Trung tuần tháng 10, trời lạnh và mưa như trút nhưng ở phòng Nhi sơ sinh khoa Nhi - BVĐK tỉnh, những em bé chỉ nặng từ 1,1 kg đến 1,8 kg vẫn yên lành trong lồng ấp…
|
Y tá đang chuẩn bị thay tã, làm vệ sinh cho trẻ.
|
* Lồng ấp thay lòng mẹ
Vào thời điểm chúng tôi đến, có 11 cháu đang nằm trong lồng ấp. Có bé ngủ ngon lành như đang nằm trong lòng mẹ. Có bé cựa mình, oe oe yếu ớt… Ba thành viên mới nhất là con của sản phụ Nguyễn Thị Thúy, 29 tuổi, ở huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên mới được chuyển vào từ sáng. Chị Thúy có thai lần hai nhưng mới đến tuần 34 đã chuyển dạ. Chị sinh một lúc ba bé trai kháu khỉnh nhưng rất nhẹ cân: 1,4 kg, 1,5 kg và 1,8kg. Ngay sau khi chào đời, các cháu lần lượt được đưa đến phòng Nhi sơ sinh để được chăm sóc đặc biệt. Anh cả “ra trước” được nằm lồng riêng. Hai em ra sau phải nằm chung ở bàn sưởi… vì đã hết lồng ấp.
Với những cháu mới vào, ngoài đặt các ống sonde thở oxy, dịch chuyền…, các cô y tá còn cẩn thận dán một miếng băng keo nho nhỏ đề tên mẹ trên trán để tiện theo dõi và tránh nhầm lẫn. BS Trần Thị Tố Anh, Phó Trưởng khoa, lật sổ, thông báo: “Cháu nhỏ nhất là con của sản phụ Võ Thị Thanh Hiếu, nặng chỉ 1,1 kg đã nằm ở đây được 25 ngày, giờ nặng khoảng 1,6 kg. Con của sản phụ Phương Anh lúc chào đời nặng 1,4 kg, nửa tháng nằm lồng ấp nay tăng thêm 200 gram. Với trẻ sinh thiếu tháng thì lên được bao nhiêu đấy là cả một kỳ công”.
Không kỳ công sao được khi trẻ sinh non, nhẹ cân phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Vì sinh thiếu tháng nên hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch… phát triển chưa hoàn chỉnh khiến các cháu dễ bị suy hô hấp, ngạt thở, hạ đường huyết và nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Do đó, cần phải được cách ly hoàn toàn với gia đình và chăm sóc một cách đặc biệt dưới sự kiểm tra, giám sát liên tục của các nhân viên y tế. Nhiệt độ ở mỗi lồng ấp phải luôn được điều chỉnh tùy theo thể trạng của từng bé.
Chị Huỳnh Thị Sương, người chăm cháu, cho biết: “Con bé sinh đã gần tháng nhưng trong gia đình chưa ai được thấy mặt. Nhà tôi mỗi ngày cắt cử một người xuống trông chừng. Cứ đúng 3 giờ một lần đưa sữa vào để các bác sĩ cho bé ăn, ngày cũng như đêm. Mọi việc còn lại đã có các y, bác sĩ lo liệu”.
* Nâng như nâng... trẻ thiếu tháng
“Người ta bảo nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Nhưng tôi thấy không gì khó bằng nâng một bé thiếu tháng, nhẹ cân cả” - nữ y tá tên Minh Hồng nói. Bé còn yếu cần cho thở ô xy và dùng ống sonde bơm sữa vào dạ dày. Bé khỏe dần thì tập bú bình. Tình hình sức khỏe bé tiến triển đến đâu thì báo cho bác sĩ biết đến đó để kịp thời điều chỉnh, giúp bé quen với môi trường tự nhiên.
Theo BS Dương Ngọc Hiền, Trưởng khoa Phụ Sản - BVĐK tỉnh, trẻ sinh thiếu tháng là những trẻ chào đời trước 38 tuần, cân nặng dưới 2,5kg. Số này có nguy cơ tử vong cao nên cần phải có sự chăm sóc đặc biệt. Có nhiều nguyên nhân gây đẻ non: mẹ có tiền sử sẩy thai liên tiếp; hở eo cổ tử cung hay tử cung dị dạng; đẻ sớm dưới 18 tuổi hoặc đẻ muộn trên 40 tuổi; mẹ lao động nặng khi có thai… |
Phòng Nhi sơ sinh hiện chỉ có 10 lồng ấp và 10 giường bệnh nhưng số bệnh nhân luôn dao động ở mức 30-40 người. Trong đó, trẻ sinh non, nhẹ cân luôn chiếm 1/3. Theo BS Tố Anh, thời gian trẻ nằm trong lồng ấp hoàn toàn tùy thuộc vào sức khỏe của bé. Nếu như bé bú tốt, vận động tốt và mẹ biết cách chăm thì chỉ 7-10 ngày bé được ra ngoài, còn không, phải nằm cả tháng trời. Những bé sức khỏe đã ổn định sẽ được cho sang phòng nằm chung với mẹ. Tuy vậy, bé cũng cần phải được chăm sóc theo chế độ đặc biệt trong một thời gian dài chứ không như trẻ sinh bình thường.
Tại phòng bệnh nhi kế bên, sản phụ Nguyễn Thị Thủy (22 tuổi) ở Cát Tân, Phù Cát đang ôm con gái dỗ dành cho bú. Chị Thủy vào chăm chồng ốm ở BVĐK tỉnh thì sinh con khi mới mang thai hơn 7 tháng. Cháu bé sinh ra nặng 1,6 kg, phải nằm trong lồng ấp 7 ngày. Hết 3 ngày ở khoa sản, chị Thủy phải ở bên ngoài chờ con được “sổ lồng”. “Bé nay đã bú được rồi nhưng biếng bú lắm. Tôi phải vắt sữa ra dỗ dành cháu bú thêm vì bác sĩ đã dặn một ngày phải cho cháu bú 12-15 lần”- chị vừa nói vừa dỗ con. Cùng phòng với chị Thủy còn có hai trường hợp trẻ thiếu tháng, nhẹ cân cũng vừa “sổ lồng” được ở cùng với mẹ.
|