PHÂN BAN THPT:
Ban Cơ bản - sự lựa chọn an toàn !
10:59', 16/10/ 2007 (GMT+7)

Năm nay là năm thứ hai, tỉnh ta cùng với cả nước thực hiện dạy và học phân ban đại trà ở bậc THPT. Từ thực tế chọn ban của học sinh (HS) và việc tổ chức dạy phân ban của các trường, có thể thấy phân ban có nhiều ưu điểm nhưng quá trình thực hiện vẫn chưa hết khó khăn.

* Chủ yếu vẫn là Ban Cơ bản

Theo số liệu phân ban THPT năm học 2007-2008 của Sở GD-ĐT, trong số 580 lớp 10 trong toàn tỉnh thì đã có đến 489 lớp HS chọn Ban Cơ bản (CB), chiếm tỉ lệ 84,31%; 83 lớp Ban Khoa học tự nhiên (KHTN), tỉ lệ 14,31% và chỉ có 8 lớp Ban Khoa học xã hội-nhân văn (KHXH-NV). So với năm ngoái, số HS theo học Ban CB tăng. Ban KHTN và KHXH-NV ngày càng giảm.

 

Tin học là môn học chính khóa trong chương trình phân ban THPT.

 

Tại Trường THPT An Nhơn 2, một trong 6 trường THPT trong tỉnh có đủ cả 3 ban, số HS lớp 10 được phân ban như sau: 3 lớp Ban KHTN- 7 lớp Ban CB- 1 lớp Ban KHXH-NV. Trong số HS chọn học Ban CB lại tiếp tục được phân chia: 3 lớp học các môn nâng cao là Toán, Lý, Hóa; 2 lớp học nâng cao Toán, Hóa, Sinh và 2 lớp học các môn nâng cao là Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Ở Trường THPT Quốc Học Quy Nhơn (có chất lượng “đầu vào” cao nhất tỉnh - không tính Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), việc chọn ban của HS theo hướng sau: 8 lớp Ban KHTN (377 HS); 5 lớp Ban CB (226 HS), không có Ban KHXH-NV. Ông Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng Trường Quốc Học cho biết: năm ngoái, trường chỉ có 19 HS đăng ký học Ban KHXH-NV; năm nay có 9 em nên đều không đủ để mở 1 lớp. Theo ông Bình, cũng do đa số HS vào trường có học lực khá, giỏi nên các em có thiên hướng chọn Ban KHTN. Những HS chọn Ban CB thì cũng đăng ký học các môn nâng cao là Toán, Lý, Hóa để hướng đến thi đại học khối A; số HS còn lại học nâng cao Toán, Văn, Anh để thi khối D; không có lớp nào học nâng cao Văn, Sử, Địa.

Hầu hết các trường THPT đều chỉ có một ban: Ban CB! Đó là các trường bán công, tư thục, các trường PTDTNT, trường THPT ở miền núi và một số trường ở đồng bằng có chất lượng “đầu vào” không cao lắm. Trường PTTH Hùng Vương năm học này cũng chỉ có “độc” Ban CB (449 HS, 10 lớp). Trong số đó, HS học Ban CB nâng cao Toán, Lý, Hóa có đến 8 lớp; nâng cao Văn, Sử, Địa chỉ có 2 lớp. Theo một số giáo viên, việc HS chủ yếu chọn Ban CB vì đây là sự lựa chọn an toàn nhất. Ban CB được học theo chương trình chuẩn và tương đối nhẹ nhàng so với các Ban KHTN hay KHXH-NV. Ngoài ra, học Ban CB, HS vẫn có cơ hội được học các môn nâng cao phục vụ cho việc thi đại học và hướng đến mục tiêu thi đỗ đại học.

Qua 1 năm thực hiện phân ban THPT, theo các trường, tình trạng HS phải chuyển ban sau khi học hết lớp 10 rất ít. Điều đó chứng tỏ việc chọn ban của HS là tương đối phù hợp.

 

* Khó khăn vẫn còn nhiều 

Cho dù theo học ban nào thì mục tiêu của HS vẫn là thi đỗ đại học. Do đó, để phù hợp với từng đối tượng HS và tạo sự chủ động cho các trường, bắt đầu từ năm học này, Bộ GD&ĐT chủ trương chỉ xây dựng khung chương trình, còn phân phối chương trình cụ thể do Sở GD-ĐT quyết định trên điều kiện thực tế của từng trường, từng địa phương. Đối với Ban CB, các trường có thể dạy các môn tự chọn theo 3 loại: tự chọn nâng cao, tự chọn bám sát và tự chọn đáp ứng (tự chọn đáp ứng hầu như chưa có trường nào thực hiện được). Ông Diệp Đình Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn 1 nhận xét: so với các lần thí điểm phân ban trước đây, việc tổ chức phân ban theo hướng có 3 ban hiện nay là rất “rộng đường” cho HS. Ngoài các Ban KHTN và KHXH-NV có thể trang bị kiến thức vững vàng nhất cho những HS có năng lực và thiên hướng rõ ràng về khối ngành tự nhiên hay xã hội. Những trường, những nơi HS có trình độ học lực thấp, cơ sở vật chất kém, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng… vẫn có thể chọn học theo chương trình chuẩn và sử dụng các tiết tự chọn theo chủ đề bám sát (có tính chất ôn luyện là chính, chứ không dạy nâng cao, bổ sung thêm kiến thức). Với những đối tượng HS khá hơn, các trường có thể dạy các môn tự chọn nâng cao phù hợp với các khối thi đại học.

Chủ trương thực hiện chương trình và SGK thông thoáng hơn của Bộ GD& ĐT đã giúp cho các trường được chủ động trong lựa chọn dạy chương trình “nặng” hay “nhẹ” để phù hợp với đối tượng HS của mình. Từ đó, việc dạy và học có điều kiện đi vào thực chất hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, đa số các trường bán công, các trường THPT miền núi, vùng khó khăn, HS đều chọn học Ban CB, các môn tự chọn học theo chủ đề bám sát. Các trường có chất lượng HS cao hơn, điều kiện dạy và học tốt hơn, HS đã chọn học Ban KHTN hay Ban CB nâng cao các môn theo các khối thi đại học.

Tuy có nhiều ưu điểm nhưng theo nhiều giáo viên, chương trình phân ban hiện nay vẫn còn quá nặng. Dạy theo chương trình phân ban, HS được hình thành thói quen chủ động tiếp nhận kiến thức nhưng cũng đòi hỏi khả năng “thiết kế giờ học” của mỗi giáo viên rất cao, trong khi đó, năng lực của giáo viên hiện nay vẫn chưa đồng đều. Mặt khác, số HS/lớp hiện nay của các trường lại quá đông (45-50 HS/lớp), không phù hợp với phương pháp dạy mới; phương tiện dạy học của giáo viên tuy bước đầu đã được đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế. Dạy và học theo chương trình phân ban đòi hỏi phải có đủ thiết bị dạy học. Nhưng theo sự tìm hiểu của chúng tôi, đối với khóa phân ban đầu tiên (lớp 10 năm ngoái), HS vẫn còn phải học “chay” vì thiết bị dạy học mãi đến cuối năm học mới có. Và với tình hình mua sắm thiết bị năm nay, vẫn chưa thấy khả quan hơn.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp mặt thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu   (16/10/2007)
Những kết quả bước đầu  (15/10/2007)
Có thêm 1 phân hiệu  (15/10/2007)
Tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn được thanh toán cước phí điện thoại  (15/10/2007)
Bệnh viện Quân y 13 kỷ niệm 35 năm ngày thành lập  (15/10/2007)
Ghi nhận từ Hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" huyện Phù Mỹ  (14/10/2007)
Chuyện những người làm… “mồi nhử” muỗi  (13/10/2007)
Lao xao chợ cá  (13/10/2007)
5 chị em mồ côi Phạm Thị Minh Phương có nhà mới  (13/10/2007)
11,2 tỉ đồng vốn vay đang chờ HS-SV  (13/10/2007)
Được bổ sung kinh phí để cải cách tiền lương và miễn, giảm học phí  (13/10/2007)
Kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam  (12/10/2007)
Nhiều bức xúc của cử tri đã được giải tỏa  (12/10/2007)
Anh Nguyễn Đức Thanh cảm ơn sự quan tâm của Chủ tịch tỉnh và những nhà hảo tâm  (12/10/2007)
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, lần thứ 9  (12/10/2007)