản và tiếng ồn ào mua bán cộng với tiếng máy xẻ đá ồ ồ, tiếng lạch cạch của những chiếc ghe đang cập bờ càng làm cho chợ cá náo nhiệt.
Có đến mấy trăm phụ nữ tập trung ở cảng cá, người mua bán hải sản, người phục vụ hậu cần cho nghề cá (bán dầu, ngư lưới cụ, bún, cà phê…) và đông đảo nhất là người làm mướn cho các “nậu cá”. Phần đông trong số họ đến từ các phường Hải Cảng, Trần Phú, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Đống Đa (TP Quy Nhơn), số còn lại từ các huyện trong tỉnh như Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ đi xe gắn máy xuống mua cá về bán lại.
Ở cảng cá, chúng tôi chỉ nhìn thấy một số ít lao động nam, chủ yếu là những người lái xe chở cá, bốc xếp, xẻ đá… Như hiểu được thắc mắc này, ông Huỳnh Tấn Hưng, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn giải thích: “Trước đây phụ nữ làng biển chỉ tham gia một phần công việc, hiện nay họ là lực lượng lao động chính tại cảng cá này”...
Ở bên trong cảng cá, các phụ nữ làm thuê đang tất bật với công việc xách nước, rửa cá, phân loại cá, xếp cá vào thùng (50 kg), rá nhựa (10kg)… xong thì họ gồng gánh ra xe cho người mua chở đi bán các chợ. Chị Linh (23 tuổi), với hai bàn tay dộp nước vì ngâm rửa cá nhiều đang gánh cá xếp lên xe cho chị Thủy, người mua cá ở huyện Tuy Phước, về bán ở chợ Bồ Đề, kể: “Một lần gánh được 1.000 đồng, cả buổi làm từ 1 giờ đến 7-8 giờ sáng nếu có nhiều cá cũng kiếm được 30.000-40.000 đồng. Chị em ở đây không nghề nghiệp, không vốn liếng chỉ có thể làm mướn thế này thôi’’.
Theo ông Hưng, cách đây 5-7 năm, cảng này ngập cá, có khi cả hàng trăm tấn cá vào bến không tiêu thụ được. Số phụ nữ buôn bán ở đây chỉ tự phát, nhỏ lẻ. Năm 2003, Cảng cá Quy Nhơn đi vào hoạt động đã thu hút hàng trăm phụ nữ thất nghiệp ở vùng biển về đây làm việc. Nhiều chủ nậu đã thuê mướn từ 5 đến vài chục lao động nữ giúp chở cá đi tiêu thụ trên khắp nước.
Ở sâu trong cảng, có 6 chiếc xe cá đông lạnh từ Kiên Giang, Phan Thiết chở cá vào bán cho các chị chủ nậu ở Quy Nhơn. Những chị làm thuê bắt đầu dỡ cá xuống, rửa cá, phân loại và xếp vào rá, chờ người mua. “Mấy hôm nay Quy Nhơn không có cá, chủ nậu phải mua cá từ miền Nam”, bà Dư, người làm mướn ở cảng gần 60 năm, đang gánh cá cho chúng tôi biết.
* Nỗi niềm người “chợ cá’’
Chị Nguyễn Thị Na (42 tuổi), một nậu cá ở cảng đã hơn 25 năm, cho biết: “Làm nghề này cực khổ lắm, thức đêm, chân tay lại ngâm nước nhiều nên lở hết. Làm nậu thì cần vốn nhiều nhưng thu nhập thì vô chừng, bấp bênh lắm. Cá vào nhiều thì lãi được gần 100 nghìn đồng mỗi ngày, không có cá hoặc nhiều cá mà không có người mua thì lỗ”. Chị Chí, người làm thuê cho chị Na, tâm sự: “Biển no cá thì chúng tôi no, biển đói thì chúng tôi đói theo. Những ngày mưa bão, không có cá thì chúng tôi phải đi vay mượn tiền để sống qua ngày”.
Rủi ro mất mát, thua lỗ là chuyện thường ngày của người làm nậu cá. Có khi bị kẻ xấu bốc hốt vài kg cá, có khi bị bạn hàng quỵt nợ cũng đành “nhờ ơn trời bù đắp vào chuyến sau”. Cách đây hơn tháng, chị Nguyễn Thị Ba (55 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng) đã bị mất trắng hơn 2 triệu đồng khi bán cá cho một người vài lần đến mua cá sòng phẳng đến lần mua cuối thì quỵt rồi lặn mất tăm.
Theo ông Hưng, phụ nữ buôn bán ở đây hầu hết đều có hoàn cảnh rất đáng thương do neo đơn, nghèo khổ... Còn chị Na thì tâm sự: “Ngày càng lớn tuổi, mỗi đêm phải ra cảng chí choé, tranh giành nhau buôn bán trong mùi tanh nồng, tui cũng ngán lắm nhưng phải làm để sống chớ… Được ông trời thương thì cho được mùa, mỗi năm vài vụ cũng là may lắm rồi!”.
|