Khổ, mệt, nhiều tai nạn nghề nghiệp, lại nguy hiểm, có khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng… là những gì chúng tôi được tận mắt chứng kiến công việc của đội làm “mồi nhử” muỗi thuộc Trung tâm Phòng chống Sốt rét và các rối loạn thiếu Iốt Bình Định.
|
Những đốm sáng của đội làm “mồi nhử” muỗi vẫn cháy lên đêm đêm ở vùng rừng núi xa xôi.
|
* Những đốm sáng trong đêm
Đêm ở vùng rừng núi xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, trời đổ cơn mưa lành lạnh. Trong nhà rông của làng, đội “săn bắt muỗi” của Trung tâm gồm bốn người: bác sĩ Lê Tự An - Phó phòng chuyên khoa sốt rét, các kỹ thuật viên Nguyễn Thị Tâm, Hồ Ngọc Điệu và Nguyễn Thị Phượng - Trưởng phòng xét nghiệm, vẫn miệt mài làm việc.
Chị Tâm vén cao ống quần đến đầu gối, để lộ đôi chân trần, ngồi yên bất động, tay cầm ống nghiệm và chiếc đèn pin. Chưa đến một phút đã thấy trên chân chị cả chục con muỗi. Chị vẫn để yên, không nhúc nhích. Được một lúc, một tay cầm đèn pin “quét” nhè nhẹ trên chân, một tay cầm ống nghiệm chị chụp lấy một chú muỗi đang “say” máu. Trên chân chị lộ ra một tia máu nhỏ từ vết đốt của chú muỗi độc. Ở một góc tối khác của nhà rông, anh Điệu cùng một thành viên nữa cũng đang xắn quần, ngồi bất động, thỉnh thoảng lại “quét” nhẹ chiếc đèn pin.
Thời gian bắt muỗi được bắt đầu từ lúc 6 giờ tối, tùy theo mật độ muỗi của từng vùng cao hay thấp mà họ phải làm việc đến sáng và chỉ nghỉ đúng 15 phút sau 60 phút “ngồi đồng” để… gãi ngứa. Cứ thế, giữa chốn núi rừng âm u, buồn tẻ vẫn cháy lên những đốm sáng lặng lẽ. Anh Điệu cho biết: “Khổ nhất là những hôm trời lạnh, anh em cũng phải trần mình ra vật lộn với muỗi”.
Để thu thập những dữ liệu cần thiết nhằm đánh giá tình hình hoạt động của muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét ở vùng sốt rét lưu hành, ngoài 2 đợt điều tra định kỳ vào đầu năm và cuối năm, các cán bộ của Trung tâm còn phải tiến hành các đợt điều tra đột xuất. Mỗi chuyến đi kéo dài 4-5 ngày với êkíp 4 người. Công việc được phân chia rõ ràng, hai người làm mồi nhử trong nhà, hai người làm mồi ngoài trời.
* Nguy hiểm rình rập!
Còn có rất nhiều cách săn muỗi khác như mồi đèn, soi trên vách, bắt trong chuồng gia súc… nhưng “mồi người” là cách tự nhiên và chính xác nhất để đánh giá mật độ và ái tính (sự thích đốt người) của muỗi độc.
Những người làm “mồi nhử” phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt là buổi chiều chuẩn bị cho đêm điều tra không được tắm với xà phòng có mùi thơm, không được dùng nước hoa, không được thoa dầu gió, hút thuốc lá… |
Và cũng chính vì làm “mồi người” mà hầu hết anh chị em trong đội bắt muỗi đều đã từng nếm mùi sốt rét. Anh Điệu được xem là một tay bắt muỗi khá kỳ cựu của đội, thâm niên 24 năm trong nghề, chỉ nhớ man mán đã hơn 10 lần mắc bệnh sốt rét. Anh nói vui: “Cái anh muỗi sốt rét chỉ cần “sểnh” một chút là bị chích rất sâu. Mấy năm trước do mật độ muỗi và ký sinh trùng sốt rét quá nhiều nên mỗi lần đi công tác về là y như rằng tôi “dính chưởng”. Được cái trung tâm cũng sẵn thuốc…”.
Ở đội bắt muỗi, người ít cũng đã hai lần bị sốt rét, còn người nhiều thì hầu như không nhớ nổi. Có trường hợp như anh Dũng từng là cán bộ của đội phải “lên bờ, xuống ruộng” vì ký sinh trùng sốt rét vẫn còn nằm trong gan. Đến giờ, anh vẫn còn bị bệnh sốt rét hành hạ dù đã “giã từ” nghề làm “mồi nhử”.
Trong những chuyến đi săn bắt muỗi, những tai nạn nghề nghiệp kiểu như rắn rết, hay các loại côn trùng cắn xảy ra như cơm bữa. “Có lần tôi đang ngồi “làm mồi” thì giật thót vì một con rắn chẳng biết từ đâu bò ngang qua chân. Lúc đó hoảng thật nhưng tôi cũng đành nhắm mắt, nín thở và chờ” - chị Tâm kể về một tai nạn nghề nghiệp.
Tuy nhiên, những tai nạn nghề nghiệp đó chỉ là chuyện nhỏ. Theo cánh làm mồi nhử, khổ nhất là chuyện bị thanh niên địa phương quấy rối trong lúc đang làm nhiệm vụ. Bác sĩ An vẫn còn nhớ mãi kỉ niệm cái lần làm “mồi nhử” ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân. Bác sĩ An cùng một đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ thì có hai thanh niên trong trạng thái “chân nam đá chân chiêu”, tay cầm can rượu ép phải “cụng” ly…
|
Anh Điệu và chị Tâm phân loại tìm muỗi gây bệnh sốt rét sau đêm làm “mồi nhử”.
|
* Buồn vui... người làm “mồi nhử”
Địa bàn tác nghiệp của nhóm săn bắt muỗi là vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi, điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn. Chị Tâm còn nhớ rất rõ, lần đầu tiên đi công tác ở một xã vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh, phải đạp xe từ sáng đến chiều tối mới đến được nhà rông của làng. Phần vì thấm mệt, phần vì tủi thân nên khi được một phụ nữ trong làng nấu xong nồi khoai mì đổ ra sàn mời ăn thì chị ngồi khóc ngay tại chỗ.
Bác sĩ Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm, khẳng định: thời gian qua, số lượng người mắc bệnh sốt rét đã giảm đáng kể. Có nhiều lý do, song trong đó không thể không ghi nhận công sức thầm lặng của các cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ “mồi nhử” muỗi. Tuy nhiên, bác sĩ Thuận cũng rất băn khoăn vì hiện nay, chế độ cho người làm “mồi nhử” quá thấp 15.000 đồng/người/đêm. “Công việc nguy hiểm và vất vả nhưng chế độ quá thấp nên chúng tôi không thể thuê người làm “mồi nhử”. Anh chị em làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình và lòng yêu nghề”.
Khi chúng tôi định chụp một tấm ảnh về công việc các anh chị đang làm, anh Điệu cứ một mực bảo tôi phải chọn góc để khi lên hình không nhìn thấy rõ mặt. Nguyên nhân là vì đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu công việc làm “mồi nhử” muỗi.
Chị Tâm tâm sự: “Bạn bè gặp tôi lại thắc mắc sao lại phải bắt muỗi để làm gì? Có người mới quen nghe nói chuyện đều trố mắt nhìn không hiểu. Có hôm đang ngồi làm mồi thì người dân địa phương đi qua đi lại cứ nhìn “lom lom” vào chúng tôi, những lúc như thế cũng hơi buồn nhưng bù lại công việc lại cho chúng tôi nhiều niềm vui”.
|