Từ ngày 1.1.2007, tất cả các đơn vị công lập thuộc ngành Y tế tỉnh đều đã thực hiện tự chủ về mặt tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là chủ trương nhằm phát huy tính sáng tạo và chủ động của các cơ sở y tế trong việc cung cấp các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, cần phải có sự thận trọng trong quá trình thực hiện, tránh kiểu làm tận thu để bù chi.
|
Việc thực hiện tự chủ tài chính ở các BV công sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong ảnh: Khám chữa bệnh tại BVĐK tỉnh.
|
* Xóa bao cấp: Nơi được, nơi không
Bác sĩ (BS) Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, cho biết: “Mục tiêu của tự chủ tài chính là tăng thu, tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như thái độ phục vụï bệnh nhân. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh viện (BV) phải xem bệnh nhân là… khách hàng”.
Để tăng nguồn thu, tiết kiệm các khoản chi phí, các BV cũng đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ với từng khoản, mục khá rõ ràng, cụ thể, từ thu nhập tăng thêm, thanh toán các chế độ cho đến văn phòng phẩm, vật tư tiêu hao được sử dụng.
BS Bình cũng thừa nhận, trước khi có Nghị định 43, việc thanh toán các chế độ làm không chặt chẽ. Nhiều cán bộ, nhân viên không đi công tác, nhờ người khác đóng dấu rồi cũng được cơ quan thanh toán tiền công tác phí mà hiệu quả công việc lại không có. Còn bây giờ bất kỳ khoản chi tiêu nào cũng đều theo quy định hẳn hoi. Cán bộ, nhân viên nghỉ phép, ốm đau… được thanh toán theo thực tế, công tác phí cũng được khoán, chế độ liên hoan, tiếp khách trong các hội nghị cũng được cân nhắc… Riêng những khoản này, hàng năm, BV huyện An Nhơn cũng đã tiết kiệm được vài chục triệu đồng.
Trên thực tế, hiện nay, nguồn kinh phí ngân sách cấp hàng năm cho ngành Y tế còn thấp, không đủ trang trải toàn bộ nhu cầu chi. Phần lớn BV vẫn phải sử dụng từ nguồn thu viện phí và bảo hiểm y tế. Vấn đề này càng khó khăn hơn đối với các BV chuyên khoa và BV các huyện miền núi, trung du bởi nguồn thu không đủ để… bù chi.
Đơn cử như trường hợp của BVĐK huyện Vĩnh Thạnh. BV hiện có 40 giường bệnh. Căn cứ theo giường bệnh thì kinh phí do nguồn ngân sách nhà nước cấp cho BV năm 2007 là 960 triệu đồng. Phân rã kinh phí thì chỉ đến tháng 9.2007 là BV không còn kinh phí để hoạt động. Vì thế, mới có chuyện “dở cười, dở mếu” là máy điện tim duy nhất của BV bị hư, kinh phí sửa chữa khoảng 2,5 triệu đồng nhưng BV cũng đành phải chờ cơ quan bảo hiểm thanh toán tiền bảo hiểm y tế rồi mới mang máy đi sửa.
BS Hứa Tự Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nguồn thu chính của y, BS tại đây là đồng lương, còn các khoản phúc lợi, tiền thưởng thì những đơn vị miền núi như Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão chỉ có nước “nằm mơ”. Việc áp dụng tự chủ tài chính theo Nghị định 43 đối với đơn vị là rất khó bởi vì bệnh nhân của chúng tôi chủ yếu thuộc nhóm đối tượng nghèo và cận nghèo!”.
* Phải thận trọng!
BS Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế, khẳng định việc thực hiện chủ trương này đã mang lại những kết quả rất thiết thực. Các đơn vị có điều kiện mở rộng các loại hình dịch vụ, nguồn thu sự nghiệp có xu hướng ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, chủ động triển khai các dịch vụ phụ trợ, tạo thêm nguồn thu để bổ sung kinh phí hoạt động. Quan trọng nhất là do chủ động được nguồn kinh phí nên thủ trưởng các đơn vị được quyền chủ động sắp xếp, bố trí lao động một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc, hạn chế các hiện tượng tiêu cực.
Tuy nhiên, theo BS Bình, bức xúc nhất của việc thực hiện tự chủ tài chính hiện nay là quy định phải trích 35% nguồn thu để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đơn vị theo quyết định của Bộ Tài chính. “Khuyến khích tăng thu nhưng lại lấy 35% nguồn thu viện phí (sau khi trừ tiền thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất) để thực hiện chế độ tăng lương là không hợp lý” - BS Bình nói.
Còn một vấn đề nữa mà các đơn vị thực hiện cũng như cơ quan quản lý cần phải tính đến là theo cơ chế tự chủ tài chính, để trang trải cho các khoản chi, các BV sẽ lạm dụng nhiều loại thuốc và chỉ định nhiều xét nghiệm cũng như các loại hình kỹ thuật y tế có chi phí cao để thu phí. Do đó, các BV phải thật thận trọng trong các bước triển khai. Còn cơ quan quản lý cũng phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thu của các đơn vị để tránh tình trạng “tận thu” kiểu như bệnh nhân bị đau bụng, BS chỉ định lòng vòng nào chụp X-quang, chụp não, điện tim… để tăng thu là không đúng.
BÁC SĨ NGUYỄN VĂN CANG, GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ:
Giao quyền tự chủ không phải là… khoán trắng cho đơn vị !
Trao đổi của BS Nguyễn Văn Cang với PV Báo Bình Định về vấn đề tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Y tế.
BS Cang khẳng định: tự chủ tài chính là một khâu đột phá trong cải cách quản lý y tế. Hiện tại, các đơn vị sự nghiệp có thu trong ngành Y tế tỉnh ta chủ yếu là đơn vị loại II, III (đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động). Như vậy, giao quyền tự chủ tài chính không có nghĩa là BV bị khoán, phải tự xoay xở, cân đối thu chi mà là giám đốc được chủ động nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác cho các hoạt động chuyên môn. Nhà nước vẫn cấp ngân sách cho các đơn vị.
* Ông giải thích thế nào khi việc khuyến khích các đơn vị, nhất là các BV tăng thu, tiết kiệm chi theo Nghị định 43 dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thu, khiến người bệnh phải gánh thêm những chi phí cho các dịch vụ y tế không cần thiết?
- Như tôi đã nói, ở tỉnh ta chủ yếu là các đơn vị loại II và III, vẫn được Nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Vả lại, Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế về quy chế chuyên môn, đặc biệt trong lĩnh vực chỉ định các xét nghiệm, dịch vụ chẩn đoán… để hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng thu như chị nói.
* Việc thực hiện tự chủ tài chính có thể xảy ra tình trạng “chảy máu” chất xám từ “vùng trũng” về những nơi có thu nhập cao hơn?
- Đó là một trong những bất cập, vướng mắc mà chúng tôi gặp phải khi triển khai thực hiện tự chủ tài chính. Do nguồn thu của các đơn vị không đồng đều nên sẽ xảy ra tình trạng có chênh lệch thu nhập, làm hạn chế khả năng tuyển dụng lao động đối với đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu.
Ngoài ra, chúng tôi còn vấp phải một số hạn chế khác như việc sử dụng 35% nguồn thu viện phí (sau khi trừ tiền thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất), 40% viện phí và lệ phí khác để thực hiện chế độ tiền lương mới là chưa phù hợp. Kinh phí hoạt động hàng năm giao cho các đơn vị còn quá thấp. Công tác tuyên truyền, quán triệt về Nghị định 43 có nơi làm chưa tốt nên việc hiểu và thực hiện còn gặp không ít khó khăn, một số ít bộ phận còn nhận thức chưa đầy đủ và đúng đắn cơ chế này nên e ngại và sợ mất sự bao cấp của Nhà nước.
Mặt khác, trình độ quản lý của một số cán bộ chưa thích ứng ngay được với cơ chế mới dẫn đến việc lúng túng trong quá trình triển khai. Để giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc nói trên, theo tôi cần ban hành cơ chế chính sách đồng bộ. Bố trí tăng thêm kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, đặc biệt nên tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị.
* BV lo tăng thu, tiết kiệm chi nên có thể sẽ “khống chế” việc miễn giảm viện phí cho những đối tượng cận nghèo?
- Việc thực hiện nghị định này không ảnh hưởng gì đến nhu cầu khám chữa bệnh của người nghèo, vì họ có thẻ bảo hiểm y tế và được miễn hoàn toàn viện phí theo quy định từ trước đến nay. Riêng, đối với những đối tượng cận nghèo, nếu được chứng thực cũng sẽ được các BV miễn giảm chứ không hề khống chế số lượng. Bởi vì, quỹ khám chữa bệnh dành cho người nghèo sẽ điều tiết và chi trả lại cho các BV khoản kinh phí đã duyệt miễn giảm cho đối tượng nói trên.
* Cảm ơn BS!
| |