Trong đợt trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động tại xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ), Trung tâm TGPL tỉnh đã tiếp nhận tư vấn, giải thích, hướng dẫn pháp luật cho trên 50 trường hợp ở thôn 9 có đơn khiếu nại cùng nội dung. Theo đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho họ, mặc dù họ đã cất nhà ở nhiều năm nay. Lỗi “hỗn hợp” giữa người được cấp đất, cơ quan quản lý đất đai và chính quyền địa phương, khiến cho vụ việc rối như tơ vò.
|
Nhiều trường hợp phân lô, xây nhà trái phép tại vùng KTM thuộc xã Mỹ Thắng.
|
Việc khiếu nại yêu cầu cấp giấy CNQSDĐ của bà con ở thôn 9 đã xảy ra từ cuối năm 2005, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ xem xét giải quyết khiếu nại của dân và báo cáo kết quả. Thế nhưng, vụ việc vẫn giẫm chân tại chỗ, không có quyết định giải quyết khiếu nại nào từ phía các cơ quan có thẩm quyền. Sốt ruột, nhiều người dân của thôn này lại tiếp tục khiếu nại nhiều nơi, nhiều cấp.
Vụ việc là do: Năm 1994, thực hiện chủ trương di giãn dân của huyện Phù Mỹ, chính quyền xã Mỹ Thắng đã động viên nhân dân trong xã làm đơn tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới (KTM), thuộc phía Tây thôn 9, xã Mỹ Thắng. Có 60 hộ tình nguyện đến chỗ ở mới trong đợt này. Trong đó có 52 hộ dân của thôn 9, còn lại là các hộ dân của các thôn khác trong xã. Ngày nay, khu KTM này nhà cửa đã đông đúc và có tuyến tỉnh lộ 639 đi qua, người dân yêu cầu cấp CNQSDĐ, thì chính quyền địa phương cho rằng họ ở không hợp pháp nên… không cấp.
Ông Đặng Xuân Linh, một trong các hộ dân tình nguyện đăng ký đi KTM năm 1994 cho biết: “Lúc đó bà con chúng tôi được UBND xã Mỹ Thắng giao cho mỗi hộ 20 mét đất bề ngang và 50 mét bề dài. Toàn bộ là cát trắng, không một bóng cây, ai cũng dựng nhà bằng cây, tre lá để ở. Huyện, xã xuống kiểm tra rồi cấp cho mỗi hộ 800 nghìn đồng. Bà con chúng tôi tiến hành trồng cây dương chắn cát, mùa mưa bão năm đó làm đổ sập hết nhà cửa. Khó khăn về chỗ ở nên một số bà con rủ nhau về tá túc nơi ở cũ, một số đi nơi khác làm ăn, chờ rừng dương liễu trồng dọc biển lớn lên, chắn được gió mới quay lại sinh sống. Khoảng 3 năm sau, khi rừng dương liễu đã phát triển, phần lớn bà con thôn 9 đều quay lại vùng KTM xây dựng lại nhà. Ban đầu thưa thớt về sau nhà cửa ngày càng dày lên”.
Còn ông Trương Tấn Tài - Thôn phó thôn 9 cũng xác nhận: “Đúng như bà con phản ảnh, đa số họ về lại khu KTM để ở trước khi có tỉnh lộ ĐT 639 chạy qua. Có hộ về ở sau khi có tỉnh lộ, một số hộ không đến ở nhưng sang nhượng lại cho người khác, mọi người đã cất nhà ở nhiều năm nay. Mong muốn của bà con địa phương là Nhà nước sớm cấp “sổ đỏ”, để bà con vùng KTM ổn định cuộc sống”.
Theo đoàn TGPL lưu động thì việc yêu cầu cấp GCNQSDĐ bà con cần chứng minh thủ tục di giãn dân lúc bấy giờ, các thủ tục cấp đất ở và đất sản xuất của cơ quan có thẩm quyền; nhất là việc sử dụng đất phải đúng mục đích và sử dụng ổn định, liên tục… Mọi sự chuyển nhượng, sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà trái phép đều là những nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải cân nhắc khi cấp GCNQSDĐ cho bà con, và nếu có ai vi phạm phải xử lý. Đoàn TGPL cũng cho rằng, trong vụ này có phần sai sót của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý đất đai, để tình trạng người dân vi phạm tràn lan.
Ông Huỳnh Văn Mãi, cán bộ địa chính xã Mỹ Thắng cho biết: “Tình trạng lấn chiếm đất đai kéo dài không riêng gì ở vùng KTM. Đến cuối năm 2006 toàn xã có 248 trường hợp lấn chiếm đất đai cất nhà trái phép, và từ đầu năm 2007 đến nay có thêm 20 trường hợp chiếm đất trái phép, nhưng chưa xử lý được trường hợp nào”. |
Theo UBND xã Mỹ Thắng, quá trình di giãn dân đúng như người dân trình bày, nhưng vì sao các hộ dân ở khu vực này chưa được cấp GCNQSDĐ thì ông Trương Xuân Vũ, Phó chủ tịch UBND xã giải thích: “Muốn được giao đất thì họ phải ở liên tục, nhưng các hộ vùng KTM đã bỏ đi hơn 4 năm mới quay lại, nên không thể cấp đất được. Mặt khác, họ tự sang tay với nhau, cất nhà trái phép, vi phạm hành lang đường bộ. Hiện nay theo chỉ đạo của huyện, xã đã tiến hành điều tra số trường hợp xây cất trái phép từ 1993 - 2003, và mốc từ 2004 đến nay, xin ý kiến tỉnh, huyện chỉ đạo giải quyết, nếu đủ điều kiện thì hợp thức hóa thu tiền sử dụng đất, còn không đủ điều kiện thì cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật, chứ xã không đủ thẩm quyền!”.
Như vậy, để xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, kéo dài ở Mỹ Thắng, trước hết là do sự quản lý đất đai của chính quyền địa phương còn rất lỏng lẻo. Đề nghị UBND và các ngành chức năng của huyện Phù Mỹ cần phải vào cuộc, căn cứ vào các quy định của pháp luật về đất đai để giải quyết vấn đề một cách minh bạch, để lập lại trật tự quản lý đất đai ở xã Mỹ Thắng, đồng thời chấm dứt sự khiếu nại đông người, kéo dài của người dân.
|