|
Một giờ thực hành trước những thiết bị hiện đại của công nhân ngành cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn. Ảnh: N.Phúc |
Sản xuất công nghiệp đang trên đà phát triển đã mở ra nhiều cơ hội cho lao động ngành cơ khí. Tuy nhiên, công tác đào tạo công nhân cho ngành này ở tỉnh ta chưa đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập.
* Cầu nhiều, cung ít
Sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Nhơn Hội đang được ưu tiên đầu tư; cộng với việc đầu tư máy móc để thay thế sức lao động con người trong các ngành chế biến nông, lâm, hải sản khiến ngành cơ khí chế tạo và cơ khí phục vụ phát triển không kịp với nhu cầu.
Theo các trung tâm giới thiệu việc làm, bất cứ thời điểm nào cũng có nhu cầu tuyển lao động ngành cơ khí. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở thường xuyên đến trung tâm để tuyển dụng, nhưng số lượng học viên mỗi đợt ra nghề không đủ đáp ứng. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng khi không chỉ riêng các doanh nghiệp, cơ sở ở Bình Định mà các tỉnh, thành lân cận như Gia Lai, Đắc Lắc, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… cũng đang cần.
Do đặc thù của ngành cơ khí là làm việc trong môi trường nặng nhọc, vất vả, nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao nên số lượng người đăng kí học nghề còn hạn chế. Bù lại mức lương các doanh nghiệp, cơ sở trả tương đối cao hơn so với một số ngành khác. Hiện nay mức thu nhập cho những công nhân cơ khí mới ra nghề dao động từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/người/tháng, riêng những người làm lâu năm, thường xuyên đi công trình thì mức thu nhập cao hơn.
Anh Nguyễn Văn Dân, ở thị trấn Đập Đá (An Nhơn), công nhân của Công ty Cổ phần cơ điện và xây lắp Hùng Vương, cho hay: “Sau khi xuất ngũ, tôi chọn học ngành cơ khí, tuy đây là nghề vất vả nhưng khi ra nghề xin được việc làm ngay, thu nhập lại ổn định hơn những nghề khác”.
So với các cơ sở đào tạo nghề thì Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn được xem là địa chỉ đào tạo có chất lượng, bởi nhà trường đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại cho ngành cơ khí, đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay. Tuy nhiên, số lượng học viên ngành cơ khí ra trường mỗi năm cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Mặc dù chưa đến kì tốt nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở đã đến trường liên hệ tuyển dụng trước.
Theo ông Ngô Xuân Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn, ngành cơ khí luôn luôn có nhu cầu lớn, nhưng số người đăng kí vào học lại hạn chế. Ngược lại một số ngành như điện, điện tử… nhu cầu thì không nhiều nhưng số người đăng kí học luôn trong tình trạng quá tải. Vào đầu năm học, nhà trường phải tổ chức những buổi tư vấn cho các em biết được nhu cầu của xã hội, để các em chọn lựa ngành học cho phù hợp với thực tế.
* Bất cập giữa đào tạo và nhu cầu
Hiện nay, khá nhiều học viên tốt nghiệp ngành cơ khí tại các trung tâm dạy nghề khi xin vào làm việc thì các doanh nghiệp, cơ sở phải đào tạo lại. Ông Hà Minh Oan, Giám đốc Công ty Cổ phần cơ điện và xây lắp Hùng Vương-một đơn vị đang giải quyết việc làm cho gần 100 công nhân ngành cơ khí, cho biết: “Hầu như các trường dạy nghề đều dạy thiên về lý thuyết, trong khi đó tiếp xúc, tìm hiểu máy móc mới là điều quan trọng. Hơn nữa, trang thiết bị nếu có cũng rất giản đơn, lạc hậu nên khi ra trường các em hoàn toàn bỡ ngỡ trước những hệ thống máy móc tối tân, hiện đại”. Chính vì thiếu kỹ năng nghề và kiến thức thực tiễn khiến không ít lao động ngành cơ khí sau khi ra nghề đi tìm việc làm khó khăn hoặc khó tiếp cận.
Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng mất khá nhiều thời gian và tiền của cho lực lượng lao động này. Nhiều nơi nhận công nhân vào làm trên tinh thần “học việc”, thích nghi dần. Muốn sử dụng lâu dài và ổn định thì sau khi tiếp nhận, doanh nghiệp sẽ gửi đi đào tạo lại.
Anh Hùng, công nhân của cơ sở cơ khí Đ.H (Cụm công nghiệp Quang Trung) thừa nhận: “Trong thời gian học nghề ở trung tâm dạy nghề, hầu như tôi chỉ học nhiều về lý thuyết, còn thực hành thì trên những thiết bị quá lạc hậu. Vì vậy khi ra nghề, xin vào cơ sở làm việc tôi không biết gì với những công nghệ mới, tôi phải bỏ ra 3 tháng để học lại mới có thể làm việc được”.
Có lẽ vì vậy mà khi đăng tin tuyển dụng các doanh nghiệp, cơ sở thường “thòng” thêm câu “ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm”. Do đó vấn đề đặt ra cho ngành cơ khí, là đào tạo cần phải theo sát thực tế. Ngoài ra, học viên cũng phải tự mình tìm tòi và tiếp thu những kiến thức mới của ngành để có thể yên tâm làm việc.
|